'Khởi hành' và 'kết nối' người trẻ cùng GS. John Vũ

11/09/2018 10:39
'Khởi hành' và 'kết nối' người trẻ cùng GS. John Vũ

Giáo sư John Vũ – Viện trưởng Viện công nghệ Sinh học tại Đại học Carnegie Mellon, Hoa Kỳ nhìn thấy giải pháp thiết thực hơn cho vấn đề giải quyết việc làm chính là cung cấp sự đào tạo tốt hơn, giúp thanh niên có các kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Bộ sách gồm 2 cuốn “Khởi hành” và “”Kết nối” của ông vừa ra mắt, chỉ ra những vấn đề mà các bạn học sinh nên chú ý, cách đặt mục đích nghề nghiệp cho đúng, những sai lầm mà các bạn hay mắc phải khi chọn ngành, chọn trường.

"Khởi hành" từ bây giờ

Với “Khởi hành”, tác phẩm dành riêng cho giới trẻ, GS John Vũ cho rằng, vấn đề chọn trường, chọn ngành vẫn luôn là nỗi trăn trở của các bạn học sinh và cả các bậc phụ huynh. Bởi đó là bước đi đầu tiên trên con đường tạo dựng sự nghiệp sau này:

“Thực ra ta vẫn sẽ thấy đâu đó những câu nói: đại học không phải con đường duy nhất để thành công. Hãy nhìn những tỉ phú như Bill Gates, Mark Zuckerberg, họ đã học xong đại học đâu mà vẫn là tỉ phú thôi”. Nhưng ta lại quên mất đó chỉ là thiểu số trong những người không học đại học. Bản thân họ đã phải có sẵn đam mê và tài năng, bỏ ra biết bao cố gắng để có được thành công đó. Nhiều học sinh không dành thời gian để làm nghiên cứu cho nghề nghiệp của họ mà đi theo lời khuyên mơ hồ kiểu như: làm điều bạn thích rồi mọi thứ sẽ tốt.”

Ông nhận định, xu hướng nghề nghiệp không ngừng thay đổi và tốc độ ngày càng được đẩy nhanh hơn nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật: “Nên lời khuyên là để chuẩn bị tốt con đường sự nghiệp sau này, tránh những hối tiếc không đáng thì từ khi còn là học sinh, các bạn đã nên bắt đầu tìm hiểu về ngành nghề mình sẽ chọn học và liệu nó có tiềm năng phát triển trong tương lai không?

Chúng ta vẫn thường nhận định rằng xã hội cần tạo thêm việc làm khi thấy tỉ lệ sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi thực tế thì nhu cầu tuyển dụng trong xã hội lại cực kì cao nhưng lại thiếu đi người có kỹ năng và năng lực. Đây là những chuyện sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp cả đời các bạn nhưng thường lại không được xem trọng đúng mực. Ví dụ như các bạn thường chọn ngành học liên quan đến nghề mình thích, nhưng lại không nhìn vào thực tế là liệu bạn có thể kiếm sống bằng nghề đó không?”

Không ai chịu trách nhiệm ở tương lai thay mình

Khi còn là một kỹ sư cấp cao của Tập đoàn Boeing, GS John Vũ từng tham gia nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng nhân sự. Những cuộc “đối đầu” với các ứng viên luôn đem lại những kinh nghiệm thú vị về tầm quan trọng của việc trang bị kỹ năng mềm. Dưới con mắt của một chuyên gia, ông nhìn nhận được những mấu chốt mà ứng viên cần phải chú ý khi ứng tuyển một công việc nào đó để thành công. Trong “Kết nối”, GS John Vũ sẽ chia sẻ những bí quyết này cho các bạn sinh viên chuẩn bị đi xin việc.

Không đưa ra thuyết giảng suông, ông đưa ra những câu chuyện, bài học thực tế gom nhặt được để truyền tải một cách sinh động. Theo ông, “trong thị trường việc làm cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì bạn không nên cố lấy bằng cấp ở ngành nghề mà bạn thích hay hứng thú mà bạn phải biết nhu cầu thị trường đang là gì. Thực tế vốn không đẹp như mộng tưởng nên đây là khoảng thời gian bạn phải suy nghĩ nghiêm túc về con đường sự nghiệp và lập cho mình kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng”.

Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ: Bản thân mình muốn gì? Điểm mạnh, điểm yếu của mình thế nào? Nghề nghiệp mình chọn cần những kỹ năng nào? Tất cả những vấn đề này phải được bắt đầu giải quyết khi bạn còn đang trên ghế nhà trường.

