Trò chuyện với vĩ nhân – Hãy quay trở lại và nhìn thấy mọi thứ đã thay đổi

08/01/2021 08:30
Trò chuyện với vĩ nhân – Hãy quay trở lại và nhìn thấy mọi thứ đã thay đổi

Tâm trí của bạn giống như chiếc máy ảnh. Bạn cứ vừa đi vừa chụp ảnh, hình ảnh nào cũng trở nên không rõ ràng bởi vì máy ảnh cần phải tĩnh. Nếu máy ảnh không tĩnh, tất cả các bức hình chỉ là một mớ hỗn độn.

 

Chuyện kể rằng khi Đức Phật đi từ làng này đến làng khác, trên đường đi, vào một ngày hè nóng bức, ngài thấy khát. Ngài đã cao tuổi nên bảo đồ đệ:

– Ananda, ta xin lỗi nhưng con sẽ phải quay lại. Chúng ta đã đi qua một con suối nhỏ khoảng hai, ba dặm, giờ ta thấy khát, con hãy quay lại đó mang nước về nhé.

Ananda đáp:

– Thầy không cần phải xin lỗi. Niềm vui của con là được phụng sự thầy. Con có nghĩa vụ tuân thủ. Thầy hãy ngồi nghỉ dưới gốc cây đợi con đi lấy nước về.

Ananda quay trở lại. Anh ta biết chính xác vị trí của con suối vì họ chỉ mới vừa đi qua. Và khi họ đi qua, con suối vẫn trong xanh với dòng nước mát lành. Nhưng khi Ananda trở lại để lấy nước, hai chiếc xe bò đã đi qua và cả dòng suối bị vẩn đục, toàn bộ lớp bùn bên dưới nổi lên mặt nước. Những chiếc lá héo úa cũng nổi lên trên. Cho rằng mình không thể lấy nước này cho Đức Phật uống, Ananda quay trở về.

– Con không thể mang nước đó về cho thầy, nhưng thầy đừng lo. Đi thêm bốn dặm đường nữa, con biết có một dòng sông lớn và con sẽ lấy nước ở đó cho thầy. Dù trời đã tối và thầy thì lại khát, nhưng con không còn cách nào khác.

Đức Phật đáp:

– Không, ta muốn uống nước từ con suối kia. Con không cần lãng phí thời gian, đúng ra con nên mang nước từ đó về.

– Nhưng nước ở đó bẩn và vẩn đục, lá thối nổi lềnh bềnh. Làm sao con có thể mang nước đó về cho thầy được?

Đức Phật đáp:

– Con hãy đi và mang về đây cho ta.

Khi thầy đã quyết, Ananda liền quay trở lại nhưng thật bất ngờ, vào lúc này, những chiếc lá đã trôi xa. Dòng nước không ngừng chảy mang theo tất cả, bùn đã lắng xuống, nước chỉ hơi đục một chút thôi. Lúc này, Ananda đã hiểu được thông điệp của thầy. Anh ta ngồi xuống cạnh dòng suối. Đó chính là điều Đức Phật muốn nói – “Hãy quay trở lại”, và nhìn thấy mọi thứ đã thay đổi… Nếu Ananda chỉ cần chờ đợi, mặt nước sẽ sớm trong vắt trở lại.

trochuyenvoivinhan-01.jpg

Anh ta đã đợi, và chẳng bao lâu, nước đã trong. Anh ta mang nước trở về. Đức Phật hỏi:

– Ananda, con đã hiểu ra chưa?

Ananda bật khóc. Anh ta đáp:

– Vâng, con đã hiểu. Thật ra con chưa kể với thầy chuyện này. Ngay khi vừa quay trở lại con suối, con nhìn thấy hai chiếc xe bò băng qua trước mặt con, khiến cho toàn bộ con suối bị vẩn đục, con đã nhảy xuống suối để cố giữ cho nước sạch. Nhưng con càng cố thì nước càng đục. Con càng bước chân vào thì bùn càng nổi lên, lá càng xuất hiện. Nghĩ rằng mình không thể làm gì được, con đã quay trở lại. Con chưa kể với thầy chuyện này. Con xin lỗi. Con thật ngu ngốc. Đó không phải là cách giúp dòng nước trở lại trạng thái vốn có của nó. Đúng ra con chỉ cần ngồi đợi, chỉ đơn giản ngồi đợi thôi.

