Tin vào chính mình: Biết cách yêu chính mình, bạn sẽ yêu thương bất cứ ai

09/01/2021 17:00
Tin vào chính mình: Biết cách yêu chính mình, bạn sẽ yêu thương bất cứ ai

Cuốn sách “Tin vào chính mình” muốn dạy mọi người điều đó, để bạn học cách yêu mình một cách vô điều kiện, như tình yêu mà cha mẹ từng dành cho chúng ta.

Luật vàng đạo đức cho rằng “Hãy làm cho người khác điều các con muốn người ta làm cho mình”. Nếu bạn không muốn ai làm tổn thương mình, thì bạn đừng làm tổn thương ai. Nó dựa trên giả định rằng, chúng ta rất yêu mến, quý trọng, nâng niu bản thân, bởi vậy hãy thương người như thể thương thân. Vì tôi không mong ai làm hại mình, nên tôi sẽ không làm hại ai cả.

Nhưng sự thật là, đôi khi chúng ta rất căm ghét bản thân, và thậm chí còn tự làm đau chính mình. Được 8 điểm Toán cuối kì và chúng ta giày vò bản thân đến nhàu nát vì sự cố gắng chưa đủ. Tết không có nhiều tiền gửi ba mẹ và chúng ta trách mình thật vô dụng vì không đỡ đần được cho gia đình. Sau chia tay, bạn thề sẽ không yêu ai nữa vì đã từng làm ai đó tổn thương. Ta không tha thứ cho mình, thì ai có thể tha thứ cho ta?

Chúng ta tự gây ra những đau đớn tâm lý bằng những lời chỉ trích nội tâm không ngừng nghỉ. Sự giày vò tâm tưởng như những vết kim khiến bạn tự làm bong tróc bản thân. Bạn sợ nếu không làm mình đau, thì làm sao ta có thể ghi nhớ bài học này và tự sửa chữa được. Có lẽ ta học được điều này một phần từ cách cha mẹ dạy dỗ: Cho lũ trẻ thấy sai, biết đau, cảm thấy tội lỗi thì sau này chúng sẽ không làm thế nữa. Yêu là phải cho roi, cho vọt. Thỏa mãn là kẻ thù của thành công. Tự hài lòng là thuốc độc giết chết sự hoàn hảo.

Cuốn sách "Tin vào chính mình" của tác giả Louise Hay muốn chúng ta học cách loại bỏ những lời phủ định về bản thân như thế bằng sức mạnh của những lời khẳng định tích cực. Bà cho rằng "sự tự khẳng định cũng như hạt giống gieo trồng trong đất. Đất xấu, hạt mầm sẽ còi cọc. Đất tốt, hạt mầm lớn nhanh, khỏe mạnh. Bạn càng chọn lọc những suy nghĩ tích cực khiến mình vui vẻ, hạnh phúc, thì sự tự khẳng định của bạn càng có điều kiện phát huy tác dụng". Ai chả thích được khen ngợi, nhưng đáng tiếc là chúng ta rất ít dành lời tán dương cho chính mình. Nhưng sự thật là không ai có thể kéo bạn tốt lên, nếu chính bạn lại đang nỗ lực đạp mình xuống.

Bởi vậy, yêu mình đôi khi lại khó hơn nhiều, so với việc yêu người khác. Nó là một kỹ năng mà bạn phải học mỗi ngày, và thay đổi lớn bắt đầu từ những chuyển biến rất nhỏ trong suy nghĩ. Thay vì nói "Tôi quá mập" hãy nói "Tôi tự hào và chăm sóc cơ thể mình thật chu đáo". Thay vì than vãn "Tôi chẳng biết sáng tạo gì cả" hãy chuyển thành "Tôi đang khám phá những khả năng tiềm ẩn của bản thân mình". Thay vì buồn phiền "Tôi thấy mình không đủ giỏi giang" hãy tin rằng "Tôi đang từng bước thay đổi, và tôi xứng đáng đón nhận điều tốt đẹp nhất".

Tác giả cũng cho rằng chủ nghĩa hoàn hảo đôi khi cũng là một cản trở lớn trên con đường chúng ta tìm kiếm hạnh phúc. "Cảm giác không đủ giỏi, hoặc không xứng đáng nhận những điều tốt đẹp cũng là một rào cản khiến những khẳng định lạc quan của bạn không trở thành hiện thực", tác giả chia sẻ. Điểm bất hảo ở những kẻ thích mọi thứ phải thật hoàn hảo là họ không có năng lực chấp nhận sự bất lực của mình. Không ai ghét chính mình bằng hội cầu toàn. Với họ vừa đủ không bao giờ là tốt.

Làm việc với họ vô cùng căng thẳng, không phải vì họ không thể chấp nhận những sai sót ở bạn, mà ở chính họ. Họ không được phép phạm sai lầm. "9.5 điểm tổng kết, mức độ khách hàng hài lòng 98%, một vết xước trên máy": Tất cả những thứ đó có thể khiến họ phát điên vì không ai dạy họ cách hài lòng với sự phật lòng.

Nhà này không có chỗ chứa có những học sinh khá. Công ty này không chấp nhận sự thiếu chuyên nghiệp. Tâm hồn này không đón nhận sự đủ tốt. Kỹ năng thành công thì thì ai cũng cố học và dạy, nhưng kỹ năng sống với thất bại thì chúng ta bỏ qua, cho dù hệ tâm lý của bạn được cấu thành bởi mất mát, vết thương, nuối tiếc, sai lầm hơn là ngược lại.

Cuốn sách “Tin vào chính mình” muốn dạy mọi người điều đó, để bạn học cách yêu mình một cách vô điều kiện, như tình yêu mà cha mẹ từng dành cho chúng ta. Sức mạnh của sự tự khẳng định không chỉ là việc luôn tự hào và tự tin với những thành công và điểm mạnh của mình, mà còn là học cách chấp nhận những khiếm khuyết và xấu xí bên trong. Nếu có thể học cách yêu chính mình, bạn sẽ dần có thể yêu thương bất cứ ai.

Trạm Đọc


Gửi bình luận
(0) Bình luận