Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Fomo - Nanh vuốt của những nỗi sợ bỏ lỡ

17/06/2021 08:30
Đừng sợ lỡ cuộc chơi: Fomo - Nanh vuốt của những nỗi sợ bỏ lỡ

Đừng sợ lỡ cuộc chơi không chỉ cho người đọc thấy được Fomo thật sự là gì, nó ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của chúng ta, mà còn chỉ ra con đường để có thể chiến đấu lại với nanh vuốt sắc bén của nó.

Có lẽ chúng ta không còn mấy ai xa lạ với thuật ngữ “Homo Sapiens” nổi tiếng mà giờ đây, toàn nhân loại đang nhắc đến với vẻ chưa hết kinh ngạc. Sự thật cho thấy chúng ta là những Homo Sapiens - Người tinh khôn, chủng người thống trị trái đất từ những thuở hồng hoang. Nhưng bạn đã bao giờ nghe người ta nhắc đến một thuật ngữ có vẻ mới mẻ hơn: FOMO Sapiens chưa? Nếu câu trả lời là chưa, hoặc bạn đã nghe đến nó nhưng vẫn mơ hồ không hiểu nó có ý nghĩa gì, thì cuốn sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi của tác giả Patrick J. McGinnis sẽ mở ra cho bạn một bức tranh toàn cảnh, và cả từng mảng màu tạo nên khái niệm FOMO ấy. 

Nếu bạn là một người hay dạo nghe các kênh podcast trên Spotify, có thể bạn đã bắt gặp cái tên Patrick quen thuộc này gắn liền với kênh podcast nổi tiếng: FOMO Sapiens. Patrick J. McGinnis là nhà văn, diễn giả và cũng là một nhà đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, Patrick cũng là người sáng lập kiêm người dẫn chương trình của kênh podcast FOMO Sapiens. Ông chính là cha đẻ của thuật ngữ FOMO, viết tắt của cụm từ “Fear Of Missing Out” (tạm dịch: Nỗi sợ bỏ lỡ). Thuật ngữ FOMO ấy đã được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford vào năm 2013. Với bộ não tuyệt vời của mình, ông không chỉ nghĩ ra thuật ngữ FOMO, mà còn nghĩ ra một người anh em khác với sức mạnh khủng khiếp hơn, đó là FOBO, hay còn gọi là Nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn (Fear Of a Better Option). 

Trong những trang đầu tiên của cuốn sách, Patrick đã có đôi dòng về bản thân mình:

Tôi là Patrick J. McGinnis, người đầu tiên được biết đến dưới cái tên FOMO sapiens. Tôi nhận ra điều này lần đầu vào thập niên 2000, Khi vừa tốt nghiệp đại học. Nhưng mặc dù là người đầu tiên, chắc hẳn tôi không phải là người cuối cùng của loài người mới mẻ và lạ kỳ này. Ngày nay có đến hàng trăm triệu, nếu không muốn nói là hàng tỷ FOMO sapiens. 

Cuốn sách này nói về điều gì?

Cuốn sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi được chia thành bốn phần theo một mạch tư duy khá logic. 

  1. Hai phần đầu tiên sẽ giải thích cặn kẽ giúp bạn hiểu thế nào là FOMO và FOBO, điều gì dẫn đến FOMO và FOBO, giúp bạn hiểu những nỗi lo sợ này có thể ảnh hưởng đến nghề nghiệp, công việc và cuộc sống của bạn như thế nào. 

  2. Ở phần thứ ba, tác giả sẽ đưa cho bạn những công cụ chiến đấu với nỗi sợ ấy. 

  3. Cuối cùng, ở phần thứ tư, Patrick sẽ giúp bạn thay đổi cách nhìn, cách suy nghĩ về FOMO và FOBO, từ đó tái định hình và tận dụng chúng nhằm đem lại lợi ích cho chính bản thân. 

FOMO là gì?

Để hình dung đầy đủ hơn về nội dung cuốn sách hướng tới, tôi nghĩ trước tiên chúng ta cần phải hiểu về khái niệm thuật ngữ FOMO, một danh từ được nhắc đến với tần suất dày đặc xuyên suốt cuốn sách. Cuốn sách đã đề cập đến định nghĩa của FOMO trong từ điển như sau:

FOMO

/ˈfōmō/ Danh từ. Thông tục.

    1. Cảm giác lo lắng không mong muốn vì nghĩ rằng người khác đang có những trải nghiệm thú vị hơn bạn và mong muốn đó thường bị khuếch đại bởi các trang mạng xã hội.

    2. Áp lực xã hội vì nhận thấy rằng bạn sẽ bỏ lỡ hoặc bị loại khỏi một trải nghiệm chung tích cực hoặc đáng nhớ.

