Đa số mọi người không tin rằng từ ngàn xưa từng có những nền văn minh cao hơn ngày nay, nhưng đã biến mất trên bề mặt địa cầu và không còn để lại dấu vết gì. Tuy nhiên, điều này cũng không lạ vì hai trăm năm trước nếu ai nói rằng con người có thể bay lên không gian hay tạo ra những thứ võ khí có thể xóa sổ cả một lục địa thì chẳng ai tin.
Nếu quan sát những biến cố xảy ra trong thời gian gần đây, chúng ta thấy rằng chỉ qua hai trận thế chiến mà bao nhiêu quốc gia đã bị xóa sổ và bao nhiêu quốc gia được hình thành. Nếu nhìn xa hơn nữa, chúng ta có thể thấy những đế quốc như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, hay Mông Cổ với các triều đại kéo dài hàng trăm năm, nhưng hiện nay cũng không còn tồn tại thì việc một nền văn minh đã tồn tại hàng ngàn năm rồi biến mất qua trận đại hồng thủy cũng không phải là điều không thể xảy ra.
Biết đâu vài trăm năm nữa, người ta không còn biết gì đến nền văn minh cơ giới với những phát minh khoa học kỹ thuật của ngày nay nữa. Chỉ vài biến cố như chiến tranh, bệnh tật, thiên tai thì tất cả đều thay đổi và biết đâu lịch sử lại tiếp tục tái diễn vì chẳng ai học được gì.
|
Cuộc đời chúng ta thấy hiện nay chỉ là một phần nhỏ của một đời sống kéo dài hàng trăm ngàn năm mà trong đó chúng ta học hỏi, thu thập kinh nghiệm để tiến tới sự hiểu biết thật sự. Đời sống là một trường học vĩ đại mà trong đó người ta học những gì cần phải học. Có người học rất nhanh qua những kinh nghiệm; và có những người học chậm, do đó họ cứ phải học mãi. Trong cái trường đời này, yếu tố đau khổ là bài học tốt nhất vì chỉ trong đau khổ người ta mới chịu học. Nếu sung sướng, ít ai học được gì.
Chúng ta học để biết rõ mình thật sự là ai? Để biết mối liên hệ giữa chúng ta và những người khác. Để biết sự liên quan giữa chúng ta với vũ trụ. Để biết về những quy luật của sự sống và của vũ trụ. Trong vũ trụ có những quy luật không bao giờ thay đổi nhưng không mấy ai để ý đến. Quy luật quan trọng cần phải học lúc này là luật Luân hồi và Nhân quả.
Con người thật ra chỉ là những năng lực trong vũ trụ. Những năng lực này tạm được gọi là “thực thể” mặc dù cách gọi này không chính xác lắm. Thực thể sẽ hóa hiện trong các thân xác khác nhau, trải qua nhiều kiếp sống khác nhau, để học hỏi, lúc thành người, lúc thành thú vật, lúc thành các sinh vật ở các cõi giới khác để học những bài học mà họ phải học.
Thực thể này học như thế nào? Nó học qua một quy luật gọi là luật Nhân quả. Luật này nói rằng mọi tư tưởng, lời nói hay hành động phát xuất từ thực thể sẽ tạo ra những kết quả, xấu hoặc tốt, và kết quả này sẽ thúc giục thực thể phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Điều này cũng giống như một học sinh trải qua các kỳ thi, có khi học sinh thuộc bài và thi đậu nhưng cũng có khi thi rớt và phải học lại cho đến khi học được bài học. Điều này đã được ghi rõ qua câu nói “Gieo giống nào, gặt giống đó”, hay “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, hay “Gây nhân nào gặt quả nấy”.
Muôn kiếp nhân sinh 1 - Nguyên Phong