Chị Lê Phi Anh, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM hoàn toàn ủng hộ sự cạnh tranh của các trẻ từ khi còn nhỏ, việc này rất tốt cho quá trình trưởng thành của các em, song song với đó, chị cũng không quên việc theo sát, khuyên răn và nhắc nhở để các em có sự cạnh tranh lành mạnh và đúng đắn nhất.
Theo Thạc sĩ Huỳnh Trần Hoài Đức (Chuyên gia tâm lý), trẻ em sau cuộc khủng hoảng tuổi lên 3 đã bắt đầu có ý thức về bản thân của mình nhiều hơn, dấu hiệu dễ nhận thấy là trẻ thích chơi những trò chơi và muốn giành chiến thắng để thể hiện khả năng của mình. Thường thì ngay từ nhỏ chúng ta đã có tâm lý thích được thể hiện sự cạnh tranh, phấn đấu để đạt được một mục tiêu gì đó.
Xét về mặt tích cực, cạnh tranh sẽ giúp trẻ phát triển những kỹ năng quan trọng cũng như nghị lực, ý chí kiên trì và sự đồng cảm. Tuy nhiên trong nhiều gia đình hiện nay, ba mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng về thành tích hay điểm số cho trẻ, khả năng của trẻ sẽ được ghi nhận và tán dương nếu trẻ đạt được thành tích cao. Ngược lại, nếu có thành tích chưa tốt thì ba mẹ trách phạt hay so sánh với bạn bè.
Đôi lúc chúng ta lại đề cao thành tích một cách quá mức khiến cho trẻ phải luôn nỗ lực và chạy theo chúng. Thậm chí trẻ sẽ cạnh tranh, hơn thua với bạn bè một cách thiếu lành mạnh, với mục đích làm sao để đạt được kết quả cao nhất và khó có thể chấp nhận được sự thất bại. Như vậy ba mẹ đã vô tình đẩy trẻ vào những cuộc đua mà chúng không hề mong muốn, trẻ không còn thời gian để xây dựng ưu điểm cho bản thân.
Nếu trẻ bị áp lực, cố tình hơn thua, điều này không chỉ ảnh hưởng đến niềm say mê học tập của trẻ mà còn khiến động lực học của em trở nên lệch lạc. Nếu trẻ thấy rằng, dù có cố gắng đến thế nào cũng không thể đáp ứng được kỳ vọng của ba mẹ và không vượt qua được các bạn cùng lớp, trẻ sẽ cảm thấy áp lực, căng thẳng và thậm chí là tuyệt vọng. Khi đứa trẻ phải chịu sự cạnh tranh ở trường và về nhà phải chịu áp lực từ ba mẹ, sẽ cảm thấy luôn bị phán xét cho dù có thể hiện tốt thế nào đi chăng nữa.
Để giải đáp vấn đề trên, chuyên gia tâm lý Huỳnh Trần Hoài Đức khuyên: “Ba mẹ cần phải định hướng cho con ngay từ ban đầu, rằng việc cạnh tranh trong các cuộc thi là cơ hội để giúp con hiểu bản thân mình hơn, hoặc là ba mẹ cũng cần điều chỉnh kỳ vọng của mình, những điều đó sẽ làm cho con hình dung rằng mình đang phấn đấu để bản thân tốt hơn mỗi ngày, điều này đẹp hơn rất nhiều với suy nghĩ nhất quyết phải hơn người khác, cuối cùng là giúp con hiểu thất bại không phải điều xấu, vì thất bại sẽ khiến con rút ra nhiều bài học quý giá”.
Cạnh tranh giúp trẻ học được rằng, không phải là người giỏi nhất hay thông minh nhất mới là người thành công. Ba mẹ hãy giúp con hiểu rằng chiến thắng không phải là tất cả, mà đó là mục tiêu để con làm hết sức mình. Đối với những trẻ hiếu thắng, hãy sử dụng những trò chơi để trẻ chấp nhận thắng thua một cách văn minh, tìm đến các hoạt động xây dựng kỹ năng sống.