Bén duyên với bánh hoa
Tốt nghiệp Khoa Trang trí Nội ngoại thất tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ban đầu, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (36 tuổi, ở Hà Nội) không có ý định theo đuổi nghề . Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 ập tới, chị nằm trong diện tinh giản biên chế và bị cho thôi việc.
Vừa thất nghiệp, lại mới sinh con nhỏ, chị cảm thấy bí bách, chỉ biết tìm đến việc làm bánh như một cách giảm căng thẳng.
Ban đầu, chị Nguyệt làm bánh để tặng gia đình và . Không ngờ, những chiếc bánh đầu tay nhận được nhiều lời khen ngợi, thậm chí có người ngỏ ý đặt hàng. Tuy nhiên, chị không khỏi lo lắng khi nhận đơn vì kinh nghiệm còn hạn chế và chưa được đào tạo bài bản.
Để trau dồi kỹ năng, chị thường tự học làm bánh qua các khóa học trực tuyến và thực hành tại nhà. Nhận thấy tiềm năng của nghề, chị quyết định đầu tư nghiêm túc, tham gia các khóa học chuyên sâu với chi phí lên đến vài trăm triệu đồng.
Trong số các dòng bánh, chị đặc biệt tâm huyết với bánh hoa, dòng sản phẩm kết hợp tinh tế giữa vẻ đẹp thẩm mỹ và hương vị, rất phù hợp cho các dịp đặc biệt như sinh nhật hay lễ, Tết.
Dịch Covid kết thúc, chị đứng trước lựa chọn khó khăn, tiếp tục công việc văn phòng ổn định hay theo đuổi đam mê làm bánh.
Sau nhiều cân nhắc và nhận được sự động viên từ chồng, chị quyết định dấn thân vào nghề.
Tuy vậy, việc khởi nghiệp và vận hành một cửa hàng bánh online không hề dễ dàng đối với người mới bắt đầu như chị.
Chị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, hạn chế nguồn vốn và thiếu thốn máy móc, thiết bị. Do chưa đủ điều kiện thuê mặt bằng, mọi công đoạn đều phải thực hiện tại nhà. Những trở ngại này không chỉ thử thách sự kiên nhẫn mà còn đòi hỏi nỗ lực không ngừng để chị từng bước xây dựng sự nghiệp.
"Khi khởi nghiệp, điều quan trọng là chuẩn bị kiến thức vững về ngành, sẵn sàng tâm lý đối mặt với khó khăn và có nguồn vốn đủ để duy trì từ 6 tháng đến 2 năm, vì giai đoạn đầu luôn gặp nhiều thách thức trong tìm kiếm khách hàng và tối ưu hóa công việc", chị Nguyệt chia sẻ.
Ghi đậm dấu ấn cá nhân
Sau một thời gian khởi nghiệp, chị Nguyệt may mắn nhận được sự chú ý từ cộng đồng nhờ việc chia sẻ các sản phẩm và quy trình làm bánh trên các nền tảng mạng xã hội.
Những video và bài viết của chị không chỉ thu hút sự quan tâm mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người yêu thích nghệ thuật làm bánh.
Theo chị, bất kỳ ai cũng có thể học được kỹ năng làm bánh hoa, ngay cả khi không sở hữu năng khiếu đặc biệt. Tuy nhiên, về lâu dài, những người có tài năng và sự nhạy cảm với thẩm mỹ sẽ dễ dàng phát triển phong cách riêng, tạo nên dấu ấn độc đáo trên từng chiếc bánh.
Chủ tiệm bánh chia sẻ, để tạo nên một chiếc bánh hoa hoàn hảo, người làm bánh phải kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và kỹ năng chuyên môn. Trong đó, khả năng tạo hình hoa kem, phối màu đóng vai trò quan trọng, làm nổi bật vẻ đẹp tinh tế và sự tỉ mỉ trong từng chi tiết của sản phẩm.
Chị tự hào nhất về chiếc bánh cưới 5 tầng gây xôn xao cộng đồng mạng gần đây, không chỉ bởi vẻ đẹp lộng lẫy mà còn bởi quy trình kỳ công từ khi lên ý tưởng đến hoàn thiện.
Sau khi cô dâu chia sẻ đây là "chiếc bánh cưới mơ ước," chị bắt đầu thiết kế từ bản vẽ tay, qua ba lần chỉnh sửa phác thảo, đến lựa chọn tông màu và chi tiết từng cụm hoa như mẫu đơn, hồng.
Chiếc bánh mất 5 ngày để hoàn thiện, thêm việc vận chuyển 10km đến khách sạn mà vẫn giữ nguyên sự màu sắc, hương vị cũng là một thử thách lớn.
Chị Nguyệt chia sẻ, mùa cao điểm của bánh hoa thường rơi vào mùa cưới và các dịp lễ lớn như 8/3, 20/10. Đây là thời điểm chị phải đối mặt với áp lực về thời gian và số lượng đơn hàng, đồng thời vẫn phải luôn chú trọng đảm bảo chất lượng từng sản phẩm.
Thời gian hoàn thiện một chiếc bánh hoa phụ thuộc vào độ phức tạp, trung bình mất khoảng 42 giờ làm việc. Giá mỗi sản phẩm dao động 200.000-300.000 đồng đến hàng chục triệu đồng, tùy thuộc vào thiết kế và yêu cầu đặc biệt.
Chị lý giải rằng, giá bánh không chỉ phản ánh chi phí nguyên liệu mà còn là công sức và sự sáng tạo bỏ ra, giống như cách định giá một bức tranh nghệ thuật.
Chị cho biết, có người cho rằng bỏ hàng chục triệu đồng mua một chiếc bánh là đắt, nhưng cũng không ít người nhận xét là rẻ, tùy vào góc nhìn và sự hiểu biết về nghề làm bánh.
Với chị, mỗi chiếc bánh hoa là một tác phẩm nghệ thuật, và điều quan trọng nhất là mang lại sự hài lòng trọn vẹn cho khách hàng. Cũng nhờ sự tỉ mỉ đó, chị có nhiều đơn hàng và đời sống ổn định hơn với nghề.