Livestream bán hàng nói chung và livestream trên sàn thương mại điện tử nói riêng đang dần trở thành xu hướng. Nhiều chủ shop, nhãn hàng đã nhận ra tầm quan trọng của việc livestream và đầu tư một cách bài bản, nghiêm túc cho hoạt động này. Tuy vậy, không ít người vẫn còn giữ trong mình định kiến, cụ thể họ nghĩ livestream là việc vô bổ, học vấn thấp, không lấy gì làm tự hào.
Nếu bạn cũng đang nghĩ như vậy, thì những câu chuyện sau đây sẽ thay đổi hoàn toàn góc nhìn của bạn.
"Content is King" - Đây là câu "kinh thánh" trong giới làm nội dung. Người làm livestream không thể nói như 1 cái máy từ ngày này đến ngày khác. Người livestream giỏi phải là 1 "content creator" giỏi - tự sản xuất nội dung hay để thu hút và giữ chân khách hàng tiềm năng ở lại với mình.
Và điều này Minh đã sớm nhận ra.
Minh là một sinh viên năm hai Đại học, tìm đến việc livestream bán hàng như 1 công việc bán thời gian. Buổi đầu livestream, Minh còn chẳng biết khi live phải úp hay ngửa điện thoại. Minh cũng chưa từng một lần quay chân dung "đẹp trai" của bản thân bao giờ, sợ "đẹp" quá khách chạy mất dép. Vài buổi đầu, Minh thấy mình live khá ổn. Mặc dù cậu thao thao bất tuyệt về mẫu tai nghe bluetooth hot hit nhất của shop với tông giọng trầm buồn, ngang ngang như hát bolero sai tông, thì người ta vẫn kiên nhẫn xem cậu. Dần dà kênh của cậu người ta bỏ đi hết vì live... quá buồn ngủ. Lúc này, "content" của Minh quanh đi quẩn lại chỉ là hướng dẫn sử dụng sản phẩm, vài nội dung cóp nhặt trên mạng, và cứ thế Minh ngồi chờ khách chốt đơn.
Nhận thấy hiện tượng trên, quản lý bắt đầu cảnh báo Minh. Cậu bạn không thể bỏ công việc này được vì tiền hoa hồng trên đầu sản phẩm khá cao, đủ để cậu chi trả học phí. Thế là Minh quyết định tìm hiểu vì sao các kênh livestream khác lại hấp dẫn như vậy. Thế rồi cậu dừng lại ở kênh của Tứ hoàng YouTube, kênh của những streamer kì cựu trong mảng game. Định ngồi xem thử 5 phút thôi mà Minh không dứt ra được vì nó cuốn quá.
Cậu tự nhủ: "Mình cũng livestream tại sao không thể thu hút như streamer game được? Nếu cứ chỉ nói về sản phẩm thì chẳng có gì hay ho cả, khách sẽ chán bỏ đi hết thôi".
Thế là Minh bắt đầu chuyển sang livestream tư vấn cách sử dụng và cách chọn sản phẩm, chứ không chăm chăm vào bán hàng nữa. Ngoài ra, cậu thường xuyên xin tài trợ từ phía công ty để tổ chức các minigame thu hút người xem.
Ngày xưa Minh chỉ đơn thuần là nói theo bản năng, mỗi lần lên live là bật máy rồi nói, giờ đây Minh mỗi lần lên live là một sự chuẩn bị kĩ lưỡng, một dàn bài chỉn chu. Bên cạnh những nội dung sẵn có, Minh còn chủ động thu thập những câu chuyện có thật khi trải nghiệm sản phẩm từ đồng nghiệp và từ chính khách hàng của mình.
Từ một người chỉ ấp úng đọc giấy cho đến một chàng trai luôn mồm trên livestream là cả một quá trình dài thay đổi. Giờ đây Minh tự hào với công việc livestream cũng như các nội dung của mình. Lượt người theo dõi Minh cũng tăng dần vì cậu chịu khó thay đổi nội dung, khiến người theo dõi cũng tự hỏi buổi live sắp tới Minh bán gì, Minh sẽ nói gì.
Dương là một người livestream kỳ cựu trên nền tảng Facebook. Lúc trước, khi mọi nền tảng khác chưa phát triển thì người người nhà nhà lên Facebook coi livestream. Tuy những livestream của Dương có "ngón dài, ngón ngắn" nhưng Dương luôn có một số lượng follower nhất định, đủ để cô tiếp tục duy trì thói quen bán hàng. Bẵng đi một thời gian tự dưng số lượng người coi trong livestream của cô giảm dần. Cô đã thử rất nhiều cách từ việc gọi thêm mọi người vào seeding dưới comment cho đến nhờ bạn bè chia sẻ liên tục các live của cô. Nhưng cô dần dần nhận ra doanh thu của bản thân vẫn giậm chân tại chỗ.
Rồi một ngày cô đọc được về sự khan hiếm trong kinh doanh. Thoạt đầu thì cô nghĩ nó đơn thuần chỉ là một khái niệm không ảnh hưởng tới buổi livestream của cô nhưng cô chợt nhận ra: "Người ta cứ xem livestream bán hàng của mình hàng tuần như này mà không có khuyến mãi độc quyền hay chương trình gì hấp dẫn thì tại sao người ta lại ở lại livestream để coi cơ chứ?".
Điều này cứ ám ảnh cô một thời gian. Dương quyết định xem thử livestream nước bạn (Trung Quốc) để xem người ta làm như nào rồi "chôm" về dùng cho shop mình. Cuối cùng, cô đã học được rằng mình cần tạo ra những chương trình hấp dẫn, độc quyền, những khuyến mãi mà chỉ trong livestream mới có. Cái Dương áp dụng ngay. Bữa thì cô tặng đồ; bữa thì cô giảm giá sốc tận 90% dành cho 1 người may mắn nhất; bữa thì cô freeship đến tận Bắc Cực. Bữa cô lại kể về nguồn gốc của 1 chiếc áo độc lạ và chỉ bán số lượng giới hạn trong livestream. Giờ thì cô còn hứng thú với việc livestream hơn là làm các công việc khác vì chỉ có ở trên livestream, cô mới được là chính mình.
- Có freeship không shop ơi?
- Có tặng gì không shop ơi?
- Chơi trò chơi đi shop ơi!
- Có tặng thêm gì nếu mua món này không shop ơi?
- Sản phẩm này sao bán ít thế?
- Sao giá này thấp vậy?
- Sao sản phẩm không thấy bán trên mạng?
Cô được tung ra những chiêu "khan hiếm" và nhận về sự cuồng nhiệt của đội ngũ khán giả sau màn hình. Nhờ việc "khan hiếm" này, cô cũng không cần livestream quá nhiều, cô live vừa đủ trong tuần với thời gian được báo trước và các chương trình được truyền thông rầm rộ để thu hút người xem. Nhờ cách làm thông minh này mà doanh thu của Dương tăng lên nhanh chóng. "Work smarter not harder".
Livestream là một nghề như bao nghề khác, cũng cần học và lao động về trí óc khá nhiều nếu muốn làm công việc này hiệu quả. Người livestream cần liên tục học hỏi và nâng cấp các kỹ năng, kiến thức của bản thân để ngày một trở nên tốt hơn.
Pháp luật & bạn đọc