Chỉ khi hai người sẵn sàng chia sẻ lợi ích, gánh chịu rủi ro và cùng nhau tiến về phía trước thì mới có thể được hưởng lợi ích mà hôn nhân mang lại.
Tôi từng xem được một bài phỏng vấn, MC hỏi một số nam sinh: Giữa người con gái 27 tuổi đã ly hôn và người con gái 35 tuổi chưa kết hôn, bạn sẽ lấy người nào?
Câu trả lời của nhiều người khiến tôi vô cùng bất ngờ.
Có người nói: "Đàn bà ly hôn là đồ second-hand rồi".
Người khác cho rằng: "Người đàn ông lần đầu kết hôn không thể lấy người phụ nữ đã từng ly hôn được, quá mất giá!"
Còn với phụ nữ 35 tuổi chưa chồng? Họ đưa ra nhận định như thế này:
"35 tuổi mà còn chưa kết hôn, chắc chắn là có vấn đề"
"Gái ế chắc chắn vừa xấu, vừa kén chọn, lại còn nghèo!"
Nói tóm lại, chỉ cần là phụ nữ đã ly hôn hoặc lớn tuổi mà chưa lấy chồng, họ sẽ trở thành "mất giá" trong miệng cánh đàn ông.
Thế nhưng, trong khi đàn ông vẫn đang chỉ trỏ bình luận về phụ nữ, phụ nữ lại nghĩ về việc hôn nhân có thể mang lại cho họ những gì, sẽ bào mòn họ hay có thể mang lại cho họ lợi ích?
Nhiều người phụ nữ xung quanh tôi từng than thở: Nếu sớm biết cuộc sống hôn nhân khó khăn đến vậy thì đã kết hôn muộn một chút rồi.
Ngày càng có nhiều phụ nữ bắt đầu nghĩ:
Vì sao phải kết hôn?
Kết hôn mang lại lợi ích gì?
Nếu như không chịu được những điều vụn vặt trong hôn nhân thì phải chấm dứt nó như thế nào?
Cách đây không lâu, một độc giả nam trò chuyện với tôi ở hậu trường.
Nhắc đến chuyện kết hôn, tôi hỏi cậu ấy: "Em muốn kết hôn với người thế nào?"
Câu trả lời của cậu rất thực tế: "Em muốn tìm một cô gái biết chăm sóc gia đình, có thể sắp xếp cuộc sống tươm tất, để em có thể ở ngoài nỗ lực làm việc mà không phải lo lắng gì".
Tôi lại hỏi: "Nếu cô ấy có thể chăm lo tươm tất cho gia đình thì em có thể phụ trách nuôi gia đình được không?"
Câu trả lời của cậu ấy lại càng thực tế hơn: "Không thể được! Cô ấy cũng phải kiếm tiền! Nếu không thì lấy ai nuôi gia đình, nuôi con cái đây, áp lực đến nhường nào chứ!"
Nghe cậu ấy nói xong, tôi lặng đi, chợt hiểu được vì sao nhiều phụ nữ lại không muốn kết hôn như vậy.
Tôi nhớ có lần bạn tôi từng phàn nàn với tôi, cô ấy nói trước khi đăng ký kết hôn, vợ chồng cô đã thống nhất sẽ nỗ lực xây dựng sự nghiệp trước, đợi mấy năm sau mới sinh con.
Không ngờ năm thứ hai sau khi kết hôn, mẹ chồng còn chưa vội, dì bảy dì tám trong nhà đã ra mặt, cứ nhìn chằm chằm vào bụng cô mà nói, còn nói ra câu quái gở "sau khi kết hôn không sinh được con là đồ vứt đi", buộc họ phải đẩy kế hoạch sinh con lên trước thời hạn.
Từ việc chuẩn bị mang thai, đến khi thụ thai, sinh con và giáo dục con, con cái chiếm phần lớn cuộc sống của cô ấy.
Chồng cô ấy bận trả nợ nhà nợ xe, không có thời gian chăm lo việc gia đình.
