1. Giao tiếp xã hội
Người thường giao tiếp xã hội sẽ hạnh phúc hơn so với những người ít giao tiếp xã hội. Nếu bạn thường xuyên gặp gỡ người khác, đang có một mối quan hệ lâu bền hoặc là thành viên của một hội nhóm nào đó thì mức độ hạnh phúc của bạn có khả năng sẽ cao hơn.
Bằng chứng này cũng giúp lý giải tại sao tình trạng thất nghiệp làm suy giảm cảm giác hạnh phúc của chúng ta, bởi thất nghiệp khiến chúng ta giảm cơ hội giao tiếp xã hội. Ngay cả khi bạn đang có việc làm thì những mối quan hệ xã hội vấn có vai trò rất quan trọng và liên quan mật thiết đến mức độ hạnh phúc của bạn.
Nhưng mối quan hệ mật thiết trong công việc và trong đời sống cá nhân không chỉ tốt cho sức khỏe tinh thần của chúng ta mà còn mang đến cho ta nhiều lợi ích không tưởng về sức khỏe thể chất.
2. Quan điểm sống tích cực
Đến một giai đoạn nào đó của cuộc đời, nhiều người trong chúng ta sẽ đặt cho mình mục tiêu là sống lành mạnh hơn. Chúng ta hoàn toàn có lý do chính đáng khi quyết định như thế, vì nhiều nghiên cứu cũng đã chứng minh sức khỏe và niềm hạnh phúc có liên quan chặt chẽ với nhau. Bạn càng cho rằng bản thân có sức khỏe tốt thì bạn càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình. Tương tự, những người hạnh phúc hơn cũng thương khỏe mạnh hơn.
Nhiều nghiên cứu y học đã chỉ ra mức độ hạnh phúc thấp có liên quan đến các vấn đề về tim mạch, đột quỵ, thậm chí cả tuổi thọ. Nếu có quan điểm sống càng tích cực thì bạn sẽ càng ít có nguy cơ bị cảm cúm, và nếu mắc phải thì bạn sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn. Đây là một trong những lý do khiến các dự án nâng cao sức khỏe nơi công sở ngày càng trở nên phổ biến hơn.
3. Tăng cường vận động thể chất
Hoạt động thể chất thường xuyên được cho là có thể làm tăng mức độ hạnh phúc và giảm tỷ lệ lo âu. Đây là lý do vì sao các bác sĩ ở Anh thường đề nghị bệnh nhân tập thể dục nhiều hơn, và việc tập thể dục cũng được cho là phương pháp điều trị đặc biệt hữu ích đối với những người bị trầm cảm từ nhẹ đến trung bình. Lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên có thể được lý giải dựa trên vô số các tác nhân phức tạp. Đó có thể là những phản ứng lý sinh diễn ra trong cơ thể khi chúng ta tập thể dục, chẳng hạn như tiết hoocmon endorphin có tác dụng tạo cảm giác hạnh phúc. Hoặc như một số bằng chứng đã cho thấy, việc tập thể dục có thể giúp chúng ta tăng “sự tự tin vào năng lực bản thân” – khả năng nhận thức rằng chúng ta sẽ thành công trong một việc gì đó.
4. Học hỏi và trau dồi kiến thức
Giáo dục có vai trò quan trọng trong sự phát triển về khả năng nhận thức cũng như giao tiếp của trẻ em, và nhiều bậc cha mẹ cũng tích cực hỗ trợ con cái của họ trau dồi các kỹ năng mới từ khi con còn nhỏ, nhưng sự quan tâm mà chúng ta dành cho việc học hỏi lại thường suy giảm khi chúng ta già đi. Trong khi đó, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp tục trau dồi kiến thức và kỹ năng sau tuổi 40 có thể giúp chúng ta cải thiện sự tự tin, cảm giác hài lòng với cuộc sống và sự lạc quan của bản thân.
Vậy nên khi đề ra mục tiêu cho mình, bạn có thể chọn học cách chơi một nhạc cụ, khám phá các kỹ thuật giúp bạn chụp được những bức hình đẹp bằng chiếc máy ảnh bạn mới mua, hoặc tham gia một khóa học nấu ăn hoặc một ngôn ngữ mới.
Khi bạn đề ra các mục tiêu cho bản thân, nghĩa là bạn đang lên kế hoạch cho hành trình đi tìm hạnh phúc. Như vậy, thông qua các tiêu chí giúp nâng cao mức độ hạnh phúc, bạn có thể vạch ra mục tiêu cho mình để theo đuổi, để làm được những điều ý nghĩa hơn cho bản thân và cuộc sống, để chắc chắn rằng sự tồn tại của bạn trên thế gian này không hề vô nghĩa.
Một vài kiến thức được rút ra từ cuốn sách: Dám nghĩ nhỏ - cuốn cẩm nang cho việc thiết lập và thực hiện các mục tiêu nhỏ.