Bất kể tâm trạng của bạn đang như thế nào, hãy chấp nhận và đợi cho đến khi tâm trạng đó tự thay đổi. Bạn không thay đổi bất cứ điều gì, bạn có thể cảm nhận vẻ đẹp xuất hiện khi tâm trạng của bạn tự thay đổi. Bạn biết được chuyện này cũng giống như mặt trời mọc vào buổi sáng và lặn vào buổi chiều. Mặt trời mọc và lặn và sẽ tiếp tục như vậy. Bạn không cần làm gì.
Nếu có thể cảm nhận tâm trạng của mình tự thay đổi, bạn có thể duy trì sự trung lập. Bạn có thể giữ vững khoảng cách, như thể tâm trí đang ở một nơi khác. Mặt trời mọc và lặn; cơn trầm cảm đến và đi, hạnh phúc đến và đi, nhưng bạn không ở trong quá trình đó. Chúng tự đến và tự đi; các trạng thái đến, chuyển động và rời đi.
Tôi sẽ kể bạn nghe một câu chuyện mà tôi vẫn thường kể: Hôm đó, Đức Phật đang băng qua một khu rừng. Đó là một ngày nóng bức - ngay giữa trưa - và Đức Phật khát nước, vì vậy ngài nói với đồ đệ Ananda: “Con hãy quay lại. Chúng ta vừa đi qua một con suối nhỏ. Con hãy quay lại và lấy cho ta một chút nước”.
Ananda vâng lời và quay trở lại, nhưng đó là một khe suối rất nhỏ và một số xe bò đã băng qua. Dòng nước đã bị khuấy đục và bẩn. Bùn đất vốn đã lắng đọng bên dưới đều nổi lên, và nước suối bây giờ không thể uống được. Vì vậy, Ananda nghĩ: “Mình sẽ phải quay về tay không”. Anh ta quay về và nói với Đức Phật: “Dòng nước đã vẩn đục hoàn toàn và không thể nào uống được. Xin hãy cho phép con đi lên phía trước. Con biết có một dòng sông chỉ cách chỗ này vài cây số, con sẽ đi lấy nước ở đó”.
Nghe vậy, Đức Phật đáp: “Không! Con hãy quay lại dòng suối đó”. Vì Đức Phật đã nói vậy nên Ananda đành phải quay lại lần nữa, nhưng anh ta miễn cưỡng bước đi. Anh ta biết nước ở đó không thích hợp để mang về, thời gian đang bị lãng phí và anh ta cũng đang cảm thấy khát. Nhưng vì Đức Phật đã bảo vậy nên anh ta phải đi. Anh ta quay lại dòng suối đó và lại trở về tay không. Lần này, anh ta nói: “Sao thầy cứ nhất định bắt con quay lại khe suối đó? Nước ở đó không thể uống được”.
Đức Phật lại nói: “Con hãy đến đó một lần nữa”. Và bởi vì Đức Phật yêu cầu nên Ananda phải nghe theo.
Lần thứ ba Ananda đến bên suối và lúc này, nước suối trong như chưa từng bị vấy bẩn. Bùn đất đã lắng xuống, lá khô đã trôi đi và nước lại trong vắt. Bấy giờ, Ananda bật cười. Anh ta múc nước đầy bình và nhảy chân sáo quay trở về. Anh ta quỳ xuống dưới chân Đức Phật và nói: “Cách dạy của thầy thật kỳ diệu. Thầy đã dạy con một bài học thâm thúy, đó là không có gì là vĩnh cửu và con chỉ cần kiên nhẫn”.
Đó chính là lời dạy cơ bản của Đức Phật: không có gì là vĩnh cửu, mọi thứ đều là phù du, thế nên tại sao phải lo lắng? Hãy quay lại chính dòng suối đó. Đến lúc này, mọi thứ đã thay đổi. Không có gì là bất biến. Hãy kiên nhẫn, hãy quay trở lại, hết lần này đến lần khác. Chỉ một lúc thôi, những chiếc lá sẽ trôi xa, bùn đất sẽ lắng xuống và nước sẽ lại trong vắt.
Trước khi quay lại dòng suối đó lần thứ hai, Ananda đã hỏi Đức Phật: “Thầy cương quyết bảo con quay lại đó, vậy con có thể làm gì để nước suối ở đó trong lại không?”.
Đức Phật nói: “Đừng làm gì cả; nếu không, con sẽ khiến dòng nước càng vẩn đục. Con cũng đừng bước vào dòng suối, hãy cứ đứng đợi trên bờ. Nếu bước xuống suối, con sẽ gây ra hỗn loạn. Dòng suối tự tuôn chảy, vì vậy, hãy để nó tuôn chảy”.
Không có gì là vĩnh cửu; cuộc sống là một dòng chảy. Triết gia Heraclitus đã nói không ai tắm hai lần trong một dòng sông. Không ai có thể tắm hai lần trong một dòng sông bởi vì dòng sông không ngừng tuôn chảy; mọi thứ đều thay đổi. Và không chỉ dòng sông tuôn chảy, bạn cũng tuôn chảy. Bạn cũng khác đi; bạn cũng là một dòng sông đang tuôn chảy.
Hãy nhìn ra sự vô thường này của vạn vật. Đừng vội vã; đừng cố gắng làm bất kỳ việc gì. Hãy cứ chờ đợi! Chờ đợi trong trạng thái vô vi. Và nếu bạn có thể đợi, sự biến đổi sẽ xuất hiện. Chính sự chờ đợi này là một sự biến đổi.