'Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2' - Một 'Sài Gòn' gây thương nhớ

THU AN18/12/2023 09:00
'Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2' - Một 'Sài Gòn' gây thương nhớ

Cầm trên tay cuốn "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" của nhà văn, nhà báo Cù Mai Công, một lần nữa, tôi lại bị "lạc trôi" vào những câu chuyện của một thuở Sài Gòn - Gia Định gợi nhiều thương nhớ.

Với tôi, “Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2” không phải là sách lịch sử nhưng thấm đẫm chất sử. Nó không đề cập xuyên suốt một chiều dài lịch sử của Sài Gòn - Gia Định mà  chỉ “trưng bày” những nét chấm phá đáng nhớ, đáng thương yêu trong bề dày lịch sử đó. Nó nói về cội nguồn lịch sử một vùng đất nhưng không nặng nề sử liệu mà nhẹ nhàng, thấm đẫm tình người. Nó sử dụng tư liệu rất tỉ mỉ và đầy cẩn trọng.

Lời văn giản dị như rủ rỉ, tự tình gây nhớ, gây thương. Nhất là với những người đã đến Sài Gòn - Gia Định từ xa xưa, đã lập thất, thành danh từ mảnh đất địa linh nhân kiệt này. Cuốn sách có đủ chất thế sự trong sử, chất đời và tình người trong tiến trình hình thành, phát triển một vùng đất. Hệ thống bản đồ, hình ảnh tư liệu lịch sử quí giá cũng được nâng niu, cẩn trọng đưa vào sách, như thường thấy trong tác phẩm của Cù Mai Công.

Sài Gòn tánh sao nhà vậy

Trong phần Sài Gòn là thương, tác giả nhắc nhớ những ký ức về văn hóa và con người Sài Gòn bắt đầu từ câu chuyện năm đại lộ sang trọng giữa Sài Gòn từ đâu ra? Và vì sao đại lộ thứ sáu (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) bị "giáng" từ đại lộ xuống "đường". Đó là cả một câu chuyện thú vị đang chờ bạn lần giở từng trang sách.

Chợ Bến Thành từ thời thuộc Pháp được xác định là chợ trung tâm của Sài Gòn đã hình thành trên một vùng đầm lầy như thế nào? Và vai trò của Hui Bon Hoa (chú Hỏa) - một đại gia mà người Sài Gòn hay nhắc đến - ở vùng này ra sao? Tất cả cũng được kể lại rành mạch.

Quá trình hình thành đủ loại bến xe, nhà ga quanh chợ Bến Thành cũng mang đến nhiều ngạc nhiên. Thú vị nhất là, theo tác giả, trong khi việc tu bổ những con đường nhỏ quanh chợ đều do nhà thầu Pháp làm, thì việc xây dựng đại lộ huyết mạch Galliéni (nay là đại lộ Trần Hưng Đạo) và tu sửa đại lộ Abattoirs (Nguyễn Thái Học) lại do một nữ nhà thầu Việt: Phạm Thị Vân đảm trách - lời kể ẩn chứa chút tự hào.

Cũng là người Việt tài hoa, tác giả kể về ba kiến trúc sư lỗi lạc thời đó ở Văn phòng Kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc. Một trong những công trình dấu ấn đầu tiên của họ là "kỳ quan" khách sạn Caravelle (19-23 Công Trường Lam Sơn, quận 1). 

Ngoài lịch sử xây dựng, chỉ vài câu khái quát tác giả đã cho thấy cái hồn cốt, tinh hoa kiến trúc của công trình này: Toàn bộ khối công trình Caravelle nhẹ nhõm hẳn so với các công trình thời Pháp thuộc. Nó mang nét kiến trúc hiện đại, táo bạo của Sài Gòn, miền Nam lúc đó. Nhưng lại rất Việt như những ngôi nhà Việt xưa: thanh thoát, có khoảng đệm nhiệt độ trước các phòng, bớt nắng mà không cản gió…

Người thiết kế Caravelle là kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa, con một điền chủ trung lưu ở Trà Ôn, Vĩnh Long. Tác giả phân tích: "Có thể nói thiết kế hiện đại của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa rất táo bạo, mạnh mẽ: lam đứng, lam ngang thẳng tắp, khối nét đơn giản dựa trên những tỉ lệ vàng trong kiến trúc đã được khẳng định qua thời gian. Tính cách Nam Bộ của ông cũng như của các thành viên trong văn phòng còn là bỏ qua những trang trí rườm rà, phức tạp trong các kiến trúc trước đó".

Ngoài Caravelle, Văn phòng Kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc còn là tác giả của nhiều công trình dấu ấn khác như: Hội Việt Mỹ, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Tòa đại sứ Anh… Và kiến trúc hàng loạt biệt thự đầy biến hóa, những biệt thự kiểu Sài Gòn "độc nhất vô nhị trên thế giới", đến nay vẫn tồn tại. 

Ngoài Caravelle, Văn phòng Kiến trúc sư Hoa-Thâng-Nhạc còn là tác giả của nhiều công trình dấu ấn khác như: Hội Việt Mỹ, Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Toà đại sứ Anh… Nhóm kiến trúc sư này còn kiến trúc hàng loạt biệt thự đầy biến hóa, những biệt thự kiểu Sài Gòn “độc nhất vô nhị trên thế giới”, đến nay vẫn còn tồn tại. Và hình thành nên nét kiến trúc chủ yếu của vô số nhà cửa ở Sài Gòn và miền Nam trước 1975… những căn nhà, không chỉ là kỹ thuật, kiểu dáng mà còn là hồn cốt nơi ở, mà theo đúc kết của tác giả là “Sài Gòn tánh sao nhà vậy”.

