Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn

11/07/2019 10:39
Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn

8 giờ sáng, ông Ngộ đạp xe từ nhà đến bưu điện ngồi viết thư tay cho khách. Chiều 3 giờ 30 phút ông đạp xe về.

Trưa ngày 1/7, Bưu điện TP.HCM mưa lất phất. Bên trong, khách ra vào tấp nập. Người đến gửi thư, bưu phẩm, quà tặng. Người đến ngắm kiến trúc của bưu điện, chụp hình kỷ niệm và mua đồ lưu niệm.

Ở hàng ghế dành cho người ngồi ghi chép khi đến gửi thư, bưu phẩm, quà tặng…, ông Dương Văn Ngộ quần áo chỉnh tề, ngồi tựa lưng vào thành ghế nghỉ một lúc cho khỏe. Cạnh ông là tấm biển bằng tờ giấy A4, viết dòng chữ: ‘Nơi chỉ dẫn và viết giúp’ bằng tiếng Việt, Anh và tiếng Pháp. Một chiếc cặp táp màu đen đựng dụng cụ viết, chiếc kính lúp, những lá thư ông được khách gửi cảm ơn và những cuốn sách về địa danh, các khu du lịch của Việt Nam.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 1.
7 giờ sáng, ông Ngộ đạp xe từ nhà đến bưu điện làm việc. Ảnh: NVCC

Những người nước ngoài đi qua ông, ai cũng gật đầu chào. Có người dừng lại xin chụp hình làm kỷ niệm. Khuôn mặt hốc hác, hai mắt thâm quầng vì mệt và tuổi già, ông Ngộ vẫn mỉm cười chào lại, tạo dáng chụp hình với mọi người.

‘Khách du lịch ai biết cũng chào, xin chụp hình với tôi. Có hôm, tôi xách cặp ra về đến ngoài cổng, họ chạy theo xin chụp. Mệt lắm, nhưng tôi vẫn vui vẻ nhận lời. Làm công việc này là phải làm sao mọi người biết và quý mình’, cụ ông sinh năm 1930 tâm sự.

Ông Ngộ năm nay 89 tuổi. Tính đến nay, ông đã làm việc ở bưu điện hơn 70 năm. Công việc dịch và viết thư thuê, ông làm lúc nghỉ hưu năm 1990. Từ lúc làm công việc này, ông Ngộ thành người nổi tiếng, không chỉ ở bưu điện, mà còn được nhiều bạn bè quốc tế biết đến. Nhiều phóng viên ở các nước: Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản… đã viết bài về ông cho tờ báo của đất nước mình.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 2.
Từ những lá thư bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, ông Ngộ dịch sang tiếng Việt hoặc ngược lại. Ảnh: NVCC

Lục lại những tấm ảnh về mình do du khách, bạn bè quốc tế và các phóng viên gửi tặng, ông Ngộ nói về lý do mình được ngồi ở một góc trong bưu điện làm nghề viết và dịch thư thuê.

30 năm trước, đã có 2-3 người làm công việc như ông nhưng không được lâu. Vì ông là người thạo hai ngôn ngữ - Anh, Pháp, nên khi ông nghỉ hưu, lãnh đạo bưu điện mời ông đến làm. Ngoài truyền tải lại những câu chuyện của khách từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, ông phải giữ hình ảnh đẹp, hướng dẫn, chỉ đường, kể những câu chuyện về Sài Gòn xưa và nay cho khách khi đến thăm bưu điện.

Mỗi ngày, 7 giờ sáng, ông đạp xe đến chỗ làm. 3 giờ 30 phút chiều, ông thu dọn đồ dùng rồi đạp xe ra về. Hai ngày cuối tuần, ông nghỉ.

Nhiều người thấy ông lưng đã còng, tóc bạc trắng mà vẫn đi làm nên thắc mắc. Ông Ngộ cười lớn: ‘Các con tôi nó dư sức nuôi tôi. Nhưng ở nhà không cũng buồn, tôi đi làm cho vui, đỡ nhớ nghề và quảng bá cho đất nước. Tôi sẽ làm đến khi nào không còn sức khỏe nữa mới thôi’. Nói rồi, ông cầm chiếc kính hiển vi được một vị khách nước ngoài gửi tặng trong dịp sinh nhật mình ra khoe: ‘Cái này tôi được một người Pháp tặng đó. Chú ấy viết bằng tiếng Việt, để trong bưu thiếp tặng cho tôi’.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 3.
Lưng đã còng, tóc bạc, da nhăn nheo vì tuổi già, ông Ngộ vẫn thích đi làm. Ảnh: NVCC

