Triển lãm nghệ thuật có tên Polyphony: Southeast Asia (Đa âm: Đông Nam Á) được diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Nghệ thuật Nam Kinh (Trung Quốc) từ ngày 9.11 đến 20.12.2019.
Theo giới thiệu trên trang web của Bảo tàng Nghệ thuật, Đại học Nghệ thuật Nam Kinh, triển lãm nghệ thuật Polyphony: Southeast Asia nằm trong dự án "Điều chỉnh lại - Khảo sát sinh thái nghệ thuật" do Viện Bảo tàng nghệ thuật Nam Kinh khởi xướng từ năm 2013. Sau khi thực hiện 4 cuộc triển lãm dành cho các nghệ sĩ Trung Quốc, năm 2019 lần đầu tiên dự án nghệ thuật này dành cho các nghệ sĩ Đông Nam Á thông qua triển lãm Polyphony: Southeast Asia.
Giới thiệu về triển lãm Polyphony: Southeast Asia trên trang web của Bảo tàng Nghệ thuật của Đại học Nghệ thuật Nam Kinh - Ảnh: Chụp màn hình
Để chuẩn bị cho triển lãm này, đội ngũ giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật, Viện Nghệ thuật Nam Kinh đã có mặt tại Singapore từ tháng 4 đến tháng 9.2019. Một vài chuyến đi thực địa và khảo sát đầu tiên được thực hiện tại các thành phố ở các nước Đông Nam Á như Jakarta, Yogyakarta, Bangkok, Chiangmai, Hà Nội, Manila, Kuala Lumpur và Yangon. Triển lãm đã mời 30 nghệ sĩ/nhóm nghệ sĩ ở khu vực Đông Nam Á và giới thiệu hơn 300 tác phẩm nghệ thuật tại Học viện Nghệ thuật Nam Kinh.
Tham gia triển lãm Polyphony: Southeast Asia lần này, phía Việt Nam có 4 nghệ sĩ gồm Nguyễn Huy An, Trần Tuấn, Nguyễn Phương Linh và Trần Lương... Một triển lãm sẽ mang đậm tính nghệ thuật như tiêu chí của BTC đề ra, tuy nhiên điều đó đã không được thực hiện trọn vẹn khi nghệ sĩ Trần Lương của Việt Nam phát hiện ra trong tấm poster của triển lãm có "đường lưỡi bò". Nghệ sĩ Trần Lương đã phản ứng, yêu cầu BTC loại bỏ ngay tấm poster này.
Tối 10.11, phóng viên Một Thế Giới đã liên lạc với nghệ sĩ Trần Lương đang tham dự triển lãm ở Trung Quốc để tìm hiểu thêm. Nghệ sĩ Trần Lương xác nhận sự việc trên là hoàn toàn chính xác. Theo chia sẻ của anh, trước giờ khai mạc 12 ngày, qua các tài liệu do BTC gửi cho, anh đã phát hiện ra tấm biểu trưng của triển lãm vẽ cách điệu bản đồ khu vực Đông Nam Á có “đường lưỡi bò” (yêu sách phi lý về chủ quyền Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra) và anh không chấp nhận điều đó.
Để phản đối nghệ sĩ Trần Lương đã kêu gọi các nghệ sĩ Đông Nam Á có tác phẩm tham gia triển lãm lần này cùng tẩy chay sự kiện nếu BTC vẫn sử dụng poster có hình "đường lưỡi bò". Ngay sau đó, Trần Lương đã liên lạc với BTC phía Trung Quốc yêu cầu loại bỏ ngay "đường lưỡi bò" khỏi các poster và mọi tài liệu của triển lãm, nếu không đoàn Việt Nam sẽ không tham gia. Yêu cầu này đã được phía Trung Quốc chấp nhận. Trước giờ khai mạc họ bằng thay biểu trưng cách điệu bản đồ các nước Đông Nam Á không có "đường lưỡi bò".
Theo nghệ sĩ Trần Lương, yêu cầu của anh được phía Trung Quốc chấp thuận do “các nghệ sĩ đương đại của Trung Quốc cũng rất tiến bộ, họ chống lại cường quyền và những hành vi chống lại tự do. Ở Trung Quốc có một mạng lưới nghệ sĩ rất sáng suốt và trung thực với lẽ phải".
Nghệ sĩ Trần Lương (phải) bên poster triển lãm tại Nam Kinh không còn "đường lưỡi bò" - Ảnh: FB Nguyen Duc Thanh
Câu chuyện của nghệ sĩ Trần Lương diễn ra giữa lúc dường như Trung Quốc âm thầm cài cắm “đường lưỡi bò” mọi lúc mọi nơi để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam từ hộ chiếu, phim ảnh, bản đồ du lịch, quần áo, thiết bị định vị xe hơi… Trong bối cảnh đó, bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết, hết sức quan trọng và thiêng liêng của mỗi công dân chứ không riêng gì từ phía các nghệ sĩ.
Thái độ cương quyết dứt khoát của nghệ sĩ Trần Lương cho thấy tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ sẵn sàng lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc trong mọi lúc, mọi nơi mọi hoàn cảnh.
Phản đối “đường lưỡi bò” - đó là lẽ đương nhiên của mỗi công dân Việt Nam, nhưng trong trường hợp của nghệ sĩ Trần Lương diễn ra ngay trên đất Trung Quốc khi anh tham gia sự kiện tại đây đã tạo được dư luận lớn. Hành động của nghệ sĩ Trần Lương được dư luận trong nước ghi nhận mang tính biểu tượng tỏ rõ ý chí kiên định của người Việt Nam về chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên biển Đông.
Trong khi đó, thời gian qua “Đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc cài cắm vào các sản phẩm văn hóa phát hành tại Việt Nam đã khiến cho nhiều tổ chức cá nhân bị kỷ luật bởi sự lơ là mất cảnh giác của những người "canh cửa".
Nghệ sĩ Trần Lương sinh năm 1960, tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1983, đồng sáng lập Nhà sàn Studio (Hà Nội) và là thành viên của nhóm Gang of Five. Các nhà chuyên môn nhận xét: "Trần Lương là họa sĩ và nhà tổ chức các không gian sáng tạo nghệ thuật đương đại nhấn mạnh khả năng bền bỉ của con người và trao quyền cho các cá nhân thông qua hành động của họ và sự tự phản ánh. Những đóng góp không mệt mỏi của Lương là việc phát triển không gian, sáng kiến, mạng lưới và cộng đồng nghệ thuật trình diễn và video art tại Việt Nam cũng như trong khu vực'.
Năm 2014, nghệ sĩ Trần Lương được trao giải thưởng Hoàng tử Claus của Hà Lan.
Tiểu Vũ
TIN BÀI LIÊN QUAN
Để 'đường lưỡi bò' ra rạp: Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh mất chức
'Đường lưỡi bò’ lọt kiểm duyệt, Bộ VHTT-DL xác định là 'nghiêm trọng
‘Đường lưỡi bò' xuất hiện trong giáo trình của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Vụ ‘đường lưỡi bò’ trong giáo trình: Bộ GD-ĐT yêu cầu kỷ luật tổ chức cá nhân có liên quan
Trailer phim 'Hoa mộc lan' có Lưu Diệc Phi đóng đã biến mất khỏi hệ thống của CGV
Malaysia sẽ cấm chiếu phim 'Everest: Người tuyết bé nhỏ' thay vì cắt 'đường lưỡi bò'