Quẳng gánh lo đi và vui sống - Lo âu, căng thẳng và buồn phiền 3 thủ phạm gây ra sự mệt mỏi

Quin04/06/2023 08:00
Quẳng gánh lo đi và vui sống - Lo âu, căng thẳng và buồn phiền 3 thủ phạm gây ra sự mệt mỏi

Trái với sự nhầm tưởng cho rằng người hay mệt mỏi là do phải đảm nhận nhiều công việc thể chất và trí óc nhưng không phải, chính lo âu, căng thẳng và buồn phiền mới là ba nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng này.

Daniel W. Josselyn – một tác giả người Mỹ nói: “Tôi nhận thấy, trở ngại chủ yếu nằm ở chỗ hầu hết ai cũng tin rằng để thực hiện được khối lượng công việc lớn và khó khăn thì mỗi người phải tạo cho mình khí thế nỗ lực, có thế mới đạt được hiệu quả cao”. Vậy là chúng ta gồng mình lên. Chúng ta lên gân lên cốt để cảm thấy bản thân đang nỗ lực. Trong khi điều đó thực ra chẳng giúp ích gì cho công việc của bộ não.

Đây là một sự thật gây choáng váng và đau lòng: trong khi không hề mong muốn phung phí tiền bạc thì hàng triệu người lại đang phung phí một tài sản còn quý giá hơn: đó là năng lượng. Chúng ta thường tiêu xài năng lượng một cách bạt mạng, dẫn tới sự căng thẳng và mệt mỏi triền miên.

Đâu là giải pháp cho những mệt mỏi tinh thần này? Thư giãn! Thư giãn! Thư giãn! Học cách thư giãn ngay cả khi bạn đang làm việc!

Bạn nên thư giãn bằng cách nào? Bắt đầu bằng việc thư giãn trí óc chăng? Không, bạn luôn phải bắt đầu với việc thư giãn cơ thể trước.

Dưới đây là bốn gợi ý giúp bạn thư giãn: 

1. Thư giãn trong những phút rảnh rỗi. 

Hãy để cơ thể mềm mại như một chú mèo. 

Bạn đã từng ôm một chú mèo đang nằm sưởi nắng chưa? Hẳn bạn sẽ thấy cơ thể nó mềm dịu và hoàn toàn thả lỏng trong đôi tay bạn. Những bậc thầy yoga của Ấn Độ cũng khuyên rằng nếu bạn muốn làm chủ nghệ thuật thư giãn, hãy tìm hiểu về loài mèo. Tôi chưa hề thấy có chú mèo nào bị mệt mỏi, suy nhược thần kinh, mất ngủ, lo lắng hay loét dạ dày bao giờ. Có thể, bạn sẽ tránh được tất cả những căn bệnh này nếu học được cách thư giãn như loài mèo. 

2. Làm việc trong tư thế thoải mái nhất có thể. Hãy nhớ rằng những căng thẳng trong cơ thể sẽ dẫn đến chứng đau vai và mệt mỏi tinh thần. 

3. Lắng nghe cơ thể bốn đến năm lần mỗi ngày, và tự hỏi bản thân: “Có phải mình đang phung phí sức lực trên mức cần thiết không? Liệu mình có đang bắt một số bộ phận của cơ thể phải vận động dù chúng chẳng có mối liên quan gì với công việc đang làm không?”. Quá trình ấy sẽ giúp bạn hình thành thói quen thư giãn, và như bác sĩ David Harold Fink nói: “Đối với những người am hiểu tâm lý học thì thói quen là một nhân tố có tính chất quyết định đáng kể”.

4. Cuối ngày, hãy khám sức khỏe cho bản thân bằng cách tự hỏi: “Mình mệt mỏi như thế nào? Nếu có mệt mỏi thì nguyên nhân cũng không xuất phát từ công việc trí óc mình thực hiện mà xuất phát từ cách mình thực hiện công việc ấy”. Daniel W. Josselyn nói: “Tôi đánh giá thành quả của mình không dựa vào mức độ mệt mỏi, mà căn cứ trên mức độ không mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc... Nếu thấy mệt mỏi hoặc cáu gắt, tôi hiểu rằng mình đã có một ngày kém hiệu quả cả về chất và lượng.” Nếu mọi doanh nhân Hoa Kỳ đều hiểu được bài học này thì tỷ lệ tử vong vì căn bệnh “căng thẳng cực độ” sẽ giảm xuống chỉ sau một đêm. Và chúng ta sẽ không còn phải thấy cảnh các viện điều dưỡng đông nghịt những bệnh nhân mắc chứng mệt mỏi và lo âu.

Sau khi đọc hết đoạn này, bạn hãy ngả người ra phía sau, nhắm mắt lại và tự nhắc mình: “Thả lỏng nào. Thả lỏng nào. Không căng mắt, nhíu mày gì nữa. Thả lỏng nào. Thả lỏng nào…”. Cứ nhắc đi nhắc lại như thế thật chậm rãi trong khoảng một phút và cho mình cảm nhận nhé.

Lược trích từ cuốn: Quẳng gánh lo đi và vui sống – cuốn cẩm nang để sống bình an và hạnh phúc.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/07/2024