Vì vậy cô ấy một mình dồn hết tâm huyết vào việc mua sắm đồ dùng cho trẻ, bầu bạn và dạy dỗ con.
Ước mơ được thăng chức, tăng lương trong 3 năm của cô ấy tan thành mây khói, kể từ đó, cuộc sống của cô nếu không phải là chăm chăm xem siêu thị nào giảm giá thì cũng là nghĩ cách làm sao để tiết kiệm được chút tiền mua sữa bột.
Người ta hay nói cuộc sống sau hôn nhân của người phụ nữ là rửa tay nấu canh cho người khác, ngó lơ việc theo đuổi giá trị bản thân và khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ.
Không chỉ mình cô ấy, xung quanh tôi có rất nhiều phụ nữ đã kết hôn, mỗi khi nói chuyện hôn nhân với họ, dường như luôn nhận được câu trả lời giống nhau: Kết hôm sớm quá, nếu lường trước được thì sẽ kết hôn muộn một chút.
Hôn nhân đối với nam nữ mà nói, khác biệt thật sự quá lớn.
Sự khác biệt đó là gì?
Có một câu hỏi kinh điển: Với đàn ông và phụ nữ mà nói, hôn nhân có ý nghĩa gì?
Có người trả lời:
Nó mang đến cho nam giới: Một gia đình, một người vợ, những đứa con và chi phí để lo cho gia đình. Những thứ khác không khác gì so với trước khi kết hôn.
Nó mang đến cho phụ nữ: Một gia đình, một người chồng và những đứa con, việc nuôi dưỡng con cái, hằng hà sa số việc nhà, mối quan hệ phức tạp mẹ chồng - nàng dâu.
Khi đàn ông không nuôi nổi gia đình, phụ nữ còn vừa phải ra ngoài làm việc, vừa làm nội trợ ở nhà.
Còn điều gì vô lý hơn thế nữa?
Bạn quá chăm lo cho gia đình, có người nói bạn không tự lập; bạn cống hiến hết mình cho công việc có người nói bạn quá uy quyền.
Tiến thoái lưỡng nan.
Nói đến đây tôi chợt nghĩ đến Tô Mẫn, cô ấy là người con gái lớn lên trong nền giáo dục truyền thống. Khi còn trẻ, cô nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, kết hôn với người đàn ông mà cha mẹ cô cho là môn đăng hộ đối.
Tô Mẫn rất tự lập. Sau khi kết hôn, để không phải ngửa tay xin tiền chồng, cô vừa chăm lo việc nhà vừa làm thêm kiếm tiền.
Tôi cứ nghĩ người chồng sẽ thương xót cô ấy, nhưng không ngờ chồng cô ấy được voi đòi tiên, đòi chia đều chi phí gia đình với cô ấy.
Tiền lớn tiền nhỏ, chỉ cần không phải chi thêm, chồng cô sẽ không bỏ ra thêm một đồng, thậm chí có lần Tô Mẫn dùng thẻ y tế của chồng để mua thuốc, hôm sau chồng cô liền đổi mật khẩu.
Vẫn chưa hết.
Dù Tô Mẫn luôn cẩn thận làm tròn chức trách người vợ, người mẹ, chăm chỉ kiếm tiền trang trải cuộc sống nhưng chồng cô vẫn không hài lòng với cô.
Chồng cô rất độc đoán, không cho Tô Mẫn cơ hội nói chuyện đã dùng bạo lực với cô, khi nghiêm trọng, thậm chí còn cầm ghế đập vào người cô ấy.
Trong một gia đình như vậy, Tô Mẫn lựa chọn "nhẫn nhịn", nhẫn nhịn đến khi con ra đời và trưởng thành, nhịn tiếp đến khi có cháu.
Cô nhìn các con lớn lên từng ngày, lại chứng kiến các cháu ra đời, không chịu đựng thêm được nữa, cô ra một quyết định táo bạo: Bỏ trốn.
Cô ấy tự lái ô tô, muốn đi tới đâu thì đi tới đó.
Cô còn quay video ngắn để kiếm chút chi phí đi lại.
