Đừng sợ lỡ cuộc chơi - Đừng để nỗi sợ bị bỏ lỡ quyết định cuộc đời của bạn

07/09/2021 08:30
Đừng sợ lỡ cuộc chơi - Đừng để nỗi sợ bị bỏ lỡ quyết định cuộc đời của bạn

Bạn đã bao giờ cảm thấy áp lực khi vô tình trông thấy những bức ảnh thú vị mà bạn bè, người thân đăng trên mạng xã hội chưa? Bạn có thể nhận thấy một cảm giác dấy lên trong mình, có lẽ gọi tên chính xác nhất là: một nỗi bất an.

Bạn cảm thấy trong khi mình đang nghịch điện thoại thì tất cả những người quanh bạn đang sống một cuộc sống thú vị, sôi nổi, thành công. Cảm giác này được gọi là FOMO (viết tắt của cụm từ Nỗi sợ bỏ lỡ - Fear of Missing Out), và những ảnh hưởng của nó đang lan rộng.

Cuốn sách “Đừng sợ lỡ cuộc chơi” được viết bởi Patrick J. McGinnis, bàn về bản chất của FOMO và cách mỗi người có thể thoát khỏi nỗi sợ này để sống một cuộc đời thanh thản, tự do. Người đọc có cơ hội hiểu nguyên do của nỗi sợ đang đeo bám ta hàng ngày, dưới con mắt tỉnh táo của xã hội học, sinh học và tâm lý học.

Từ thế hệ Millennials xây dựng thương hiệu số của bản thân

FOMO vẫn luôn là một phần của tâm lý con người từ khi bạn sinh ra cho đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”. Nếu bạn từng cố gắng dỗ dành con mình đi ngủ trong khi chúng còn muốn thức hay cố vòi cho bằng được chiếc điện thoại trong tay ông bà, thì hẳn bạn biết tôi đang nói về điều gì rồi đấy. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết sự chú ý lại chỉ tập trung vào thế hệ Millennials (thế hệ thiên niên kỷ).

Năm 2011, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt về FOMO do công ty quảng cáo toàn cầu J. Walter Thompson thực hiện cho thấy 72% người trưởng thành thuộc thế hệ Millennials nhận thấy bản thân có liên quan đến khái niệm này, trong khi 41% thỉnh thoảng hoặc thường xuyên trải nghiệm FOMO.

Mặc dù nghiên cứu trên được tiến hành vào thời điểm được cho là FOMO chưa xuất hiện nhiều như ngày nay (các ứng dụng như Instagram, Snapchat, Tinder, hay Facebook thậm chí còn chưa tồn tại!), nhưng ý nghĩa đã quá rõ ràng. Tôi gọi nhóm người này là Thế hệ FOMO – đại diện cho làn sóng đầu tiên của những cư dân mạng chân chính.

Hầu hết thế hệ Millennials chẳng bao giờ biết được cuộc sống trước khi có internet là như thế nào, nên có thể họ sẽ sống cả đời trong một thế giới trực tuyến. Họ trở thành nhân vật thí nghiệm đầu tiên cho mỗi sản phẩm số thu hút thị hiếu, từ Yik Yak, Tumblr, Vine đến TikTok, cùng tất cả trang web hoặc ứng dụng khác mà cha mẹ họ không bao giờ hiểu nổi.

Những năm thiếu niên vụng về, những năm đại học vô tư lự và hầu hết mọi khía cạnh khác trong cuộc sống đều được họ chia sẻ lên mạng. Một cách hết sức tự nhiên, họ trở thành chuyên gia trong việc xây dựng thương hiệu số của bản thân để tăng tối đa lượt “like” và cố gắng hết sức để trau chuốt hình ảnh sao cho thật hoàn hảo.

Dù thế hệ Millennials có thể thu hút mọi sự chú ý nhưng rõ ràng họ không phải là những người duy nhất làm vậy. Một nghiên cứu tương tự của J. Walter Thompson nhận thấy hơn một nửa thế hệ Gen X (những người sinh ra trong khoảng thập niên 1960 đến thập niên 1970) và một phần ba thế hệ Baby Boomers (thời bùng nổ dân số 1946 - 1964 tại Mỹ) vẫn có thể gặp phải FOMO.

Kết luận trên sẽ trở nên hợp lý nếu bạn nhớ lại rằng FOMO hoàn toàn liên quan đến việc ra quyết định. Dù bạn tin hay không thì những nỗi lo âu đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện ngay từ thời thơ ấu. Khi bạn nhận thức được thế giới xung quanh và bắt đầu cảm nhận tất cả cơ hội mà nó mang lại, thì bạn cũng ý thức được những hạn chế của bản thân và sự thiếu tự chủ của mình nói chung.