Ngồi chờ khách đến 3 giờ chiều, ông Ngộ thu dọn đồ dùng cho vào cặp chuẩn bị ra về. ‘Hôm nay, tôi bị ế khách. Có một cô gái người Pháp đến nhờ viết bưu phẩm giúp thôi. Tôi viết có mấy dòng, cô ấy trả 200 ngàn đồng. Nhưng tôi lấy 15 ngàn đồng. Phần còn lại, trả cho cô ấy’, ông Ngộ nói, tay vuốt thẳng từng lá thư, bức ảnh, cuốn sách cẩn thận cho vào cặp mang đi gửi rồi ra nhà xe lấy xe đạp về.

Ông Ngộ cho biết, gần 30 năm làm nghề, ông không nhớ mình đã tiếp xúc với bao nhiêu vị khách, đọc và dịch bao nhiêu câu chuyện khác nhau. Ông chỉ biết, công việc của mình buộc phải quên hết mọi chuyện, không được tiết lộ với ai, vì đó là bí mật, đời tư của khách. Nhưng có hai câu chuyện liên quan đến tình mẫu tử làm ông nhớ mãi.

Đó là câu chuyện của người phụ nữ quê Bình Phước lấy chồng người Pháp. Sau kháng chiến, con trai bà theo cha về Pháp sống. Khi lớn lên, người con trở lại Việt Nam tìm mẹ. Họ gặp lại nhau và viết thư qua lại cho nhau 3-4 tháng một lần.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 4.
Hơn năm nay, ông Ngộ được chị tạp vụ cho mượn chiếc ghế có tựa để ngồi mỗi khi không làm việc. Sợ ai đó cầm nhầm, ông phải cột cẩn thận vào những chiếc ghế đã gắn cố định.

Mỗi lần viết thư cho con, người mẹ viết bằng tiếng Việt rồi bắt xe từ Bình Phước đến bưu điện nhờ ông Ngộ dịch sang tiếng Pháp gửi cho con. ‘Hơn năm nay, không thấy bà ấy đến nhờ tôi dịch thư nữa. Không biết, bà ấy có khỏe không’, ông Ngộ lo lắng. Vì không dùng điện thoại và không biết địa chỉ của người mẹ nên ông không biết làm thế nào để hỏi thăm.

Câu chuyện thứ hai là về mẹ con người đàn ông Pháp lạc nhau trong chiến tranh. Khi qua Việt Nam tìm mẹ, người con tìm đến ông Ngộ nhờ dịch địa chỉ trong hồ sơ tìm mẹ. Qua những thông tin anh cung cấp, ông Ngộ nhờ công an xác minh địa chỉ giúp. Chỉ mất thời gian ngắn, người đàn ông Pháp cũng tìm được mẹ.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 5.
Những thông tin về mình, hình ảnh, món quà, lá thư khách gửi tặng, ông lưu giữ lại cẩn thận.

‘Hôm anh ấy đến địa chỉ người mẹ đang ở, người mẹ đang nằm nghỉ trong căn chòi rách nát. Bà ấy chỉ nằm đó cho mát, còn bà được người con gái nuôi. Nhìn mẹ vậy, anh ấy đã khóc. Chứng kiến mẹ con họ gặp nhau sau bao năm xa cách, tôi vừa vui vừa xúc đồng’, cụ ông kể.

Ông Ngộ cho biết, mỗi khi làm cầu nối cho khách thành công, ông rất vui. Những người được ông giúp ai cũng viết thư cảm ơn. Có khách còn tặng ông quà, nhưng ông không nhận. ‘Tôi làm việc này không phải vì tiền, vì quà, mà muốn giúp đỡ người khác thôi’, cụ ông nói.

Gặp người viết thư tình xuyên thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn - Ảnh 6.
Ông Ngộ cho biết, ông đi làm là để vui, quảng bá hình ảnh đất nước chứ không phải vì kinh tế.

Anh Ngô Minh Đạt, bảo vệ ở bưu điện này cho biết, nhắc đến ông Ngộ, ai cũng thể hiện sự ngưỡng mộ, kính trọng vì ông tuổi cao vẫn miệt mài làm việc và là chứng nhân của những lá thư tay trong thời kỳ công nghệ đang lấn áp.

Anh Đạt cũng cho biết, trước ông Ngộ đã có 2-3 người làm công việc này. Khi ông Ngộ nghỉ hưu, lãnh đạo bưu điện thấy ông giỏi nhiều thứ tiếng nên mời ông đến làm.

Vietnamnet

Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024