Căn nhà phản ánh cách sống của người Sài Gòn. Mà cách sống của người Sài Gòn là đơn giản. Cù Mai Công viết: "Một ngôi nhà, nơi chúng ta sống và tìm về, xét cho cùng là sự bình yên. Về mỹ học lẫn thiết kế hiện đại, cái đẹp luôn là cái đơn giản, sự giản dị, đến mức hiện nay có cả một trào lưu thiết kế, kiến trúc tối giản. Những ngôi nhà Sài Gòn-Gia Định xưa ít nhiều đã làm được điều đó, chúng hiện đại mà sinh thái, mang lại cả một khung cảnh bình yên cho bao thế hệ Sài Gòn, đến giờ vẫn được nhắc đến với một trời yêu thương".

Như một người vì quá yêu thương, tác giả đã tỉ mỉ đi quan sát, "lục lọi" Sài Gòn hết nơi này đến nơi khác, hết thuở xưa đến thời nay. Không chỉ công trình lớn, chợ trung tâm, đại lộ, nhà cửa… tác giả còn chi li kể về Dưỡng đường Dung Anh (nay là Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM).

Nơi này vừa là nhà ở vừa là dưỡng đường của giáo sư, bác sĩ, thạc sĩ y khoa Trần Đình Đệ, người từng đỡ đẻ cho bà Ngô Đình Nhu khi sinh Ngô Đình Lệ Quyên. Đây cũng là nơi vợ ông Nguyễn Cao Kỳ (lúc đó là thủ tướng) sanh cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Con gái đầu Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng sanh con nơi này. Nơi có biết bao câu chuyện nhân văn được kể lại khiến người đọc tiếp tục thương, và nhớ.

Gia Định: Câu chuyện của những cưu mang và một nếp nhà

Ở phần "Gia Định là nhớ", Chuyện về vùng đất này bắt đầu từ Chợ Lăng (Cha Cả) và bùng binh Chợ Lăng, kéo dài đến xóm Vườn Rau với hơn chục kịch sĩ, nghệ sĩ, nhà thơ, nhà báo, vận động viên… nổi tiếng cư ngụ. Rồi lan đến Lò Kẹo một thời cưu mang "đám anh em văn nghệ sĩ mạt lộ", với rất nhiều câu chuyện thú vị từ nghề đến đời, khiến người đọc xao xuyến.

Bạn sẽ ngạc nhiên nếu chưa biết "Khu Đa Mình và cư xá Kiến Thiết: cùng một đường, Nam Bắc đôi bên", với nhiều nhân vật lịch sử tên tuổi một thời. Bạn sẽ cùng tảo tần xuôi ngược với "xóm nghèo Phong Thần bên ranh đô thị Sài Gòn một thuở". Bạn sẽ hiểu thêm về đời sống cư dân xóm nghèo nơi đây. Và còn được biết trong xóm nghèo này có một cư dân ở từ trước 1975 là kỳ nữ Kim Cương.

Tác giả còn tỉ mỉ mô tả về "Một nếp nhà Nam Kỳ trên đất Sài Gòn - Gia Định". Đó là nếp nhà của "bác Điện" - Trương Bửu Điện, người từng là tổng trưởng Bộ Thông tin Việt Nam cộng hòa; những ngày trước 1975, là tổng lãnh sự Sứ quán Việt Nam cộng hòa ở Tân Gia Ba (Singapore). Ông là con trai ông bà Trương Tấn Bửu - Tạ Huỳnh Lang. Bà Lang là con gái nhà họ Tạ Trung.

Trong dòng tộc họ Tạ Trung, con cháu về đời sau này có ông Lý Chánh Trung - một nhân sĩ trí thức, chính khách dân tộc chủ nghĩa thuộc thành phần thứ ba, nguyên giám đốc Nha Trung học công lập dưới thời Việt Nam cộng hòa. Sau 1975, ông là ủy viên đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, đại biểu Quốc hội. Một người con của ông Lý Chánh Trung là nhà báo Lý Tiến Dũng, là một nhà báo được các đồng nghiệp và nhiều người nể trọng.

Theo tác giả, đây là "Gia tộc sinh ra rất nhiều trí thức, nhân sĩ, bác sĩ… Tất cả đều thẳng ngay, tự bỏ công sức mưu sinh, không quen nhờ vả. Đó là gia tộc giữ vẹn nếp nhà, gia phong chơn chất Nam Bộ xưa và Sài Gòn - Gia Định một thuở". Với tôi, đó còn là một nếp nhà gợi nhớ nhiều nếp nhà đã được xây dựng, giữ gìn, vun đắp qua bao thế hệ, để hình thành nên một cốt cách Sài Gòn không mai một cùng năm tháng.

Như một số tác phẩm từng được biết của Cù Mai Công, anh luôn khiêm nhường, cố hết sức khách quan đóng vai người kể chuyện trong sách của mình. Cứ thủng thẳng mà kể, dung dị mà kể. Vậy mà, anh vẽ được cả một bức tranh với những nét nhấn nhá lôi cuốn, khơi gợi biết bao ký ức, biết bao nỗi niềm, biết bao cảm xúc nhân văn trong lòng người đọc. Bạn hãy thử đọc "Gia Định là nhớ Sài Gòn là thương 2" và trải nghiệm những nỗi nhớ, thương cùng tác giả.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024