Đến cuộc sống do bạn lựa chọn

Bạn không được quyết định thời gian đi ngủ, không được tự chọn thức ăn và cũng không có những quy tắc riêng. Tình trạng ép buộc đó kéo dài suốt thời thơ ấu cho đến tuổi vị thành niên, khi bạn bắt đầu nếm trải cảm giác tự do – mặc dù vẫn còn bị giới hạn, trừ khi bạn là kẻ bất trị hoàn toàn. Cuối cùng, khi bước vào ngưỡng cửa trưởng thành, bạn rời khỏi nhà của cha mẹ (hoặc vẫn ở chung) và bắt đầu sống theo lựa chọn của mình.

Viễn cảnh sống tự lập vô cùng hấp dẫn nhưng cũng rất áp lực, đặc biệt khi bạn bị cuốn theo tâm lý so sánh bản thân với tất cả những người mà bạn mới gặp, những người có xuất thân và trải nghiệm đa dạng nên cuộc sống của họ dường như thú vị hơn so với bạn. Việc phải làm thì rất nhiều nhưng thời gian lại quá ít, vì vậy, bạn cố gắng ôm hết tất cả và chuốc lấy thất bại.

Lối suy nghĩ “You only live once” (YOLO nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần trên đời"), vốn đã ăn sâu vào tâm trí lại tiếp tục đeo bám bạn những năm sau đại học, và nếu hiểu theo nhiều cách, đó là quãng thời gian đại học kéo dài. Bạn bè, đồng nghiệp vẫn ở xung quanh bạn nên bạn càng dễ dàng so sánh với họ và nhận lời mời đến các cuộc vui chơi hay phiêu lưu. Đây là thời điểm bạn dễ bị cám dỗ nhất nếu ngừng suy nghĩ một cách chủ động mà bắt đầu quyết định dựa trên tất cả tín hiệu bên ngoài do môi trường xung quanh tạo ra.

Sau khi đạt đỉnh điểm trong giai đoạn từ khi còn nhỏ cho đến giữa tuổi trưởng thành, cảm giác FOMO thường giảm dần từ giữa cho đến cuối thời trưởng thành. Vào khoảng thời gian này, bạn tất bật với công việc lẫn chuyện gia đình hơn bao giờ hết, bạn ít có thời gian hơn để suy nghĩ về những thứ mình đang bỏ lỡ và cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Nếu bạn lang thang ở ngoài cả đêm thì nhất định sẽ thấy hậu quả ngay ngày hôm sau.

Thêm vào đó, sự bất cân xứng thông tin – nguyên nhân gây ra FOMO – đã không còn tác động mạnh mẽ như trước. Bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống nên khi những cơ hội mới vụt qua, bạn ý thức được mình sẽ bỏ lỡ những gì. Nhờ vậy, bạn tiến lên phía trước dễ dàng hơn nhiều, chỉ cần chọn thứ nào ý nghĩa nhất và bỏ qua những thứ còn lại. Bạn có thể thở phào nhẹ nhõm rồi đấy. Cuộc đấu tranh đã kết thúc, phải không?

Ngay cả khi bạn nghĩ FOMO đã qua đi thì nó vẫn có thể hồi sinh mạnh mẽ trong những giai đoạn sau của cuộc đời. Đầu tiên, bạn có nguy cơ gặp khủng hoảng ở tuổi trung niên. Sau nhiều năm trời cặm cụi sống và làm việc, cuối cùng, bạn cũng ngước nhìn lên và nhận ra rằng: Giờ đây, khoảng thời gian bạn bỏ lại phía sau đã dài hơn số năm tháng mà bạn còn lại để sống. Sự háo hức mua quần jeans bó sát và chiếc xe thể thao xa hoa cho bằng bạn bằng bè đã nói lên tất cả. Rồi khi về hưu, bạn có nhiều thời gian rảnh hơn và cần phải làm gì đó để lấp đầy thời gian trống. Bạn cũng nhận thức rõ hơn về cái chết và thực tế là bạn không thể sống mãi để làm hết tất cả những gì mình muốn.

Từ lúc này, các lựa chọn của bạn sẽ dần bị hạn chế. Nếu bạn mơ ước được một lần trong đời tới Ấn Độ hoặc đưa các cháu của mình đến Disneyland, hãy làm ngay bây giờ, khi sức khỏe vẫn còn cho phép.

Dù thật đáng buồn nhưng bạn biết rằng đến một lúc nào đó, bạn sẽ lại phải tuân theo các quy tắc do người khác đặt ra, giống hệt như khi bạn còn nhỏ. Đó có thể là con cái đã trưởng thành hoặc người chăm sóc bạn. Họ điều khiển cuộc sống và bạn sẽ không còn giữ quyền kiểm soát. Bây giờ hoặc không bao giờ./.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 3, 19/03/2024