Tiền có mua được hạnh phúc không? Nếu vậy, bạn cần bao nhiêu tiền để có được hạnh phúc? Và hạnh phúc là gì?
Các nhà nghiên cứu của trường Kinh doanh thuộc ĐH Harvard, Grant E. Donnelly và Michael Norton đã giải đáp những câu trả lời trên tại một bài báo đăng tải trên Tạp chí phố Wall.
Donnelle và Norton đã xem xét tài liệu và thấy rằng tiền góp phần tạo ra hạnh phúc. Song điều đó không có nghĩa là nhiều tiền sẽ mang đến nhiều hạnh phúc hơn.
Điểm đặc biệt khiến nghiên cứu của 2 nhà khoa học trở nên độc đáo hơn là cuộc khảo sát diễn ra với sự tham gia của 4.000 triệu phú từ một tổ chức tài chính - chưa từng có một cuộc khảo sát nào được thực hiện với những người giàu có đến vậy.
Những gì họ phát hiện ra là không phải tất cả các triệu phú đều hạnh phúc như nhau. Không có gì ngạc nhiên khi những triệu phu tự tay kiếm tiền sẽ hạnh phúc hơn so với người được thừa kế.
Song các nhà nghiên cứu Harvard phát hiện ra rằng yếu tố có ý nghĩa quan trọng với người giàu, là họ nên cho đi. Các nhà nghiên cứu cho rằng làm như vậy sẽ tốt hơn cho những người giàu và thế hệ tương lai.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều tiền hơn không có nghĩa là hạnh phúc hơn. Như Donnelly và Norton đã viết: "Mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc đã được nghiên cứu trong nhiều thập kỷ và thường cho thấy tiền là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hạnh phúc. Nhưng sự thật là không phải cứ nhiều tiền là có nhiều hạnh phúc: Những người có thu nhập 50.000 USD và 75.000 USD hạnh phúc lớn hơn so với những người có thu nhập từ 75.000 đến 100.000 USD''.
''Càng nhiều tiền, có vẻ như tiền càng làm hao mòn hạnh phúc. Thật vậy khi tăng thu nhập lên khoảng 75.000 USD, hạnh phúc sẽ bị giảm xuống'', 2 nhà nghiên cứu nói tiếp.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng cách bạn kiếm tiền cũng tạo ra sự khác biệt về mức độ hạnh phúc. Họ yêu cầu những người được hỏi báo cáo xem sự giàu có đến từ việc đầu tư, kinh doanh, tiền lương, tiền thường hay thông qua tài sản được thừa kế.
"Những người tự kiếm được của cải cho biết họ hạnh phúc hơn so với những người có được tài sản nhờ thừa kế'', Donnelly và Norton khẳng định.
Một đặc điểm nghe có vẻ trớ trêu, Donnelly và Norton cho rằng để có thể sở hữu nhiều hạnh phúc hơn là hãy cho đi.
Các nhà nghiên cứu đã viết trên Tạp chí phố Wall: ''Ông vua ngành thép, Andrew Carnegie đã quyên góp phần lớn tài sản của mình cho các tổ chức từ thiện, các quỹ hỗ trợ và nhiều trường đại học trong những năm tháng cuối đời. Ông chỉ giữ lại cho các con của mình một khoản vừa đủ. Cách làm của Carnegie trùng khớp với kết quả nghiên cứu: Cho đi giúp bạn hạnh phúc hơn khi chi tiêu cho bản thân mình. Carnegie đã dùng tài sản của mình theo cách để có thể tối đa hoá hạnh phúc của chính mình''.
Bill Gates và Warren Buffett cũng nằm trong số 170 triệu phú và tỷ phú đang theo bước Carnegie. Những nhà tỷ phú này đã ký Giving Pledge - cam kết dành phần lớn tài sản của mình để làm từ thiện, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Warren Buffett từng chia sẻ trên Giving Pledge: ''Nếu chúng ta tiêu cho bản thân nhiều hơn 1% những gì đang có trong tay thì cũng không thấy vui hoặc làm cho chúng ta hạnh phúc hơn''. Thay vào đó ông cho rằng phần còn lại của khối tài sản trong tay ông có thể mang đến sự sung túc và hạnh phúc cho biết bao nhiêu người khác.
Tờ Financia Post dẫn lời Gene Simmons, ca sĩ nhạc rock, đồng thời là tay đàn guitar bass của nhóm Kiss, những người con của ông được nuôi dưỡng đầy đủ, ''chúng sẽ chẳng bao giờ giàu nhờ vào tiền của ông. Vì hàng năm, ông đều bắt chúng phải đi ra ngoài xã hội và tự tìm lối đi riêng cho mình''.
Cựu thị trưởng thành phố New York, nhà sáng lập kiêm CEO của tờ báo Bloomberg, ông Michael R. Bloomberg đã viết: "Sự thật về sự giàu có chính là bạn không thể tiêu hết, cũng như không thể mang theo".
Trong nhiều thập kỷ qua, ông đã cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình vào những mục đích mà ông và những đứa con của mình đam mê. Ông cũng đang tham gia rất nhiệt tình vào quỹ Giving Pledge và gần như toàn bộ tài sản của ông sẽ được quyên góp vào những năm tới hoặc để lại cho quỹ của ông.
Nghiên cứu của 2 nhà khoa học đến từ trường ĐH Harvard cũng cho thấy rằng việc cho đi này không chỉ mang lại lợi ích cho người nhận, tổ chức từ thiện mà cho cả bản thân người giàu có và những người thừa kế của họ.
Theo Inc