Trong cuộc phỏng vấn với tờ Empire vào đầu tháng 10, đạo diễn gạo cội Martin Scorsese cho rằng các bộ phim siêu anh hùng của Marvel (Marvel Cinematic Universe, viết tắt là MCU) “không phải điện ảnh” mà giống như “công viên giải trí theo chủ đề” (theme park). Phát ngôn này đã gây ra tranh cãi gay gắt trong bối cảnh MCU đang thống trị phòng vé khắp nơi, thu hút sự chú ý của hàng triệu người hâm mộ trên toàn thế giới.
Martin Scorsese
Rất nhiều nhà làm phim đã lên tiếng từ cả hai phía. Đạo diễn Francis Ford Coppola ủng hộ người bạn lâu năm của mình và thậm chí còn miêu tả MCU tệ hại hơn. Trong khi đó, hầu hết những người phản đối đều liên quan đến Marvel như đạo diễn Jon Favreau (Iron Man, Iron Man 2…). Tình hình trở nên căng thẳng đến mức Martin Scorsese phải viết một bài báo trên New York Times giải thích chi tiết cho quan điểm của ông. Đáng tiếc, nhiều fan của MCU vẫn cho rằng nhận định của vị đạo diễn 76 tuổi này là không thỏa đáng.
Mặc dù vậy, nhân vật quan trọng nhất được trông chờ sẽ lên tiếng là Kevin Feige - CEO của Marvel và cha đẻ của MCU -lại hoàn toàn im lặng. Ít nhất là cho đến ngày hôm qua.
Trả lời phỏng vấn của tờ Hollywood Reporter trong chương trình Awards Chatter, Kevin Feige phản đối quan điểm cho rằng phim siêu anh hùng gây hại cho điện ảnh. "Tôi nghĩ bản thân tôi và tất cả những người làm việc trong những bộ phim này đều yêu thích điện ảnh. Chúng tôi yêu phim, thích đi xem phim, thích trải nghiệm được ngồi trong một rạp đầy người”, ông nói.
Kể từ Iron Man (2008), Marvel Studios đã giúp định hình lại màn ảnh rộng và biến nó thành một nơi mà các nhà phê bình cho rằng không có nhiều chỗ cho các bộ phim có kịch bản gốc. 4 trong số 10 bộ phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại thuộc sở hữu của Disney, bao gồm Avengers: Endgame ở vị trí đứng đầu.
Trong khi khán giả đổ xô ra rạp để chứng kiến cuộc chiến chống lại Thanos của Avengers, Martin Scorsese đã lập luận rằng: "Những yếu tố làm nên điện ảnh với tôi đều xuất hiện trong các bộ phim Marvel. Tuy nhiên, yếu tố thiếu vắng chính là sự mặt khải, bí ẩn hoặc sự thách thức cảm xúc. Không có gì mạo hiểm về chúng cả. Các phân cảnh được xây dựng chủ yếu để thỏa mãn một nhu cầu nhất định, và chúng được thiết kế thành nhiều biến thể của một lượng hữu hạn các chủ đề”.
Tuy nhiên, Kevin Feige từ lâu đã cố gắng đa dạng hóa chủ đề cho các bộ phim Marvel. Ví dụ như Ant-Man được thực hiện như một phim trộm cướp hay Captain America: The Winter Soldier mang nặng tính chính trị. Trả lời Martin Scorsese, ông đưa ra nhiều ví dụ về những rủi ro mà hãng đã gặp phải, lưu ý rằng Marvel đã không làm thêm phim Iron Man nào kể từ năm 2013, mà thay vào đó là nội chiến giữa Tony Stark và Captain America trong Captain America: Civil War.
"Chúng tôi đã thực hiện Civil War. Chúng tôi đã có hai nhân vật nổi tiếng nhất của mình tham gia vào một sự thay đổi lớn lao cả về tinh thần lẫn thể chất", Kevin Feige nói. "Chúng tôi đã giết một nửa nhân vật của mình vào cuối phim [Avengers: Infinity War]. Tôi nghĩ thật vui khi chúng tôi dám lấy thành công của mình để mạo hiểm và đi tới những nơi khác nhau”.
Martin Scorsese cũng đã lập luận rằng, rủi ro lớn nhất mà một hãng phim hoặc nhà đầu tư có thể đối mặt là cho phép nhà làm phim thể hiện tầm nhìn thống nhất của họ. Ông thấy việc làm phim nhượng quyền thương mại như Marvel đã loại bỏ sự căng thẳng tinh tế giữa nghệ thuật và thương mại, và chỉ đơn giản là cho phép yếu tố thương mại cai trị. “Đáng buồn thay, điện ảnh được chia làm hai lĩnh vực. Một là phim mang tính giải trí chung chung. Còn lại là điện ảnh. Hai lĩnh vực này sẽ có dịp được hòa quyện vào nhau, nhưng những dịp như thế đang ngày một hiếm hoi hơn. Và tôi sợ rằng sự sinh lời của một lĩnh vực đang bị làm dụng để định hình hoặc thậm chí là làm suy yếu mảng còn lại”, ông viết.
Kevin Feige - người không quen biết Martin Scorsese - nhấn mạnh rằng nghệ thuật luôn mang tính chủ quan.
"Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về điện ảnh. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về nghệ thuật. Mỗi người có một định nghĩa khác nhau về rủi ro", Kevin Feige nói. "Một số người không nghĩ MCU là điện ảnh. Mọi người đều có quyền với ý kiến của mình. Mọi người đều có quyền lặp lại ý kiến đó. Mọi người đều có quyền viết các ý kiến trái chiều về ý kiến đó, và tôi mong chờ những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Thế nhưng, trong lúc đó, chúng tôi vẫn tiếp tục làm phim”.
Mai Thảo