FOMO - Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Hội chứng lý giải nguyên nhân nỗi sợ người khác giàu nhanh hơn mình, sợ bỏ lỡ cơ hội

02/07/2021 08:30
FOMO - Đừng sợ lỡ cuộc chơi:  Hội chứng lý giải nguyên nhân nỗi sợ người khác giàu nhanh hơn mình, sợ bỏ lỡ cơ hội

Ngày nay, thế hệ trẻ muốn được giàu nhanh nhờ đánh bạc và những cơ hội đầu cơ hơn là tích luỹ dần dần như trước.

FOMO (Fear Of Missing Out) là thuật ngữ ám chỉ hội chứng sợ bỏ lỡ hay mất cơ hội. Người mắc phải hội chứng này thường bị ám ảnh bởi cảm giác sợ bỏ lỡ một điều gì đó hoặc mất cơ hội thành công mà mọi người xung quanh đã đạt được. Chính hội chứng này khiến mọi người mắc phải những sai lầm khi đưa ra các quyết định thiếu lý trí, dẫn đến hậu quả khôn lường.

Theo hãng tin Bloomberg, tỷ phú đầu tư Stanley Druckenmillers đã mua vào Bitcoin sau khi chứng kiến giá đồng tiền số này tăng chóng mặt và sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ cơ hội, một ví dụ điển hình của hội chứng sợ bị bỏ lỡ (FOMO).

"Tôi cảm giác mình như một kẻ ngốc vậy", tỷ phú Druckenmillers thú nhận.

Vị đại gia này đã đổ 20 triệu USD vào thị trường sau khi chứng kiến tiền số tăng phi mã để rồi thấp thỏm với đà lên xuống như tàu bay của chúng. Kể từ mức đỉnh giữa tháng 4/2021, giá Bitcoin đã mất gần 50% sau những tín hiệu không mấy khả quan từ chính phủ các nước. Trung Quốc đã cấm đào Bitcoin trong khi tỷ phú Elon Musk, người từng tung hô đồng tiền số này cũng quay lưng.

Trên thực tế đây không phải lần đầu Druckenmillers mắc phải FOMO. Năm 1999, nhà tỷ phú này đã đổ 6 tỷ USD vào thị trường chứng khoán cho các cổ phiếu công nghệ trong cơn sốt dotcom để rồi mất 3 tỷ USD khi thị trường xì hơi chỉ 6 tuần sau đó.

"Tôi bị ảnh hưởng bởi cảm xúc quá nhiều và chẳng thể cưỡng lại", ông Druckenmillers thừa nhận nhiều năm sau vụ dotcom.

Hãng tin Bloomberg nhận định, trên thực tế giờ đây nhiều người trong chúng ta cũng trở thành một Druckenmillers với hội chứng FOMO.

FOMO - Hội chứng lý giải nguyên nhân người người, nhà nhà lao vào chơi chứng khoán, tiền số: Nỗi sợ người khác giàu nhanh hơn mình, sợ bỏ lỡ cơ hội - Ảnh 2.

Trên thực tế, không riêng gì tiền số mới có hội chứng này mà nó tồn tại hầu như trên mọi thị trường. Các nhà đầu tư chứng khoán đã phải ngạc nhiên với giá cổ phiếu AMC Entertainment Holdings, GameStop và Tesla tăng phi mã bởi những người chơi cá nhân tin lời đồn trên Reddit và Twitter. Thị trường nhà đất thì chẳng còn xa lạ gì với sự lên giá của các căn hộ trong mùa dịch Covid-19.

Áp lực của mọi người khi nghe bạn bè, hàng xóm hay mạng xã hội bàn tán về cơ hội làm giàu qua các kênh đầu tư, là không hề nhỏ. Thậm chí những người nổi tiếng, hay có vẻ là sẽ giàu có nhờ đầu tư vào các kênh này rao giảng trên mạng xã hội cũng tác động tâm lý đến mọi người.

Suy cho cùng chúng ta cũng chỉ là con người và có cảm xúc. Câu chuyện của Druckmiller cho thấy đến cả những nhà đầu tư sành sỏi, đại gia nhà giàu cũng có lúc không khống chế được bản thân trước FOMO.

Thậm chí câu chuyện FOMO này đã được các nhà đầu tư biết rất rõ từ vô vàn những bài học trước đó, nhưng chẳng ai có thể tránh được cảm xúc cám dỗ khi chứng kiến người khác làm giàu còn mình thì không. Thập niên 1990, hàng loạt các hãng viễn thông được đầu tư tiền trong cơn sốt công nghệ và rồi hầu hết chúng đều phá sản sau đó. Đầu thập niên 2000, cơn sốt bất động sản thế chấp tăng mạnh nhưng chả ai muốn ngồi ngoài cuộc chơi dù biết thị trường đã quá nóng, thế rồi khủng hoảng 2008 nổ ra để lại cả một thế hệ mất mát.

Vậy nhưng những bài học này chẳng đủ thấm thía. Những tay đầu cơ trẻ ngày nay thậm chí ưa thích lướt sóng đánh bạc khi đổ toàn bộ tài sản, thậm chí là vay mượn để cầu mong đổi đời sau 1 đêm từ những cơ hội đầu tư. Số liệu của Bloomberg cho thấy tỷ lệ mở tài khoản mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng vọt thời gian gần đây và đương nhiên, những vụ xì hơi trắng tay cũng diễn ra thường xuyên hơn.