Cô ấy nói: Tôi không thể sống như thế này được nữa, tôi phải sống cho bản thân mình.
Nhiều chị em thấy tình cảnh của Tô Mẫn thì vào bình luận hàng loạt, ngoài sự ngưỡng mộ ra còn vô số những lời kể khổ.
Có người mới cưới được hai, ba năm, phát hiện chồng mình thay đổi rồi, nhưng trước sau vẫn nhịn.
Có người mâu thuẫn với mẹ chồng, gia đình rối ren, chỉ có thể tự mình chịu đựng ấm ức.
Còn có người tất bật vì con cái, lo lắng cho gia đình, chỉ có bản thân mình là không lo được.
Họ trút nỗi niềm qua những video của Tô Mẫn, tổng kết lại là câu: Vất vả làm việc không đối lại được tôn trọng, tất bật tối ngày không đổi lại được cảm thông, nếu có cơ hội thì kiếp sau sẽ không làm phụ nữ nữa.
3. Hôn nhân đã không còn là điều bắt buộc
Hi sinh tất cả vì con cái, vì chồng, vì bố mẹ chồng, vì gia đình, đến cuối cùng lại không có được sự công nhận.
Tạ Vũ, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ, Giám đốc Trung tâm Đương đại Đại học Princeton, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội của Đại học Bắc Kinh, đã từng đưa ra một con số:
Sinh con có tác động tiêu cực đáng kể đến mức lương của phụ nữ ở Trung Quốc.
Thống kê cho thấy mỗi khi phụ nữ sinh một đứa con, trong dài hạn tiền lương của cô ấy sẽ giảm khoảng 7%. Hơn nữa, tác động tiêu cực này vẫn sẽ tồn tại và tăng thêm cùng với sự gia tăng số lượng con cái.
Sức người là có hạn, những vấn đề vụn vặt trong hôn nhân, nuôi dạy con cái tiêu tốn phần lớn thời gian của phụ nữ nên thời gian họ dành cho công việc sẽ càng ngày càng ít.
Bạn nói, chuyện này đàn ông không chịu trách nhiệm ư?
Đúng, nhưng không phải hoàn toàn.
Mỗi người đều có những nỗi khổ riêng, đàn ông cũng có những áp lực họ phải gánh chịu.
Tôi có một đồng nghiệp, từ khi quyết định kết hôn, anh ta như thay đổi hoàn toàn vậy.
Đầu tiên, vì tích góp tiền mua nhà mà nỗ lực làm việc, sau đó là cố gắng kiếm tiền mua sữa bột cho con. Chỉ trong ba năm, trong khi người vợ chăm lo gia đình tươm tất, sự nghiệp của anh ta cũng lên như diều gặp gió.
Anh ta được mệnh danh là "chồng nhà người ta".
Trở lại cuộc sống thực, không phải người phụ nữ nào cũng may mắn gặp được người chồng đáng tin cậy và biết cố gắng như vậy.
Tư duy truyền thống nam đối ngoại, nữ đối nội vẫn còn, hầu hết những chuyện vặt vãnh phụ nữ đều phải tự mình xử lý, không còn cách nào khác.
Trên mạng có 1 video phân tích lý do tại sao phụ nữ không muốn kết hôn. Đại khái là thế này:
Chế độ hôn nhân truyền thống dựa trên sự phụ thuộc kinh tế của phụ nữ vào nam giới. Phụ nữ giải quyết nhu cầu sinh tồn thông qua hôn nhân, còn nam giới thông qua hôn nhân giải quyết nhu cầu sinh sản.
Thế nhưng bây giờ, đàn ông không thiếu tình, phụ nữ cũng không thiếu tiền.
Mô hình hôn nhân truyền thống không còn phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay, phụ nữ ngày nay không chỉ phải ra ngoài kiếm tiền mà còn phải trở thành người nội trợ trong nhà.
Theo lý mà nói, gia đình là của 2 người, nhưng trong hầu hết các gia đình, việc nhà là của phụ nữ. Con cái là của 2 người, nhưng chăm sóc con thì một mình phụ nữ làm.