Theo GS John Vũ: “Ngày nay, bằng cấp không còn là tấm vé thông hành đảm bảo bạn sẽ có việc như trước đây nữa. Thứ mà các nhà tuyển dụng nhìn vào nhiều hơn chính là kỹ năng mềm và kinh nghiệm của bạn. Ngoài ra họ còn nhìn vào thái độ và những gì bạn viết trong CV (Curriculum Vitae – Sơ yếu lý lịch) nên hãy chắc chắn rằng bạn đã nắm được những vấn đề này và không mắc phải sai lầm”.

Ông phân đưa ra thông điệp: “Nếu bạn đang sắp đứng trước quyết định nên chọn hướng đi nào, thì tôi hy vọng bạn sẽ đọc qua bộ sách này, bố mẹ có thể giúp bạn phần nào trong vấn đề chọn trường, chọn ngành nhưng đi con đường nào và đi như thế nào là do bạn chọn vì tương lai là của bạn. Không ai có thể chịu trách nhiệm thay bạn nên hãy bắt đầu chuẩn bị mọi thứ ngay từ bây giờ”.

GS John Vũ cũng thể hiện suy nghĩ, trăn trở của một nhà khoa học trước những vấn đề của giới trẻ mà ông nhìn nhận.

Chẳng hạn, cách tiêu, phân phát tiền cho giáo dục của Dale Carnegie từ năm 1901 cho tới khi chết của ông ấy năm 1919, Carnegie đã phân phát phần lớn của cải của ông ấy với giá trị khoảng 300 tỉ đô la ngày nay cho giáo dục như xây nhiều trường hơn, in và phân phối nhiều sách hơn cho người nghèo, xây nhiều thư viện và bảo tàng hơn để giáo dục mọi người và xây dựng các đại học (một trong chúng là trường Carnegie Mellon).

Ông ấy tin rằng cách tiêu tiền tốt nhất, điều ông ấy gọi là "giầu có thái quá" là để nó vào sự nghiệp giáo dục lâu dài. Ông ấy ra lệnh cho gia đình khắc trên bia mộ của mình một câu đơn giản: “Người chết đi mà vẫn giàu, là chết nhục.”

Quãng 50 năm sau, một nhà tỉ phú thành công và trẻ trung bắt gặp nấm mồ của ông ấy và choáng bởi câu nói đó. Anh ta về nhà và ra lệnh mọi của cải của mình phải được phân phát cho sự nghiệp lâu dài khác về giáo dục, và chăm sóc sức khoẻ: Tên anh ấy là Bill Gates.

KHOA TƯ

Giáo sư John Vũ

Với giới khoa học và kinh tế thế giới, GS John Vũ, John Vũ là cái tên nổi tiếng tại Mỹ. Hiện nay, ông là Viện trưởng Viện nghiên cứu phần mềm của đại học Carnegie Mell và là nghiên cứu viên kĩ thuật và kĩ sư trưởng công nghệ thông tin tại Boeing. Trước đó, ông làm việc tại Teradyne Semiconductor; Hewlett Packard, Litton Industries, Motorola và GTE.

Trong 15 năm làm việc ở Boeing, ông đã từng tham gia vào chương trình phần mềm hỗ trợ cho máy bay Boeing 777 và là nhà vô địch về cải tiến qui trình ở Boeing với những kết quả có ý nghĩa. Ông đã đào tạo hơn 10.000 kĩ sư phần mềm; tiến hành trên 100 cuộc thẩm định, từng giữ vị trí phó chủ tịch phụ trách tất cả vấn đề về kỹ thuật của tập đoàn Boeing (CMM/CMMI) và là sáng lập viên của SPIN Seatle, quản lý tổ chức này từ 1996 tới 2003.

Còn với Nguyên Phong, bút danh của GS John Vũ, đó là một dịch giả nổi tiếng và cây bút uy tín trong lĩnh vực công nghệ, học thuật của trang Science-Tecnology với trên 10.000 bài viết các thể loại. Ông chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng Hành trình về Phương Đông, một trong những tác phẩm hay nhất về phương Đông. Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông quen thuộc với độc giả Việt Nam qua nhiều thế hệ: Bên rặng tuyết sơn, Đường mây qua xứ tuyết, Minh triết trong đời sống, Ngọc sáng trong hoa sen.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025