"Cụt chân! Cụt chân ơi! Xuống đây ăn nè…" - chị Thanh (46 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) vừa lắc chiếc lon guy gô (Guigoz) đựng mớ hạt đậu, vừa lớn tiếng gọi đàn chim theo lời đề nghị của tôi.
Chốc chốc trên những vòm cây cổ thụ còn đẫm nước mưa, từng tốp bồ câu chao lượn quanh bức tượng Nữ vương Hòa Bình rồi đậu xuống dưới thềm gạch. Con trắng muốt, con đen tuyền, con nâu thẫm có đeo vòng cổ cườm hoa… phải đến cả trăm con, thản nhiên leo lên cánh tay, bàn chân khách, thi nhau mổ đậu phát ra những tiếng chi chít, chi chít vui tai.
"Cụt chân à! Có khách muốn gặp con kìa…", chị tiếp tục gọi rồi quay sang lắc đầu: "Nó vậy đó! Từ hồi thương binh chỉ xuất hiện muộn, đợi tụi khác ăn xong mới tới lượt".
Cứ thế, hơn 10 năm nay, chị Thanh và nhiều người dân ở quanh Nhà thờ Đức Bà bỗng chốc trở thành "bảo mẫu" bất đắc dĩ của đàn bồ câu. Một điều đặc biệt hơn, ngày ngày họ cho chúng ăn, hiểu tính nết từng đứa, chăm nom như con, nhưng chưa bao giờ mảy may suy nghĩ sẽ sở hữu chúng. Và ngay cả khi tôi lên tiếng muốn viết bài báo tôn vinh công việc thầm lặng này, chị Thanh vẫn từ chối chụp ảnh, chỉ muốn viết về đàn bồ câu để người dân thành phố nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang.
Năm 2003, dịch cúm gia cầm bùng phát khiến nhiều người thành phố thả bồ câu ra ngoài trời. Ban đầu, thấy tội nghiệp nên dân cư ở khu vực Nhà thờ Đức Bà đã cho chúng ăn.
Sau khi số lượng đàn bồ câu tăng hơn 100 con, anh Cường (người bán bao thư dạo ở Bưu điện Thành phố) cùng vài người nữa đã nhận chăm sóc, nuôi nấng. Đến 2 năm trước, anh Cường đi tu, chị Thanh vẫn một mình chăm đàn bồ câu, bảo vệ chúng từ 7 giờ sáng cho đến khi trở về tổ nằm ngủ an toàn vào buổi tối.
"Hồi đầu tụi chị chỉ mua vài ba ký cho ăn, giờ thì mấy trăm ngàn lúa, đậu xanh. Chúng quen thân nên sinh sản xong, con tập bay là lại mang ra cho tụi chị. Riết hơn trăm con…" - chị kể.
Từ năm 2018, đàn chim ở Nhà thờ Đức Bà bỗng chốc nổi tiếng, thu hút hàng trăm dân địa phương và du khách dậy sớm đến chơi với chim, mua thóc cho chim ăn và chụp ảnh cùng chim. Vách tường cũ kỹ với hai tháp chuông vốn là địa điểm chụp ảnh quen thuộc, từ khi có đàn bồ câu, nhiều cô dâu chú rể lại có thêm tấm hình ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất đời người… Tất cả đều là một phần biểu trưng không thể thiếu của thành phố.
Rồi có lần thấy người TPHCM sao mà sống nhanh, thiếu vắng sắc màu cuộc sống, anh Cường và chị Thanh bèn bỏ tiền mua màu về vẽ lên đôi cánh. Ấy thế, đàn bồ câu được lên cả báo nước ngoài. Người thương khen đẹp, kẻ ghét bảo phá hoại, cả hai thì vẫn tặc lưỡi cười: "Làm thế để thành phố này nó thêm vui nhộn. Thứ hai, chúng có bị bắt, người ta biết có chủ mà sợ không dám mua. Vậy mà bớt bắt bồ câu…"
Từ khi nhận chăm sóc chúng, 365 ngày, chị Thanh đều có mặt ở bên hông Nhà thờ Đức Bà. Ấy vậy, đàn đàn bồ câu xem chị như mẹ. Tôi đã làm một phép thử, cầm chiếc lon guy gô "thần thánh" lắc gọi, nhưng nghe tiếng tôi chỉ lác đác vài con đói bụng chịu đáp xuống đất, còn nghe tiếng chị là khác hẳn.
