Tương tự, chị Ngô Thị Thanh Hậu không muốn con mình phải học quá sớm dù bạn bè đã bắt đầu áp dụng chương trình học cho con từ khi 3 – 4 tuổi. “Tôi tìm hiểu được rằng xương tay của bé sẽ phát triển tốt nhất và thích hợp nhất khi 6 tuổi, nên tôi bắt đầu cho con tập cầm bút và đọc sách cho con nghe từ khi 5 tuổi chứ không muốn áp đặt con phải học quá sớm”, chị nói.
Ths – Chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Hoa cho biết. Trẻ từ 3 – 4 tuổi chủ yếu suy nghĩ theo tư duy về hình ảnh, trong khi chữ cái và những con số đòi hỏi về tư duy logic và phải vận động não rất nhiều, điều này không hề dễ dàng đối với trẻ chỉ mới 3 – 4 tuổi. Một khi trẻ đã biết nhiều khi tự học trước đó, đến khi vào lớp sẽ không cảm nhận được điều gì mới, điều này vô tình làm mất khả năng sáng tạo của trẻ khi học chữ quá sớm.
Ths Lê Minh Huân (Giám đốc Trung tâm ứng dụng Tâm lý – Giáo dục An Nhiên) khuyên phụ huynh nên sử dụng những học cụ như tranh, ảnh, đồ chơi nhiều màu sắc để trẻ vừa được học tập song song với vui chơi. Cách dạy con và lối dẫn chuyện nên nhẹ nhàng, tinh tế, khi cảm thấy trẻ đã mệt hoặc thay đổi nhu cầu, phụ huynh cũng cần chuyển hướng một cách nhẹ nhàng thay vì ép trẻ tiếp tục. Việc phụ huynh đồng hành và giải thích nhẹ nhàng, đơn giản giúp con cảm thấy thu hút hơn khi học tập.