Thế nhưng người ta vẫn mờ mắt vì lợi nhuận và sợ bỏ lỡ cuộc chơi. Tại những thị trường như Bitcoin, liên tiếp những vụ đổ vỡ không khiến người chơi rút kinh nghiệm mà lại càng kéo mọi người tham gia đánh bạc tài sản của mình vào đó, đẩy giá tiền số này vượt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Dù sự thật rằng chẳng một chính phủ nào muốn mất hoàn toàn sự độc quyền tiền tệ vào tay Bitcoin, nhưng người chơi vẫn cứ đâm đầu.

Theo Bloomberg, việc Mỹ giữ lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế trong mùa dịch đã thúc đẩy mọi người đổ vào các kênh đầu tư. Báo cáo của Attom Data Solutions cho thấy lợi nhuận gộp bình quân cho mỗi hợp đồng nhà tại Mỹ đã lên tới 66.000 USD.

FOMO - Hội chứng lý giải nguyên nhân người người, nhà nhà lao vào chơi chứng khoán, tiền số: Nỗi sợ người khác giàu nhanh hơn mình, sợ bỏ lỡ cơ hội - Ảnh 3.

Tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Mỹ

Đại dịch Covid-19 khiến người dân phải ngồi nhà với đống tiền tiết kiệm và thu nhập bị suy giảm, khiến họ hướng đến mảng đầu cơ trực tuyến. Những ứng dụng chơi tiền số, đầu tư cổ phiếu hay giao dịch vàng không thu phí, những nhóm chat mạng xã hội về cách đầu cơ hay những quỹ ETF khiến canh bạc làm giàu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Một thế hệ trẻ muốn giàu nhanh

Những nhà đầu cơ tiền số có thể theo dõi biến động thị trường trên ứng dụng, mạng xã hội hay bất cứ nơi đâu. Họ cảm giác mình đang đầu tư, sắp đổi đời và ngồi trên đống tài sản ảo. Thế nhưng chẳng ai quan tâm số tiền lời đó đến từ những người chơi thua cuộc và tạo nên những thảm cảnh gì.

Theo Bloomberg, thị trường tài chính hiện nay đang dần thay đổi. Giới chuyên gia tài chính từng trở thành cố vấn tin cậy cho mọi người thì nay trở thành tay mơ trong giới tiền số, bởi chẳng phải ai cũng hiểu rõ về công nghệ này.

Thế rồi các ngân hàng vốn là chuyên gia tư vấn cho những doanh nghiệp trong kinh doanh thì nay phải đối mặt với các hãng công nghệ gọi vốn được hàng tỷ USD khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng mà chưa thực sự có lợi nhuận nào.

Điều trớ trêu là chẳng phải ngân hàng nào cũng hiểu những hãng công nghệ này đang làm gì và nên định hướng ra sao trong tương lai.

CEO Edmund Shing của BNP Paribas Wealth Management cho biết thị trường tài chính hiện đang biến đổi rất nhanh bởi 3 yếu tố. Đầu tiên là chính sách kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương với lượng cung tiền rất lớn ra thị trường.

Tiếp đó là khoản tiết kiệm của hộ gia đình chưa tiêu được trong mua dịch mà theo thống kê nhiều hơn 5,4 nghìn tỷ USD so với trước dịch Covid-19. Cuối cùng là việc cả một thế hệ trẻ mong muốn được làm giàu nhanh hơn là phải tích góp và kiên trì xây dựng như những thế hệ trước.

FOMO - Hội chứng lý giải nguyên nhân người người, nhà nhà lao vào chơi chứng khoán, tiền số: Nỗi sợ người khác giàu nhanh hơn mình, sợ bỏ lỡ cơ hội - Ảnh 4.

Trên thực tế, việc ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp không có cơ hội việc làm đã khiến nhiều bạn trẻ tìm kiếm con đường đổi đời nhanh. Tại Mỹ, tổng nợ học phí của người đã tốt nghiệp lên tới 1 nghìn tỷ USD kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 cho thấy giới trẻ nơi đây thực sự bế tắc. Thế rồi những câu chuyện làm giàu nhanh của giới khởi nghiệp, trở thành tỷ phú khi mới ngoài 20-30 sau khi bán startup hay của những doanh nhân trẻ giàu có sau 1 đêm nhờ đánh bạc đúng thời cơ đã thu hút mọi người.

Cơ hội việc làm ít, giá nhà tăng cao, nợ nần chồng chất, liệu giới trẻ có thể cưỡng lại sức hút giàu nhanh trên thị trường tiền số hay chứng khoán không khi ngay cả những tỷ phú như Drunkenmillers cũng mắc sai lầm?

Hãng tin Bloomberg cho rằng việc thị trường tiền số từ mức sụt giảm 80% giá trị năm 2018 lên đỉnh kỷ lục năm 2021 cùng giá cổ phiếu và bất động sản đã khiến nhiều bạn trẻ giàu nhanh và cũng khiến nhiều người tiếc nuối, qua đó làm gia tăng hội chứng FOMO.

Bên cạnh đó, việc nhiều người thất nghiệp ngồi nhà buồn chán với khối tiền tiết kiệm và nhu cầu kiếm thêm thu nhập mùa dịch cũng thúc đẩy người chơi tiền số. Thế nhưng chuyên gia đầu tư Jack Bogle đã từng cảnh báo: "Nếu bạn đầu tư chỉ để có hứng thú thì bạn đúng là kẻ ngốc".

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025