Một mình một cõi là lúc mỗi người có thể hoàn toàn là chính mình. Ai không cảm nhận được cái hay ho của những lúc ở một mình, thì từ phương diện nào đó, họ chưa biết cách yêu tự do tự tại thật sự. Bởi lẽ người sống ở đời, không phải lúc nào cũng có sự đồng hành, dìu dắt bên cạnh.
Ở một mình vẫn thấy vui chính là năng lực của người trưởng thành tự kiếm tìm hạnh phúc. Nghe thì đơn giản nhưng ít ai làm được.
Mạng xã hội không còn xa lạ với con người ngày nay. Sáng sớm thức dậy, bạn nhấc điện thoại lên để lướt xem thông tin, chào hỏi mọi người khi ra ngoài, ăn uống và trò chuyện cùng nhau... đây đều là những tương tác xã hội thông thường.
“Ngoài đường dựa vào bạn bè”, “Càng có nhiều bạn, đường càng dễ đi”, nhiều người kết bạn vì những lời dạy này, giao lưu vì mục đích “hai người trở lên”, không muốn đối mặt với thời gian một mình.
Quá nhiều người đã quá quen với cái gọi là sự hướng ngoại và giỏi giang trong giao tiếp, lại đưa ra một định nghĩa không thể chấp nhận được cho sự cô đơn, “thà khóc khi giao tiếp xã hội thất bại, còn hơn thành công trong sự cô độc”.
Có một câu chuyện thế này:
Bạn là tiều phu, còn người kia chăn cừu. Bạn trò chuyện với anh ta một ngày, đàn cừu của anh ta đã ăn no, nhưng củi của bạn đâu?
Chúng ta có thể nghĩ thế này: Người tiều phu không thể đi cùng người chăn cừu, trò chuyện cả ngày cũng không mang lại giá trị hữu ích gì, tương tác xã hội vô giá trị như vậy có ích lợi gì? Trong cuộc sống có rất nhiều mối quan hệ vô nghĩa, tưởng chừng như có thể giúp đỡ lẫn nhau nhưng khi cần thì tìm không thấy đâu.
Suy cho cùng, tương tác giữa các mối quan hệ là sự trao đổi có giá trị ngang nhau, những người khác không sẵn lòng giúp đỡ bạn vì họ biết rằng tương tác xã hội với bạn không có giá trị cao đến mức họ đưa ra sự giúp đỡ bằng cả trái tim và tâm hồn. Đương nhiên lúc này ta không tính đến tình huống đối phương không đủ năng lực để giúp đỡ.
Thay vì lãng phí thời gian và sức lực vào những mối quan hệ vô nghĩa, chi bằng học cách tận dụng những lúc ở một mình làm phong phú cuộc sống.
Sự bình tĩnh đúng nghĩa không phải là trốn tránh sự hối hả của xe ngựa, mà là dựng rào trồng cúc trong lòng. Nếu muốn đo trái tim của một người mạnh mẽ đến mức nào, hãy xem người đó có thể thấy vui khi ở một mình hay không, từ đó tỉnh ngộ, trở nên mạnh mẽ và độc lập.
Trong cuộc sống đời thường, chỉ những người sẵn sàng ở một mình mới có thể biết cách quan sát, phân tích và suy nghĩ trong im lặng, đồng thời có thể nhìn ra điều độc đáo trong điều bình thường và giải quyết sự hỗn loạn.
Ở đây không cổ xúy con người tách biệt với xã hội, xa lánh cộng đồng, mà là nhấn mạnh lợi ích của việc tập trung vào bản thân, sử dụng thời gian một mình để nâng cao năng lực, nhìn nhận đúng chính mình và tạo ra phương hướng mới.
Nghe thật vô lý đúng không? Ở một mình thì làm sao có sự giao tiếp mà kết giao với người mới? Nhưng nếu ngẫm lại, bạn sẽ thấy nó có lý vô cùng.
Ở đây, bạn cần hiểu đúng đắn “ở một mình”, nó không phải là “tự nhốt mình” thời gian dài, mà là nhắm vào những khoảnh khắc ở một mình để nâng cao bản thân, vẫn thấy vui khi không có sự can thiệp của người khác trong cuộc sống.
Khi ở một mình, chúng ta có cơ hội để suy ngẫm, nhìn nhận và thấu hiểu bản thân rõ ràng hơn, quan sát những thay đổi của môi trường xung quanh một cách toàn diện hơn, cho phép bản thân được tiến bộ hơn.
Khi bạn đủ giỏi giang, bạn sẽ tự nhiên thu hút được những người giỏi tương đương hoặc thậm chí giỏi hơn.
Trên thực tế, người xuất chúng thường có dũng khí bơi ngược dòng và dễ chịu đựng sự cô đơn. Không phải người giỏi khó gần hay không muốn hòa đồng, chỉ là họ có sự bình tĩnh hơn, biết khiêm tốn, không thích thể hiện, chọn lựa đối tượng cần giao lưu. Cô độc đối với họ như một loại hưởng thụ.