Rồi hồi đợt dịch Covid-19 kéo dài, chị Thanh đâu lo lắng gì cho gia đình. Nghỉ việc khiến chị không còn nguồn thu nhập, mạnh thường quân gửi tặng 3 triệu đồng phụ giúp, thế là chị tức tốc lựa trước giờ thành phố đóng cửa chạy đi mua 300 kg lúa, chở ra nhà thờ nhờ người dân cho bồ câu ăn hộ.
"Nhà mẹ ở Bình Dương chị còn không dám về vì sợ bỏ rơi chúng. Nhất là mấy mùa bão, mưa dầm, biết du khách sẽ không thể ra đây nên chị vẫn đội mưa ra đợi, lắc hạt gọi chúng xuống ăn…"
Đồ nghề của chị gồm một bao thóc, một bao đậu xanh, thùng nước cho chim tắm, đôi khi là cả thuốc và dụng cụ xử lí vết thương khi chim gặp nạn. Chị Thanh bảo, đàn bồ câu làm đẹp thành phố, nhưng người thì cũng có tốt có xấu. Ai tốt thì phụ cho chim ăn, nhưng kẻ xấu là chỉ đợi "hở cơ" sẽ bẫy, bắn chim.
Như con "cụt chân" chị yêu quý, trước đây nó vẫn là chú chim lành lặn. Mẹ sinh xong, tới tuổi tập bay là đã dẫn ra hông nhà thờ tập ăn. Vậy mà một lần đi chơi xa, người ta giăng dây chỉ mắc vào chân tới mức hoại tử. Chị Thanh phải thay nó xử lí cái chân hư, bôi bông băng thuốc đỏ.
"Từ dạo ấy, cụt chân sợ người. Nó thường ra muộn, không dám đậu trên tay ai lạ. Trộm vía đến giờ vẫn phát triển khỏe mạnh…"
Trải qua mười mấy năm ở hông nhà thờ, chị đem lòng yêu đàn chim. Làm người tốt ai cũng có thể thực hiện, nhưng để có một người mang thóc, hạt cho chim ăn suốt ngày này qua tháng nọ hơn 10 năm thì ít ai được như chị Thanh. Bởi, chăm chim trời vô cùng cực nhọc. Có hôm chúng khỏe mạnh bay đi chơi nhưng đến khi trở về đã gãy cánh, què chân, mù mắt…
Ấy vậy, có lần du khách tới chơi chim, bắt, nắm, giữ chim để chụp hình đến mức gãy lông, chị Thanh tức quá, lên tiếng phản đối liền. Người ta hỏi: "Chim bà hả? Giấy tờ đâu?", chị chỉ biết cười. Rồi họ đồn chị dựa dẫm đàn chim để kinh doanh, chị Thanh vẫn cười mỉm: "Nếu vì kinh tế, tui đã để cho chim đói cả ngày, hút người tới đông hơn, chứ đâu rảnh cho ăn no…".
"Vậy sao chị hổng xây cái tổ, đưa chúng nó về nhà để chúng thành của riêng?" - tôi hỏi.
"Thì con người mình cần tự do, con chim cũng cần vậy!" - chị cười.
Ở công viên Tao Đàn, có người phụ nữ ngày ngày cắt khoanh chuối chia cho tụi sóc nâu trên các hốc cây. Ở Hóc Môn, có người mẹ suốt đời đau đáu vì tụi chó bị bán vào các lò mổ. Ngay cả trước cổng công ty tôi cũng có bác bảo vệ hôm nào đi làm cũng mang theo nắm thóc, bánh mì xé nhỏ để vương vãi cho tụi chim se sẻ, sóc con "mồ côi"…
Ở cái thành phố này có ti tỉ thứ khiến ta bực mình, nhưng vẫn có bao con người chân chất, coi việc nuôi chim trời thú hoang như một nhiệm vụ của bản thân. Họ đau đớn khi chúng bị ốm đau, mất tích, rồi mỉm cười khi chúng sống khỏe mạnh, sau này lại dẫn thêm con cháu cho mình chăm sóc. Ấy vậy, bất kể nắng mưa, tiền bạc và tiếng gièm pha, tất cả đều xuề xòa: "Chỉ cần mình hơn người khác là sẽ giúp".
Như chị Thanh, chị có một gánh hàng rong để nuôi cả gia đình, mấy chục năm vẫn ở trọ thành phố, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền nuôi đàn bồ câu để làm đẹp thành phố, cho chúng cuộc sống tự do với quan niệm: "Cả đời chị không thể làm chuyện lớn, nên làm được chuyện nhỏ này là đủ vui rồi. Có xá gì…"
Nội dung: Huy Hậu
Ảnh: Trần Đạt, Quang Ninh
Thiết kế: Thủy Tiên.