Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Scientific Reports. Giáo sư Nobuyuki Kawai (Đại học Nagoya) cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng phương pháp của mình sẽ giúp kiềm nén cơn giận. Nhưng thật ngạc nhiên là cơn giận lại bị loại bỏ hoàn toàn”.
Trong nghiên cứu, 100 sinh viên được yêu cầu trình bày ý kiến về một số vấn đề xã hội, chẳng hạn như liệu hút thuốc ở nơi công cộng có nên bị cấm hay không. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nagoya sẽ đánh giá những gì họ trình bày.
Tuy nhiên, bất kể người tham gia viết gì, họ đều nhận điểm số thấp về mức độ thông minh, sự quan tâm, tính thân thiện, tính logic, lý tính, thậm chí còn kèm lời phê xúc phạm: “Không tin được một người có học thức lại nghĩ như vậy. Tôi hy vọng người này sẽ học được điều gì đó khi còn học đại học”.
Người tham gia sau đó viết cảm xúc ra giấy. 50 sinh viên xé nhỏ hoặc vứt đi, 50 sinh viên giữ lại. Nghiên cứu ghi nhận tất cả đều thể hiện mức độ tức giận chủ quan tăng trước lời phê xúc phạm, nhưng cơn giận ở nhóm giữ lại giấy vẫn ở mức cao trong khi ở nhóm xé nhỏ/vứt đi giảm đến mức gần như hóa giải.
Theo đội ngũ nghiên cứu, phương pháp của họ có thể được sử dụng như một hình thức kiểm soát cơn giận đặc biệt. Kiểm soát cơn giận lúc ở nhà lẫn lúc làm việc sẽ giảm hậu quả tiêu cực mà sự giận dữ mang lại cho công việc cũng như cuộc sống cá nhân.