Bạn đã đi đâu trong kỳ nghỉ vừa qua, đặc biệt là dịp hè?
Trong nhịp sống tất bật ngày nay, càng có nhiều người xem tiệm sách là “nơi nương tựa tinh thần”.
Từ năm 2007, tạp chí Monocle của Anh đã tiến hành bình chọn những thành phố đáng sống nhất thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng là số lượng các hiệu sách mở công khai.
Ví dụ, Tokyo (Nhật Bản) là thành phố đứng đầu bảng trong những năm gần đây, có hơn 1.300 hiệu sách, gần gấp đôi so với Madrid (Tây Ban Nha) đứng thứ hai với con số 625.
Tuy nhiên, thế giới đã và đang oằn mình với nạn dịch. Hàng loạt chuỗi kinh doanh phải đóng cửa vì không thể xoay vòng vốn. Cửa hàng sách là một trong số đó.
Đơn cử ở đất nước tỷ dân, theo "Báo cáo về ngành công nghiệp sách", qua 2 năm đại dịch hoành hành, 1.573 tiệm sách ở Trung Quốc bị đóng cửa.
"Đã cố hết sức khi nạn dịch ập đến, nhưng tôi cũng chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất". Đây chính là tiếng lòng của đa số chủ cửa hàng sách, từ kinh doanh nhỏ lẻ cho đến chuỗi cửa hàng phủ sóng khắp mọi nơi.
Song, chúng ta không thể phủ nhận, sự tồn tại của tiệm sách như một phần trong cuộc sống đối với nhiều người.
Theo khảo sát, tiệm sách là nơi để giải quyết sự cô đơn, tìm về một chút bình yên, cũng là nơi tâm hồn lắng đọng lại một chút giữa lòng thành phố đô hội.
@Jiayin
Tôi mới ký hợp đồng làm trong một khu công nghệ. Tan sở lúc 7 giờ tối, không muốn quay lại căn trọ bí bách, tôi đã đến trung tâm mua sắm ăn tối và sau đó đi bộ xung quanh. Tôi vô tình phát hiện ra hiệu sách Page One ở tầng hầm rất yên tĩnh. Tôi chọn một cuốn sách, đứng dựa vào góc và buổi tối thoải mái cứ thế trôi qua.
Khác với những tiệm sách chật chội khác, Page One rất lớn, có các khu vực đọc sách và băng ghế nhỏ được chuẩn bị đặc biệt giúp khách hàng cảm thấy tự do, dễ chìm đắm vào thế giới ngôn từ của riêng mình hơn.
Bản thân tôi rất thích văn học Nhật Bản và thường quanh quẩn khu vực sách chuyển ngữ tiếng Nhật. Đôi khi tôi cũng cố gắng thoát ra khỏi vùng an toàn và đọc các thể loại khác. Quả nhiên, tôi đã tìm thấy nhiều điều thú vị mà mình không hề hay biết.
Đọc sách giấy tại chỗ lý thú hơn nhiều so với việc lên ứng dụng đặt mua về nhà hay đọc các bản trực tuyến.
@Henry
Trong thời gian đi du học, cách trường khoảng 1 giờ lái xe có một thị trấn nổi tiếng tên là Hay-on-wye (xứ Wales). Cả thị trấn đầy những tiệm sách cũ. Mỗi tiệm sách có một chủ đề riêng, chẳng hạn như tiểu thuyết trinh thám, khoa học xã hội...
Những tiệm sách nơi đây nổi tiếng vì có rất nhiều quyển sách xuất bản lần đầu hoặc sách đã ngừng xuất bản.
Có lần, tôi tìm thấy một cuốn sách xã hội học trong một tiệm sách cũ, nghiên cứu nghề nghiệp của phụ nữ Mỹ trong những năm 1950 và 1960, khi đó phụ nữ được khuyến khích làm các công việc nhà nước, nhân viên bán hàng, giáo viên, thư ký...
Phải nói, đến tiệm sách cũ, bạn luôn mang một cảm giác thích thú và háo hức vì không biết mình chuẩn bị tìm được quyển sách hay ho nào đó. Phát hiện ra cuốn sách đời cũ hiếm gặp chính là cảm giác thành tựu và tự hào không phải ai cũng có được.
Hiệu sách lý tưởng đối với tôi là nơi bạn có thể ngồi và đọc. Bây giờ đi đến nhà sách, bạn rất muốn biết một cuốn sách thú vị ra sao nhưng không thể vì nó được bao bìa trong suốt bên ngoài, không thể xé ra. Theo tôi, tiệm sách không phải là nơi chỉ đơn thuần bán sách, mà còn là kho tàng thông tin chứa đựng sự phong phú của thế giới để mọi người chiêm ngưỡng.
@Baozi
Tôi đến tiệm sách gần trường 2 lần/tuần.
Tiệm nhỏ đến mức dường như không có tên, chỉ vài chục mét vuông và 2 giá sách dài. Khách rất đông, ai cũng phải đi ngang như cua để lách mình vào trong. Thật sự thì tôi rất nhớ cảm giác xúm xít bên trong không gian chật chội để chọn cho mình vài quyển ưng ý.
Tiệm sách này như một ô cửa sổ nhỏ để chúng tôi hiểu thêm về thế giới bên ngoài, rất nhiều cuốn sách có ý nghĩa đối với tôi đều được mua ở đó.
Trên thực tế, sau khi tốt nghiệp, tôi hiếm khi đến các hiệu sách và thỉnh thoảng ghé một số địa điểm được cư dân mạng quảng bá rầm rộ. Song, tôi vẫn không thể tìm thấy tiệm sách nào khiến tôi thích thú như thuở còn học dưới mái trường.
@Hong
Hiện tại, tôi đến nhà sách nhiều hơn để mua quà tặng cho người khác. Cửa hàng sách ngày nay bán phong phú các mặt hàng khác nhau, đương nhiên văn phòng phẩm là chủ yếu.
Đặc biệt, nhiều người bạn của tôi đều đã làm mẹ. Tôi thường tặng sách cho những đứa nhỏ, vì tôi muốn mình gửi gắm nhiều giá trị cho chúng hơn là quần áo tầm thường.
Do đó, tôi tận dụng vào những chương trình giảm giá để được hưởng ưu đãi khi mua sách.
May mắn thay, ông chủ cửa hàng sách tôi hay đến rất dễ thương. Khi muốn xem nội dung bên trong những quyển sách bị bao bìa kín mít, ông chủ sẽ mở ra cho tôi xem. Vì bản thân ông quan niệm rằng khách hàng cảm thấy hứng thú với nội dung thì mới đồng ý mua. Ông bao sách như vậy là để tránh những em nhỏ có hành động không hay mà thôi.
Đặc biệt hơn, cửa hàng có một góc dán đầy những tấm thiệp viết tay. Trên đó là vài dòng nhận xét của khách hàng về cuốn sách đáng mua mà họ tâm đắc nhất. Điều này rất tiện lợi cho những ai chưa biết mua và đọc sách gì. Phải nói, lặn ngụp trong biển sách cũng là một sự lạc lối và mất phương hướng.
Góc giới thiệu này đã giúp tôi tìm thấy rất nhiều cuốn sách hay, trong đó có không ít quyển được lũ trẻ của bạn bè tôi vô cùng yêu thích.
(Nguồn: Thepaper)