Sao phải xoay quanh hệ Mặt Trời của người khác?
Bạn đang tập trung vào công việc và cuộc sống của mình thì đột nhiên, BÙM, FOMO trong bạn bị kích thích. Bạn nghe, đọc, nhìn hoặc nghĩ về một thứ khiến bạn bị ám ảnh rằng mình đang bỏ lỡ nó. Sau đó, nỗi lo lắng đột ngột tấn công. Khi bạn cứ chăm chăm vào những yếu tố kích thích FOMO thì bạn đang vô thức làm giảm giá trị tất cả mọi thứ mà mình đang có.
Khi rơi vào nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out), bạn đang là một hành tinh xoay quanh hệ Mặt Trời của người khác thay vì là trung tâm của cuộc đời mình. Việc rơi vào cái bẫy này khiến bạn mất đi sự quyết đoán, ngay cả khi chỉ giải quyết những vấn đề không quan trọng. Và nó càng gây ra tác hại khôn lường nếu bạn cần đưa ra các Quyết định mang lại giá trị cao.
Để trực tiếp đối mặt với FOMO ngay tại thời điểm quan trọng nhất, bạn phải bắt đầu bằng việc giải quyết sự thiếu liên kết đầy nguy hiểm giữa nhận thức và thực tế. Bước này giúp bạn cứu thoát trực giác để những sự suy tính của bạn sẽ lại được dựa vào thực tế thay vì cảm tính. Bạn có thể thực hiện một cách bài bản bằng cách giải quyết hai loại FOMO:
FOMO Khao khát được thúc đẩy bởi nhận thức – bị kích thích bởi sự bất cân xứng thông tin, là nỗi lo sợ rằng đang có một sự việc hoặc trải nghiệm nào đó là tốt hơn những gì bạn đang có; FOMO Bầy đàn được nuôi dưỡng nhờ mong muốn hòa nhập và phải tham gia vào những sự kiện mà bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ.
![]() |
FOMO Khao khát
Các yếu tố kích thích FOMO có thể khác nhau, nhưng cảm xúc mà chúng khơi dậy luôn là một. Đầu tiên, bạn nhìn thấy một việc cần phải thực hiện hoặc một thứ bạn muốn sở hữu. Tiếp theo, bạn trải qua đủ mọi cảm giác, từ khao khát, hối tiếc, ghen tức, căng thẳng, thậm chí là thất bại khi bị FOMO Khao khát tấn công.
Tuy nhiên, bạn không cảm nhận được chính xác mình đang bỏ lỡ cái gì. Làm sao bạn biết được bạn đang bỏ lỡ điều gì nếu bạn thậm chí còn chưa từng trải nghiệm nó? Đây chính là lúc bạn cần ra quyết định. Bạn lấp đầy những khoảng trống đó bằng mơ mộng, suy đoán, cảm xúc hay sẽ lấp đầy bằng sự thật? Ngay lúc bạn nâng vai trò của thông tin vượt lên sự suy đoán, bạn đã bắt đầu nắm quyền kiểm soát.
Thật ra, nghĩ kỹ thì bạn đã bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức vào FOMO mà chẳng nhận lại được gì. Tại sao bạn không thử làm khác đi để đầu tư thông minh hơn với các tài nguyên này?
Bước đầu tiên bạn cần thực hiện là làm rõ những phương án hoặc cơ hội đang gây ra cho bạn cảm giác sợ bỏ lỡ. Việc này rất cần thiết để bạn thu thập dữ liệu và đặt ra các tiêu chí. Hãy dành một chút thời gian để làm rõ suy nghĩ, sau đó hình thành câu hỏi mà bạn đang cố gắng trả lời sao cho trực tiếp và ngắn gọn nhất có thể, ví dụ: “Mình có nên phỏng vấn xin việc ở California hay không?” hoặc “Mình có nên thôi việc để bắt đầu một dự án kinh doanh mạo hiểm không?”.
Anh trai tôi từng cho tôi một lời khuyên quý giá: Điều duy nhất mà bạn kiểm soát được trong thế giới này là phản ứng của bạn trước những chuyện đang xảy ra xung quanh mình. Bạn kiểm soát bằng cách tiến hành đánh giá cẩn thận rồi suy nghĩ chính xác hơn. Bạn loại bỏ sự bất cân xứng thông tin càng nhiều càng tốt để đưa ra một quyết định lý trí chứ không cảm tính.
Bây giờ, bạn có thể rút ra kết luận sơ bộ dựa trên nghiên cứu của mình. Nếu câu trả lời là không, quá trình kết thúc tại đây. Bạn không cần tiếp tục nếu FOMO Khao khát hiện đã bị vô hiệu hóa nhờ sự nỗ lực của bạn. Ngược lại, nếu vẫn không chắc chắn hoặc nghĩ câu trả lời là có, hãy tiến hành phần thứ hai của quá trình này. Đã đến lúc phải tranh đấu với cảm giác FOMO Bầy đàn bằng cách tự hỏi bản thân một câu hỏi thiết yếu cuối cùng.
FOMO
/ˈfōmō/ Danh từ. Thông tục.
Cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn và mong muốn đó thường bị khuếch đại bởi các trang mạng xã hội.
Áp lực xã hội vì nhận thấy rằng bạn sẽ bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ.
"Đừng sợ lỡ cuộc chơi" (Fear Of Missing Out) của Patrick J. McGinnis