Những người nổi tiếng sẽ thao túng bạn
Khi bạn còn là một đứa trẻ, bố mẹ, thầy cô và nền văn hóa đại chúng không ngừng nhắc nhở bạn hãy là chính mình, hãy tìm ra con đường của riêng mình và đừng bao giờ đầu hàng trước áp lực từ bạn bè đồng trang lứa.
Đó cũng là chủ đề trong mọi bộ phim hoạt hình Disney. Dù là Ariel trong “Nàng tiên cá”, Belle trong “Người đẹp và quái vật” hay Miguel trong phim hoạt hình “Coco”, hành trình của các nhân vật chính luôn đòi hỏi họ vượt qua những người cản trở, phá vỡ khuôn khổ và học cách sống đúng với cá tính của mình.
Có lẽ mẹ bạn thường là người nhắc nhở bạn về thông điệp “hãy có chính kiến” qua một câu hỏi mà ai cũng biết rồi đấy: “Nếu thấy người ta nhảy cầu thì con cũng sẽ nhảy theo à?”. Để là chính mình cần rất nhiều sự can đảm nhưng bạn luôn ghi nhớ thông điệp đó. Bạn nỗ lực để được là chính mình dù nhiều khi mọi chuyện không hề dễ dàng. Bạn đã học được rằng sống khác người một chút để làm điều mình thích vẫn có thể chấp nhận được.
Nhưng trái ngang thay, nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO - Fear of Missing Out) có thể khiến mọi nỗ lực của bạn “đổ sông đổ biển”. Trước khi nhận ra điều đó, bạn đã quay lại bầy đàn của mình, nơi mà bạn đã rất vất vả để thoát ra. Chỉ có điều ngay lúc này cái giá phải trả thậm chí còn cao hơn. Nếu như những năm tháng thiếu niên bạn biến thành con mồi của những kẻ thích đùa giỡn và đội trưởng đội cổ vũ thì bây giờ, chính các công ty, người nổi tiếng và những người có tầm ảnh hưởng sẽ thao túng bạn.
Thứ họ muốn là tiền, sự chú ý và những lượt “like” của bạn – và họ sẵn sàng chơi bẩn để có được chúng. Bạn nghĩ mình có phải là một người theo dõi không? Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng: Họ chắc chắn đã lôi kéo bạn theo dõi họ. Đó là vấn đề của việc chạy theo đám đông. Nó khiến bạn xao nhãng khỏi những việc nên làm mà tập trung vào những việc người khác đang làm. Nó cám dỗ bạn đưa ra những lựa chọn không sáng suốt và cản trở bạn dồn hết sức lực để đi theo con đường phù hợp nhất với khao khát của mình.
Kết cục tồi tệ nhất, đích đến thật sự bi thảm chính là lúc bạn cảm thấy FOMO một thứ mà bạn không thực lòng muốn có. Bạn được gợi ý từ ai khác, có thể là một người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội hay chỉ là một người quen có ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của bạn, khiến cho phán đoán hiện tại của bạn bị lung lay. Sau cùng, nếu bạn nhận được chính xác những gì mình muốn nhưng vẫn cảm thấy khổ sở thì quả là một kết cục khá kinh khủng. Chính vì vậy, để vô hiệu hóa FOMO thì giải quyết FOMO Khao khát thôi là chưa đủ. Trước khi bạn đưa ra bất kỳ Quyết định mang lại giá trị cao nào, bạn cũng phải tự hỏi mình thêm một câu: Liệu mình có thật sự muốn làm điều này không, hay là chỉ đang bắt chước người khác?
Đó là bài kiểm tra lòng trung thực của bạn. Nó duy trì sự thành thật, giữ cho bạn đi đúng hướng và đảm bảo rằng bạn không chạy theo ước mơ của người khác hay của đám đông. Nó gắn kết bạn với những giá trị và những điều bạn quan tâm nhất. Đôi khi, việc làm theo số đông có thể chấp nhận được nhưng bạn cần biết rõ mình đang làm gì và tại sao lại làm như thế.
