Có lẽ những gì tôi nói sau đây sẽ giúp được bạn ít nhiều.
1. Hãy nhận thức rõ vai trò của sách đối với bạn
Sách có thể giúp chúng ta hiểu rõ bản thân hơn, nhưng trên đời này không có quyển sách nào có thể thay thế tư tưởng của bạn.
Về việc đọc sách, giáo sư Schwartz nói: "Điều đầu tiên việc đọc sách mang lại cho chúng ta, cũng là điều quan trọng nhất, chính là nó khiến chúng ta ngồi yên tại chỗ trong một khoảng thời gian dài, đồng thời nhìn nhận khoảng thời gian đó một cách thẳng thắn.
Chúng ta hào hứng, và cống hiến hết mình cho hoạt động tinh thần khiến ta hứng khởi này, quên đi thời gian, quên đi cái chết, cũng quên hết những điều buồn bã và đau khổ trong đời, hoàn toàn chìm đắm trong hiện tại vĩnh hằng và niềm vui."
Bạn có thể tận hưởng quá trình đọc sách, không gì quý giá và quan trọng hơn những điều mà việc đọc sách dạy cho chúng ta, bởi vì khi bạn đọc, cuốn sách đó sẽ trở thành đồng minh của bạn, nó ủng hộ bạn, giúp đỡ bạn, chứng minh cho bạn thấy bạn có quyền sở hữu không gian và thời gian cho riêng mình, cho bạn cơ hội hiểu rõ chính mình hơn.
Tuy nhiên, Mạnh Tử nói: "Đọc sách mà mù quáng tin vào sách, thì thà không đọc còn hơn". Chúng ta có thể tiếp thu kiến thức từ sách vở, nhưng nếu mù quáng tin vào tất cả những gì sách viết, không có suy nghĩ, không có chọn lọc, thì việc đọc sách sẽ có hại cho bạn hơn là có lợi.
Sách cung cấp cho bạn kiến thức, và việc bạn sàng lọc cũng như sử dụng các thông tin tiếp thu được như thế nào tạo ra chính bạn. Sách chỉ đóng vai trò phụ giúp, còn nhiệm vụ tìm hiểu chính mình và cải thiện bản thân là của bạn.
2. Tìm ra vấn đề của chính mình
Vấn đề của chúng ta hiện tại không phải "quá tải thông tin" mà là "năng lực sàng lọc kém".
Hiện nay, hình thức đọc sách ngày càng đa dạng, cách tiếp nạp thông tin cũng ngày càng tiện lợi và nhanh chóng, chỉ cần truy cập Internet là chúng ta sẽ thấy được đủ loại tin tức, khác hẳn với thời đại trước. Giờ đây lượng thông tin chúng ta tiếp xúc mỗi ngày nhiều gấp 10 lần 10 năm trước, tìm kiếm thông tin là một chuyện quá dễ dàng, cho nên vấn đề chúng ta cần đối mặt hiện tại là: năng lực sàng lọc quá kém.
Cũng tức là, hầu hết chúng ta đều thiếu khả năng sàng lọc thông tin hiệu quả.
Thế nào là thông tin hiệu quả? Đó là những thông tin chúng ta có thể sử dụng được, những thông tin có giá trị với chúng ta, có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề. Ví dụ như khi bạn đọc được câu văn nào đó tác động mạnh mẽ đến bạn, khiến đời bạn bước sang trang mới, đấy gọi là thông tin có giá trị.
Thông tin thì vô hạn mà sức lực và thời gian của chúng ta lại có hạn. Dù bạn có sở hữu một bộ não thiên tài, thì cũng không thể đọc hết được tất cả sách trên đời, cũng như ghi nhớ tất cả những gì đã đọc. Cho nên não bộ nên được dùng để suy nghĩ, thay vì ghi nhớ. Chúng ta cần phát huy tác dụng thực sự của bộ não, tìm ra cách sử dụng những thông tin mình đang tiếp nạp.
3. Biết được điều gì là quan trọng
Điều quan trọng nhất là nội dung cuốn sách và cách chúng ta đọc nó, chứ không phải tốc độ lật hết một cuốn sách.
Hiện nay có rất nhiều các khóa học dạy cách đọc nhanh, dạy bạn cách làm thế nào để đọc hết một cuốn sách trong một ngày, mười cuốn sách trong một ngày. Thực ra logic căn bản của các biện pháp đọc nhanh là: tìm ra thông tin có giá trị.
Mục đích ban đầu của việc đọc nên là tiếp xúc với những tư tưởng và suy nghĩ khác, không để mình chìm đắm trong lối tư duy hãn hữu vốn có. Khi chúng ta đọc, những thông tin được chúng ta cân nhắc, suy ngẫm mới là thứ có giá trị nhất. Cho nên tỷ lệ chuyển đổi của tri thức quan trọng hơn tốc độ đọc.
Trong quá trình đọc, đọc hết và đọc hiểu là hai khái niệm khác nhau. Tốc độ không đi kèm với hiệu quả. Tốc độ đọc tăng nhanh chỉ là yếu tố hỗ trợ, nội dung và cách đọc mới là quan trọng. Hãy thử tìm ra điều bạn chưa biết trong cuốn sách, biến chúng thành điều đã biết trong thực tế, bạn sẽ phát hiện ra cuốn sách bạn đọc có giá trị hơn bạn nghĩ rất nhiều.
Theo Trí Thức Trẻ