Mọi việc xảy ra theo cách của chúng. Những chiếc lá trôi theo dòng nước và bùn lắng xuống. Chỉ ngồi đó nhìn dòng suối, con đã hiểu được ý thầy, rằng dòng suối này chính là dòng suối tâm trí – với tất cả những ý nghĩ đồi bại, quá khứ, cái chết, bùn – và con không ngừng tìm cách làm sạch nước. Việc nhảy vào con suối càng khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn và sinh ra thái độ tiêu cực rằng “có lẽ trong cuộc sống này, con sẽ không làm được như lời thầy dạy – trạng thái vô trí”. Nhưng hôm nay, khi nhìn thấy con suối đó, một hy vọng lớn lao trỗi dậy trong con: có lẽ con suối của tâm trí con cũng sẽ lắng đọng theo cách tương tự. Chỉ ngồi xuống. Con đã phần nào hiểu được.

Đức Phật nói:

– Ta không khát, con mới khát. Và ta không bảo con đi lấy nước cho ta, ta bảo con đi lấy nước là để cho con hiểu được một thông điệp. Khi đến con suối, ta đã nhìn thấy hai chiếc xe bò đang đi xuống từ trên đỉnh đồi, và vì biết khi nào họ sẽ băng qua suối nên ta đã bảo con đi lấy nước vào đúng lúc đó.

Chỉ ngồi xuống cạnh con suối tâm trí của bạn. Đừng làm gì cả; không ai trông đợi điều gì từ bạn. Bạn chỉ cần ngồi yên, tĩnh lặng, như thể việc đó không liên quan gì đến bạn. Những gì đang diễn ra trong tâm trí bạn cũng đang diễn ra ở nơi khác. Tâm trí không là bạn; nó là người khác. Bạn chỉ là người canh giữ.

Khi cơn đau ở đó, bạn chỉ là người quan sát. Bạn biết cơn đau đã đến, và sớm muộn gì nó cũng đi. Và khi hạnh phúc đến, bạn biết nó sẽ không tồn tại mãi mãi. Bất hạnh chỉ là đang ẩn nấp đâu nó, nó sẽ sớm xuất hiện. Bạn vẫn là người quan sát. Nếu có thể quan sát mà không gắn bó cũng không bị đẩy lùi, bạn sẽ rơi vào giữa, và một khi con lắc dừng lại ở giữa, lần đầu tiên bạn có thể nhìn thấy thế nào là một thế giới thực sự.

Trong khi di chuyển, bạn không thể biết thế giới là gì; sự chuyển động của bạn khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. Một khi không còn chuyển động, bạn có thể nhìn thấy thế giới. Lần đầu tiên, bạn biết thực tại là gì. Một tâm trí bất động mới biết được thực tại là gì; một tâm trí chuyển động không thể biết được điều đó. Tâm trí của bạn giống như chiếc máy ảnh – bạn cứ vừa đi vừa chụp ảnh, nhưng bất cứ hình ảnh nào xuất hiện cũng trở nên không rõ ràng bởi vì máy ảnh cần phải tĩnh. Nếu máy ảnh không tĩnh, tất cả các bức hình chỉ là một mớ hỗn độn.

Tâm thức của bạn cứ mãi đi từ con lắc này đến con lắc khác. Do đó, bất cứ điều gì bạn biết về thực tại chỉ là một mớ hỗn độn, một cơn ác mộng. Không cái gì ra cái gì; mọi thứ đều lẫn lộn, đều không trọn vẹn. Nếu bạn đứng ở giữa và con lắc dừng lại, nếu tập trung tâm thức, khi đó bạn sẽ biết được thực tại là gì. Chỉ có tâm trí bất động mới hiểu được chân lý là gì.

Theo Trò chuyện với vĩ nhân - Osho


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 4, 30/10/2024