Một phương pháp đã được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả nhằm giúp bạn không bị cuốn theo số đông là đừng bao giờ nghe theo nhóm người đó ngay lập tức. Nếu tất cả mọi người xung quanh bạn đều nhìn, hành động và suy nghĩ giống như bạn, thì bạn có khả năng đang nằm trong vùng nguy hiểm đấy. Dù bạn rất cố gắng đưa ra quyết định dựa trên hệ giá trị riêng nhưng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng từ những người nhìn nhận thế giới theo một cách giống hệt nhau. Kết quả là khuynh hướng suy nghĩ theo đám đông phổ biến có thể kéo bạn quay lại với bầy đàn mà bạn không hề hay biết. Đó là lý do tại sao việc tìm kiếm lời khuyên từ nhiều người khi đưa ra quyết định lại vô cùng quan trọng.
![]() |
Không phải tất cả FOMO đều xấu
Bây giờ, giả sử rằng để giải quyết FOMO Khao khát, bạn đã tiến hành thẩm định kỹ lưỡng, thu thập dữ kiện bằng cách nghiên cứu về cơ hội và trò chuyện với mọi người để lấp đầy những lỗ hổng trong phân tích của mình. Bạn cũng đã suy nghĩ cẩn thận về hàng loạt động cơ hình thành nên suy nghĩ nhằm chống lại FOMO Bầy đàn. Cuối cùng, bạn đã viết tất cả ra giấy và lưu một bản lên dữ liệu đám mây để làm tư liệu tham khảo trong tương lai. Tốt lắm! Đối với hầu hết Quyết định mang lại giá trị cao, bây giờ bạn đã có sự sáng suốt cần thiết để đưa ra một quyết định giàu sức thuyết phục. Tuy nhiên, giả sử bạn vẫn còn cảm thấy bế tắc thì nên làm gì bây giờ?
Mặc dù bạn thừa nhận mình vẫn còn bị tê liệt vì chưa dám quyết định, nhưng tình hình hiện tại của bạn đã khác xa so với trước khi bạn bắt đầu quá trình này. Bạn đã dành thời gian suy nghĩ về lý do căn bản, động lực của bản thân và thu thập các dữ kiện để hỗ trợ cho những kết luận của mình. Do đó, bạn đã loại bỏ được rất nhiều sự bất cân xứng thông tin và một mức độ rủi ro trong tình huống này.
Bạn sẽ không bao giờ có được thông tin hoàn toàn chính xác và cũng không thể dự đoán được tương lai, nhưng bạn đang nhìn nhận sự việc rất khách quan và có thể tin tưởng trực giác của mình. Lúc này, FOMO lại nhường chỗ cho tính trì trệ. Bạn mắc kẹt mà không vì lý do chính đáng nào và lối thoát duy nhất của bạn là bắt đầu hành động. Vì bạn đã cố gắng tìm ra lý do từ chối nhưng vẫn không thể tìm được một câu trả lời chính đáng nên hãy vui vẻ đồng ý. Đã đến lúc phải quyết định. Việc đưa ra bất kỳ quyết định nào cũng đòi hỏi bạn phải chấp nhận một mức độ rủi ro nằm trong dự tính và bạn có thể chấp nhận nó với một tâm thế thoải mái.
Khi tuân theo một quy trình ra quyết định nghiêm ngặt, bạn không chỉ đơn thuần chống lại FOMO mà đang lắng nghe, học hỏi từ nó, và rồi sau một quá trình suy nghĩ kỹ càng, bạn xác định được rằng lần này FOMO là một động lực mãi mãi. Cuộc sống luôn tồn tại rủi ro rằng mọi thứ sẽ không diễn ra đúng như quỹ đạo mà bạn mong muốn, nhưng đời là thế mà.
Và chính cuộc đời sẽ đưa đến một biện pháp giải quyết rủi ro nào đó. Điều quan trọng là bạn tự đưa ra quyết định của chính mình chứ không phải bị FOMO thúc đẩy. Bạn sẽ biết rằng chúng ta có thể khiến FOMO đem lại lợi ích cho mình bằng cách lắng nghe nó và dành thời gian theo đuổi những sở thích của bản thân.
Điều quan trọng cần nhớ là không phải tất cả FOMO đều xấu. Bạn thật sự học được rất nhiều điều từ FOMO nếu chịu khó “lắng nghe” nó. Suy cho cùng, FOMO thường xuyên thì thầm bên tai và cho bạn nhiều nguồn ý tưởng và cảm hứng đấy chứ.
"Đừng sợ lỡ cuộc chơi" (Fear Of Missing Out) của Patrick J. McGinnis