Trên thực tế, định nghĩa đầu tiên xuất hiện trong từ điển Urban (Từ điển thành ngữ thông tục và tiếng lóng). Đó chính là nơi đã làm nên tên tuổi của FOMO trước khi nó được đưa vào từ điển Oxford. Sau đây chính là định nghĩa đó:

“nỗi sợ bỏ lỡ”

Cảm giác lo lắng rằng nếu bạn không tham dự một bữa tiệc hoặc sự kiện nào đó, thì bạn sẽ bỏ lỡ điều gì đó rất tuyệt vời. 

Ví dụ: Mặc dù đã kiệt sức, nhưng FOMO đã khiến John cố gắng hết sức đến tham gia bữa tiệc

Sau khi đọc cuốn sách, tôi nhận thấy khi chúng ta có cảm giác FOMO, có nghĩa là trái tim chúng ta đang thúc đẩy bản thân hãy cải thiện tình trạng của mình. Về cốt lõi, bản chất FOMO là sự khao khát, bắt nguồn từ việc tìm kiếm bất kỳ thứ gì lớn hơn và có triển vọng hơn so với hoàn cảnh hiện tại. Tuy nhiên, để có cái nhìn rõ ràng hơn về FOMO, tôi nghĩ việc đọc định nghĩa đơn thuần là không đủ. Chúng ta cần phải nhìn thấy sự hiện diện của nó trong thế giới thực tại này, để hiểu rằng nó đang thâm nhập sâu và ăn mòn ta như thế nào. Trong cuốn sách, tác giả đã đưa ra được những lập luận kèm dẫn chứng sâu rộng cho thấy FOMO hiện diện và len lỏi khắp mọi mặt của cuộc sống từ lĩnh vực sinh học, văn hóa đến công nghệ.

#1: Sinh học

Xét trên quan điểm sinh học thần kinh, con người bẩm sinh đã có cảm giác FOMO. Thời xa xưa, tổ tiên của chúng ta, Homo habilis and Homo erectus sống bằng nghề săn bắn và hái lượm trong các bộ lạc. Họ biết mình đang có những gì và thiếu những gì cho ngày hôm sau. Thời đó, bạn sẽ phải trả giá nếu mắc chứng hoang tưởng. Nếu bạn cứ lượn lờ xung quanh các đồng loại Hominid (vượn người) và bỏ lỡ nguồn thức ăn nước uống hoặc nơi trú ẩn quan trọng, cuộc sống của tất cả các bạn có thể bị đe dọa. Đồng thời, người tối cổ nhận ra rằng một yếu tố khác chi phối sự sống còn của họ là phải liên tục tham gia vào các nhóm giúp họ định hướng nguồn lương thực và hố trú ngụ trong môi trường sống khắc nghiệt thời đó. Nếu bị loại khỏi nhóm hoặc lạc mất luồng thông tin quan trọng, bạn sẽ gặp nguy hiểm. Bạn biết mình cần phải sống theo bầy đàn - bạn cần hòa nhập - để chiếm ưu thế trong cuộc chiến sinh tồn của những kẻ thích nghi tốt nhất. Nếu không có FOMO, toàn bộ loài người chúng ta có thể đã phải tuyệt chủng!... FOMO bắt nguồn từ một mong muốn sơ khai của con người là được thuộc về một nhóm nào đó.

#2: Văn hóa  

Chúng ta hãy cùng xem xét Sách Sáng Thế trong Kinh Thánh. Câu chuyện bắt đầu từ buổi bình minh của nhân loại, khi Adam và Eva đang tận tâm chăm sóc Vườn Địa Đàng cà theo lời răn của Chúa Trời, họ tuyệt đối không được ăn quả của Cây Trí Tuệ. Thời gian trôi đi êm ả, họ sống ở một thiên đường trần thế cho đến khi con rắn xuất hiện và thuyết phụ Eva ăn trái cấm. Nó dụ dỗ Eva bằng những lý do khó có thể chối từ - loại trái đó trông rất đẹp mắt, nếu Eva ăn nói, cô sẽ biết cách phân loại điều thiện và điều ác giống như Chúa Trời. Eva đã đầu hàng trước cám dỗ và bị trục xuất khỏi Vườn Địa Đàng. Đối với Eva, đây chính là cái giá phải trả vì đã bị cảm giác FOMO lôi kéo

#3: Công nghệ

Ngày nay, internet chính là nguyên nhân gây ra FOMO. Nó kiểm soát bạn.

