Như chúng ta đã thấy, mặc dù con người nhìn chung đều mong mỏi được rời nơi làm việc để đi về nhà, sẵn sàng tận dụng hết thời gian rảnh rỗi mà khó khăn lắm mới có được, nhưng tất cả lại thường chẳng có chút ý tưởng nào về những gì nên làm trong khoảng thời gian đó.
Lý do là công việc thì dễ dàng để thưởng thức hơn là thời gian rảnh, bởi vì cũng giống như các hoạt động dòng chảy, công việc hình thành nên những mục tiêu, phản hồi, luật lệ và những thử thách, mà tất cả những thứ đó động viên người ta chìm đắm vào công việc của họ, để tập trung và quên đi chính mình trong nó. Trong khi đó, thời gian rảnh rỗi thì không được cấu trúc rõ ràng và cũng chẳng đòi hỏi nhiều nỗ lực để định hình thành thứ gì đó có thể thưởng thức được.
Những sở thích cần có kỹ năng, những thói quen lập ra các mục tiêu và giới hạn, những mối quan tâm cá nhân và đặc biệt là sự rèn luyện bên trong giúp thời gian rảnh trở thành cơ hội cho sự tái tạo lại, như nó vốn dĩ là thế. Nhưng nhìn chung mọi người đều đánh mất cơ hội thưởng thức thời gian rảnh rỗi thậm chí còn triệt để hơn khi họ đang trong giờ làm việc. Hơn sáu mươi năm về trước, nhà xã hội học vĩ đại người Mỹ Robert Park đã ghi chép lại rằng: “Tôi cho rằng chính trong cách sử dụng không hề liệu tính trước khoảng thời gian rảnh rỗi của chúng ta, đã diễn ra sự lãng phí to lớn nhất của đời sống người Mỹ”.
Ngành công nghiệp giải trí khổng lồ nổi lên trong vài thế hệ qua đã được thiết kế để giúp lấp đầy thời gian rảnh với những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, thay vì sử dụng những nguồn lực tinh thần và thể chất để trải nghiệm dòng chảy, hầu hết chúng ta dành nhiều thời gian hàng tuần để xem những vận động viên nổi tiếng thi đấu tại sân vận động khổng lồ. Thay vì tự soạn nhạc, chúng ta nghe những bản nhạc hạng bạch kim được sáng tác bởi những nhà soạn nhạc triệu phú. Thay vì sáng tạo nghệ thuật, chúng ta đi ngưỡng mộ những bức tranh có giá thầu cao nhất ở các phiên đấu giá mới nhất. Chúng ta không liều lĩnh hành động theo niềm tin của chính mình mà mất hàng giờ đồng hồ mỗi ngày xem diễn viên giả vờ mạo hiểm, tham gia vào những hành động giả vờ có ý nghĩa.
Sự tham gia gián tiếp này có thể che giấu, ít nhất là tạm thời, sự trống rỗng tiềm ẩn của thời gian bị lãng phí. Nhưng nó là sự thay thế cực kỳ nhạt nhẽo cho sự chú ý được đầu tư vào những thử thách thật sự. Trải nghiệm dòng chảy xuất phát từ việc sử dụng các kỹ năng dẫn đến sự phát triển; còn những phương pháp giải trí thụ động chẳng đưa chúng ta về đâu cả. Cộng chung lại, chúng ta đang lãng phí mỗi năm với mức độ tương đương hàng triệu năm ý thức con người.
Năng lượng có thể được sử dụng để tập trung vào những mục tiêu phức tạp, để cung cấp cho sự phát triển thú vị, đã bị lãng phí vào những mô hình kích thích chỉ phỏng nhại thực tại. Giải trí đại chúng, văn hóa đại chúng và thậm chí là văn hóa cao cấp, khi mà chúng ta chỉ tham gia một cách thụ động và vì những lý do bên ngoài – như mong muốn khoe khoang địa vị của mình – thì đều là những ký sinh trùng của tâm trí. Chúng hấp thu năng lượng tinh thần mà không tạo ra sức mạnh thật sự để đáp lại. Chúng khiến chúng ta còn kiệt sức hơn, chán nản hơn cả trước đó.
Trừ khi người ta chịu trách nhiệm coi sóc chúng, bằng không cả công việc lẫn thời gian rảnh đều có khả năng khiến chúng ta thất vọng. Hầu hết các công việc và nhiều hoạt động giải trí – đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc tiêu thụ thụ động truyền thông đại chúng – đều không được xây dựng để khiến chúng ta vui vẻ và mạnh mẽ. Mục đích của chúng là để kiếm ra tiền cho người khác. Nếu được chúng ta cho phép, chúng có thể hủy hoại phần cốt tủy của cuộc sống chúng ta và chỉ để lại vỏ ngoài yếu ớt, vô giá trị. Nhưng cũng như mọi thứ khác, công việc và giải trí có thể tương thích với nhu cầu của chúng ta.
Những người học cách thưởng thức công việc của họ, những người không lãng phí thời gian rảnh rỗi, đều cảm thấy rằng toàn bộ cuộc sống của họ trở nên đáng giá hơn. C. K. Brightbill đã viết rằng “Tương lai không chỉ thuộc về người có học, mà còn thuộc về người học được cách sử dụng thời gian rảnh của mình một cách hợp lý”.