Suốt 6 năm qua, chị Nguyễn Hoàng Kim Ngân và các thành viên của Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 miệt mài cứu hộ gần ngàn trường hợp tai nạn giao thông.
Năm 2017, Nguyễn Hoàng Kim Ngân thành lập Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911 để hỗ trợ người dân ở Thành phố Thủ Đức và những vùng lân cận. Đội cứu nạn gồm 10 thành viên và hoạt động liên tục 24/24, trong đó Nguyễn Hoàng Kim Ngân là đội trưởng. Sau khi nhận được những cuộc gọi từ người dân, Kim Ngân sẽ phân công cho các thành viên trong đội trực tiếp đến nơi để hỗ trợ.
Nói về công việc của mình, Nguyễn Hoàng Kim Ngân chia sẻ: “Trước đây, tôi là công nhân ở các nhà máy. Vì công việc có nhiều bó buộc nên sau đó tôi quyết định nghỉ và làm những công việc tự do để có thể hỗ trợ tốt hơn. Sau này, tôi có thêm nhiều bạn đồng hành cùng mình trong những giờ khuya. Tôi cũng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ phía mạnh thường quân. Trước đây, khi tôi không chấp nhận truyền thông thì mọi vật tư y tế đều do bản thân mình chủ động bỏ ra”.
Những ngày đầu thành lập Đội cứu nạn giao thông tình nguyện 911, Kim Ngân và các thành viên trong đội gặp không ít khó khăn. Kim Ngân cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi phải mặc những chiếc áo có ghi tên của đội để tránh nhiều trường hợp say xỉn và có những hành động khiếm nhã. Trên áo, chúng tôi luôn nhấn mạnh chữ “tình nguyện” vì muốn mọi người hiểu rằng việc cứu nạn của chúng tôi là hoàn toàn miễn phí”.
Trong quá trình hỗ trợ người dân gặp tai nạn, Kim Ngân và đồng đội không ít lần bị đánh vì những hiểu lầm không đáng có. Nhớ lại những “tai nạn nghề nghiệp” ấy, Kim Ngân chia sẻ: “Tôi bị đánh bốn lần. Tôi còn nhớ có lần mình bị đánh dù đang mặc áo của đội và có cả lực lượng công an tại hiện trường. Lúc đó, họ đang say xỉn và không kiểm soát được hành động của mình. Tôi cũng là người bình thường, cũng rất bực và nóng. Lúc đầu, mọi người còn phải can tôi lại. Nhưng sau đó tôi nghĩ, cái nóng giận của mình có thể kiềm chế được. Mình chọn thì bản thân mình phải chịu”.
Kim Ngân cho biết thêm, các thành viên trong Đội 911 đều nắm được số điện thoại của các bệnh viện trong vùng. Nhiều lần giúp đỡ nạn nhân, các y bác sĩ dần quen mặt với đội 911 và sẵn sàng hỗ trợ hết mình.
Nhắc lại những kỷ niệm khó quên từ khi thành lập đội, Kim Ngân tâm sự: “Tôi từng giúp một chú và đến ba năm sau, khi chú ấy mất vì bệnh già thì con gái của chú đã gọi điện thoại cho tôi. Chị ấy tìm trong ví của chú, thấy số điện thoại của tôi và nhớ lại vụ tai nạn ngày hôm đó. Khi nhận được cuộc gọi ấy, tôi rất bất ngờ. Không riêng gì chị ấy mà còn rất nhiều trường hợp khác. Trong giờ phút sinh tử, người ta gọi điện thoại lại cho chúng tôi và nói cảm ơn. Tôi cảm thấy điều này còn lớn hơn những giá trị mà chúng tôi muốn nhận được”.
Kim Ngân kể tiếp: “Trong một lần đi Long Thành, tôi và nhóm có gặp một tai nạn. Nạn nhân là một bé trai 11 tuổi kém phát triển về mặt trí tuệ. Bé ngã xuống và bị đa chấn thương vùng đầu, phải chuyển gấp lên bệnh viện nhi ở Đồng Nai. Có một người dân ở đó khi chứng kiến tai nạn đã đưa cho tôi 500 ngàn đồng. Với tôi, 500 ngàn đồng lúc đó rất nặng vì sự tin tưởng của người ta dành cho mình. Khi đi đến bất cứ khu vực nào, tôi và các đồng đội luôn sẵn sàng hỗ trợ người dân tại đó. Tôi nghĩ, mọi người gặp nhau đã là một cái duyên, là một điều gì đó đã được định sẵn. Vì vậy, chúng tôi luôn sẵn sàng”.