Điều gì đã thay đổi? Về cơ bản, có ba lực tác động mạnh mẽ đã sắp xếp lại các mối quan hệ giữa con người với công nghệ và giữa con người với nhau, thay đổi cách chúng ta  tiếp nhận thông tin và làm trỗi dậy bản năng nguyên thủy đã biến FOMO thành một phần trong tâm lý con người. Thức nhất, chúng ta sống trong một thời đại không ngừng tiếp cận thông tin. Thứ hai, cuộc sống của chúng ta bị thay đổi do sự gia tăng các siêu đa liên kết mà sự phát triển của mạng xã hội tạo ra. Thứ ba, tất cả thông tin và khả năng đa liên kết này khiến bạn dễ dàng so sánh bản thân với người khác, dù họ sống ngay cạnh nhà bạn hay cách bạn nửa vòng trái đất. Hậu quả là nỗi sợ so sánh trở nên đặc biệt nguy hiểm trong hoàn cảnh thế giới mạng xã hội bị kiểm soát chặt chẽ.

Sức ảnh hưởng của FOMO lên đời sống con người

Sẽ thế nào nếu bạn nhận ra rằng chính mình cũng đang bị thứ gọi là FOMO điều khiển sau khi đọc cuốn sách này nhỉ? Chính tôi cũng đã nhận ra mình đang rơi vào cái bẫy FOMO và muốn vùng vẫy thoát ra khỏi nó. Hóa ra bấy lâu nay tôi cứ như con kiến leo cành đa cộc, quẩn quanh trong vòng tròn FOMO, giãy giụa nhưng không thấy lối thoát. Bạn biết tại sao tôi lại nói như vậy không? Hãy đọc đoạn trích từ cuốn sách này dưới đây:

Tất cả chúng tôi đều bận rộn để chắc chắn rằng mình không tụt lại phía sau. Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian và năng lượng vào những thứ không thật sự phản ánh những mối ưu tiên của bản thân. Thay vì làm những việc giúp mình hạnh phúc hơn, chúng tôi lại bắt chước việc mà ai cũng làm. Hành vi này xuất phát từ suy nghĩ rất nông cạn: Nếu gật đầu với tất cả, bạn sẽ chẳng cần phải cân nhắc thứ gì.

Hoặc một đoạn trích khác có vẻ tường minh hơn:

Một dịch bệnh đã tấn công các chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hàng đầu nước Mỹ. Tại Trường Kinh doanh Harvard, nó được gọi là FOMO: nỗi sợ bỏ lỡ. Các triệu chứng của nó bao gồm cảm giác bất lực triền miên khi không thể từ chối tham gia tiệc tùng, các bữa ăn tối hoặc cuộc liên hoan nào có sự góp mặt của những nhân vật có thể tăng thêm giá trị cho mạng lưới quan hệ xã hội của những người tham gia, với bất cứ giá nào.

Liệu bạn có phải là HOMO sapiens chính hiệu?

Tôi nghĩ hẳn là bạn có thể nhìn thấy bóng dáng bản thân ẩn nấp đâu đó trong hai đoạn trích trên nhỉ? Có lẽ bạn đã hiểu phần nào về sức ảnh hưởng của FOMO lên đời sống ra sao rồi. Sau khi biết về FOMO qua cuốn sách, dường như tôi nhận ra nó nhan nhản trong cuộc sống của tôi và bạn bè đến nỗi bạn có thể dễ dàng giơ tay ra và túm lấy được một nắm vậy. Bạn có nghĩ bản thân mình cũng “dính dáng” tới thuật ngữ này không? Liệu rằng bạn có phải là một HOMO sapiens chính hiệu? Nếu bạn tò mò muốn biết mình có phải HOMO sapiens hay không, hãy đọc cuốn sách này. Thật sự đấy, nó sẽ giúp bạn đưa ra câu trả lời thỏa đáng bằng những bằng chứng khoa học thực sự chứ không phải là thứ lý thuyết suông. Tôi đã làm rồi, và tôi biết mình “đã từng” là một HOMO sapiens.

Dù thế nào thì đừng lo lắng quá, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát được các quyết định của mình cơ mà, và khi làm vậy, bạn có thể vô hiệu hóa FOMO. Nhưng từ từ bạn tôi ơi, có lẽ bạn không chỉ đối mặt với một nỗi sợ không thôi đâu.

Còn có một FO khác.

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên, nhưng FOMO không phải là thủ phạm duy nhất chi phối quyết định của bạn. Cuốn sách còn đề cập đến một FO (Fear of) khác, FOBO tức Fear of a Better Option (nỗi sợ còn có lựa chọn tốt hơn). Tôi khá chắc về việc bạn đã từng nhiều hơn một lần phải tốn khá nhiều thời gian để cân nhắc giữa hai lựa chọn hoàn hảo. FOBO chính là lối suy nghĩ khuyến khích bạn cố chọn lấy “điều tốt nhất” khi phải đối diện với việc đưa ra quyết định. FOBO sẽ khiến bạn sống trong thế giới đầy sự phân vân thay vì dứt khoát. Sống như vậy hẳn là chẳng dễ chịu gì. Và tôi nghĩ, căn nguyên của cả hai nỗi sợ này, chính là nằm ở việc quá thiếu tính quyết đoán. Để hiểu một cách học thuật hơn về thuật ngữ FOBO này, cuốn sách có trích dẫn định nghĩa như sau:

FOBO

Danh từ. Thông tục

    1. Cảm giác lo lắng thôi thúc bạn nắm bắt một điều gì đó tốt hơn vì bạn cho rằng có thể tồn tại một phương án thay thế hoặc chọn lựa có triển vọng hơn.