Do đó, nhiều người đã phát hiện ra rằng một khi kết hôn, chất lượng cuộc sống của họ sẽ giảm sút, đồng thời còn hủy hoại tiền đồ sự nghiệp của họ.
Bản chất của con người là tìm kiếm cái có lợi và né tránh cái bất lợi.
Đối với nhiều phụ nữ, họ không nghèo đến mức phải dựa vào hôn nhân để có cơm ăn áo mặc, cũng không giàu đến mức phải có thể dựa vào "môn đăng hộ đối" để kết hôn.
Chẳng trách không ít người đều cảm thán "độc thân lại càng hạnh phúc".
Vậy thì, nên giải quyết vấn đề này như thế nào đây?
Tôi nhớ đến bộ phim đang xem gần đây: "Chiếc vòng tay của mẹ chồng".
Lưu Nhân và Thạch Đầu có cuộc hôn nhân không được nhiều người đánh giá cao. Hôn nhân của họ không những chịu sự can thiệp của mẹ chồng mà còn phải đối mặt với sự bóc lột trắng trợn của nhà mẹ Lưu Nhân.
Nhiều khi tôi đã nghĩ cuộc hôn nhân của họ không thể tiếp tục được nữa.
Nhưng cuối cùng, họ luôn nghĩ ra được cách để hóa giải nguy cơ.
Tình tiết đáng nhớ nhất là khi hai người xảy ra mâu thuẫn vì một chiếc vòng tay, mất lòng cha mẹ hai bên đã đành, trong lòng hai người cũng vì thế mà sinh ra khúc mắc.
Thế nhưng khi đó, trước mặt bố mẹ chồng, Thạch Đầu vẫn mạnh mẽ bảo vệ vợ.
Anh ấy nói:
Nếu là lỗi của vợ thì nhất định sẽ xin lỗi, anh ấy sẽ đi cùng vợ.
Nếu như không phải lỗi của vợ, anh ấy yêu cầu bố mẹ phải xin lỗi vợ.
Chỉ một vài câu nói thôi cũng đã thể hiện được trách nhiệm và sự bảo vệ của người đàn ông này đối với vợ.
Không chỉ thế, dù có chuyện gì xảy ra giữa họ, dù là mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu hay những trắc trở trong sự nghiệp, Thạch Đầu cũng sẽ kiên quyết đứng về phía vợ và nói với cô ấy rằng: Đừng sợ, cứ để anh lo.
Người vợ cũng vậy, cô không vì sự chiều chuộng của chồng mà lên mặt, cô ấy thấu hiểu và yêu thương chồng, sẵn sàng dỗ mẹ chồng vui và nhân nhượng vì gia đình.
Họ còn lập ra một lời hứa: Dù bất cứ khi nào, họ cũng sẽ thành thật với nhau.
Vì vậy, nhờ sự hi sinh và bảo vệ tình yêu của hai người, cuộc hôn nhân vốn không được đánh giá cao này đã có thể tiếp tục duy trì.
Kể từ đó, họ có được một người bạn đời để dựa dẫm, và một ngôi nhà nhỏ làm nơi trú ẩn an toàn.
Tôi rất thích một câu nói: hôn nhân giống như việc hai người hợp tác mở công ty, muốn cuộc hôn nhân tốt đẹp cần phải có sự điều hành từ hai người.
Chỉ khi hai người sẵn sàng chia sẻ lợi ích, gánh chịu rủi ro và cùng nhau tiến về phía trước thì mới có thể được hưởng lợi ích mà hôn nhân mang lại.
Quãng đời còn lại còn rất dài, nếu bạn không có duyên gặp được người phù hợp, thì tôi mong bạn điều hành tốt cuộc sống độc thân của mình, mỗi ngày đều tràn ngập hạnh phúc.
Nếu bạn có duyên bước vào thánh đường hôn nhân, vậy tôi chúc bạn có thể nắm tay người mình yêu, cùng phấn đấu vì mục tiêu chung của hai người.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị