Nhờ có cách đọc sách đúng, productivity growth của mình cũng được tăng nhanh. Những thể loại sách mình đọc chủ yếu về năng lượng, tài chính, marketing, self-help, healing... và không đọc những thể loại sách như ngôn tình, tiểu thuyết, tản văn... nên bài viết này có thể không áp dụng hết tất cả các thể loại sách được (mình nghĩ vậy).
Mình chia sẻ lại theo ý hiểu và kinh nghiệm của mình, không thiên về tài chính mà phát triển cá nhân, biết đâu sẽ giúp được bạn nào đó. Quá trình đọc gồm 04 bước gồm: Read -> Think -> Act -> Reflect.
Bước 1: Read (Đọc/ nghiên cứu)
Mình không phải là người chăm đọc sách, nhưng mình sẽ chắc chắn đọc xong cuốn sách đó khi biết rõ được mình cần đọc gì, lấy thông tin gì từ cuốn sách. Thường thì khi có một nhu cầu nhất định, mình đọc những review trên Goodreads, rồi quyết định đọc cuốn sách đó, xem thử có giải quyết được vấn đề hay nhu cầu lúc đó không.
Ví dụ, khi mình mới bắt đầu tìm hiểu về tài chính, được giới thiệu blog của chị LeoX thì thấy giới thiệu nguyên lý 80/20. Dù mình đã mua cất tủ cũng lâu, nhưng thấy xác định đó đang là điều mình cần học - biết bỏ bớt những gì không năng suất, hiệu quả, thế là đọc luôn. Và sau khi đọc, mình quyết định bỏ hết 2 part-time jobs vào buổi tối (7.30-9pm), mất đi thu nhập tầm hơn 4 triệu, nhưng sau đó mình đã tạo ra được nhiều giá trị hơn, về cả tài chính lẫn giá trị của bản thân, giúp được cho người khác. Mình đã mở lớp Viết phát triển online vào buổi tối.
Bài học rút ra với mình là, mình chăm đọc khi mình xác định rõ mục tiêu mình muốn, vì bản thân mình là người dễ nản. Khi tự hỏi chính mình đang gặp vấn đề gì, thì một cách ngẫu nhiên nào đó, mình sẽ dần tìm được câu trả lời, miễn là có câu hỏi.
Bước 2: Think (Tổng hợp, phân tích, phản biện)
Mình cũng không phải là người nhớ tốt, nên việc đọc của mình là: luôn có cây bút highlight, bút chì, và cuốn sổ nhỏ. Mình luôn highlight lên cuốn sách những ý mình thích thú, mới lạ, và cần "động não" nhiều mới hiểu. Còn cây bút chì, là viết ra những tư duy, phản biện, hay sự đồng cảm với trải nghiệm của tác giả trong đoạn nào đó. Vì như vậy thì sẽ nhớ được lâu hơn. Còn cuốn sổ, là sau 1 chương thì mình sẽ tự hỏi, mình học được gì từ chương này để hạn chế kiến thức/thông tin trôi vào miền quên lãng.
Bước 3: Act (Lập kế hoạch, thử nghiệm và đo lường)
Bước này quan trọng, vì được coi như bước ứng dụng khi đọc sách vậy. Mình còn nhớ mình đọc cuốn sách của Tony Buổi Sáng lần đầu vào cuối năm 2015, và thấy bài viết chia chi tiêu tiền thành 6 mục nhỏ hay quá (ít nhất là ở thời điểm 18 tuổi), thì áp dụng làm theo luôn. Mỗi tháng dù có bị thiếu hụt tiền ăn, thì vẫn để dành 500.000 đồng/tháng để đi-du-lịch; sau đó 4 tháng, cộng thêm số tiền tiết kiệm, mình đã lần đầu tiên lén bố mẹ đi du lịch miền Trung (Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hội An, Huế) một tuần (có ở nhà bạn, nhà người quen nên rất ít tiền). Ngẫm lại thì thấy cũng một thời huy hoàng.
Sau khi mình được thử, được trải nghiệm nhiều thứ, thì mình hay "chiêm nghiệm" lại, cách đó đã đúng chưa, hiệu quả chưa, và mình đã phát triển đến đâu bằng cách đó. Mình thấy quan trọng không phải là đọc bao nhiêu cuốn, mà áp dụng đến đâu.
Bước 4: Reflect: Quán chiếu, đúc kết, điều chỉnh
Công thức của Ray Dalio: PAIN + REFLECTION = PROGRESS.
"Mắc sai lầm hay thất bại, mình nó không giúp bạn trở thành "mẹ thành công". Mà quá trình Reflection sẽ quyết định sai lầm, thất bại đó có giá trị không hay vô ích."
Đây là bài học mình rất hay chia sẻ cho các bạn trong các workshop nhỏ của mình. Mình rất chăm chỉ ghi lại sau mỗi giai đoạn. Có thể nói, cách này giúp mình phát triển nhanh hơn rất nhiều.
Thường thì sau mỗi giai đoạn, mình sẽ hỏi 3 người về năm tính từ tốt (ưu điểm) và ba tính từ chưa tốt của mình (khuyết điểm). Mình thích nghe khen, nên nghe 5 ưu điểm, và đương nhiên vẫn luôn có những điều cần được cải thiện nên phải hỏi cả khuyết điểm nữa.
Người 1: bạn lâu năm hoặc người thân của mình, vì họ là người đồng hành với mình từ khi rất lâu, có thể quan sát được cả hành trình phát triển của mình.
Người 2: bạn làm chung/người quen cách đây tầm 6 tháng - 1 năm, tuỳ vào tần suất làm việc chung. Đây là giai đoạn mình muốn biết là sau 6 tháng thì mình thay đổi như thế nào, theo đánh giá của một người làm việc chung.
Người 3: Mới quen. Mình muốn biết là với người mới quen, thì mình gây thiện cảm hay ác cảm cho họ như thế nào, để từ đó có thêm dữ liệu mà có thể thay đổi nếu cần thiết.
Đây là cách mình dựa vào việc đọc sách, áp dụng, và phát triển bản thân. Nhìn lại thì thấy việc reflect lại đã giúp mình rất nhiều. Hi vọng rằng bài viết này có thể giúp có những bạn đang cần.
Theo Trí Thức Trẻ