    2. Cảm giác thôi thúc bảo toàn giá trị của tất cả phương án dẫn đến việc trì hoãn ra quyết định hoặc ngưng thực hiện vô hạn định.

    3. Hành vi biến bạn thành một kẻ khó ưa.

 

Bạn có thể đọc một trích đoạn trong cuốn sách để hình dung rõ hơn về thuật ngữ FOBO có vẻ giản đơn nhưng lại đáng sợ này.

Tôi thấy cuộc sống mở ra trước mắt mình như cây sung xanh… Từ mỗi nhánh cây, một tương lai tuyệt vời vẫy gọi và nháy mắt với tôi tựa như quả sung tím tròn trĩnh… Một quả là mái ấm gia đình với người chồng và những đứa trẻ, một quả là nhà thơ nổi tiếng, một quả là giáo sư kiệt xuất. Quả này là Ee Gee, biên tập viên xuất sắc. Quả nọ là châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ. Một quả nữa là Constantin, Socrates, Attila và một nhóm những người tình khác với cái tên kỳ quặc và nghề nghiệp khác thường. Một quả khác là nữ vận động viên vô địch Olympic. Không những thế, trên những quả này còn nhiều quả nữa mà tôi không thể kể ra hết được. Tôi ngồi giữa các nhánh cây ấy, đói rã ruột vì không thể quyết định nên chọn quả nào. Quả nào tôi cũng muốn, nhưng chọn một quả là mất tất cả những quả còn lại. Và trong lúc tôi ngồi đó chần chừ không quyết định, những trái sung bắt đầu nhăn lại, biến thành màu đen, rồi từng trái một rơi phịch xuống đất, ngay cạnh chân tôi.

Lối thoát nào cho ta?

FOMO và FOBO thâm nhập vào đời sống mọi người, vào nền văn hóa đại chúng bởi thế giới hiện đại. Nhưng sự thật là FOMO và FOBO đã ra đời rất lâu trước cả khi điện thoại thông minh được phát minh và tồn tại cho đến ngày nay. Đã đến lúc bắt tay vào hành động ngay nếu bạn cảm thấy bản thân mình đâu đó hiện diện với cái tên FOMO hay FOBO. Bước đầu tiên là bạn phải thừa nhận bạn đang gặp vấn đề. Bước thứ hai chính là nỗi khát khao chấm dứt tình trạng méo mó hiện tại mà FOMO hay FOBO gây ra. Và cuối cùng, là đọc cuốn sách Đừng sợ lỡ cuộc chơi này.

Giống như bất kỳ hành vi gây nghiện nào - cả FOMO và FOBO đều có tính gây nghiện rất cao… Nếu bạn thấy như thể mỗi ngày mình phải đưa ra đến hai mươi quyết định thay đổi cuộc đời thì rõ ràng đang có vấn đề gì đó. Trừ khi bạn đang điều hành một đất nước hay chữa trị cho các bệnh nhân mắc bệnh nan y, còn không thì bạn đừng nên khiến cho cuộc sống trở nên phức tạp như thế. Bạn đang phí phạm thời gian, năng lượng và suy nghĩ cho những thứ không thật sự quan trọng.

Kết

Sau khi đọc cuốn sách, tôi nghĩ chìa khóa để giải quyết FOMO và FOBO chính là sự quyết đoán. Tuy vậy, mỗi người lại có một sự tiếp cận và xây dựng tính quyết đoán khác nhau. Bạn có thể đọc cuốn sách để tìm lối đi riêng cho bản thân mình, phá giải được phong ấn FOMO và FOBO trong tâm thức, sống một cuộc đời trọn niềm vui. Tin tôi đi, khi bạn đã kiểm soát được hai nỗi sợ đó trong người, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này dễ thở hơn nhiều. Đừng sợ lỡ cuộc chơi của Patrick J. McGinnis là cuốn cẩm nang không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn thực sự sống hết mình từng giờ từng khắc thay vì lãng phí thời gian quý báu để ngồi do dự. Hãy quay ngược vào bên trong, và chăm sóc vết thương của mình.

Review chi tiết bởi: Bạch Lộ - Bookademy


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024