Nghề làm dâu trăm họ
Tối muộn, Trương Hoài Thiên (31 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Nai) vẫn còn loay hoay sắp xếp máy ảnh, đèn chiếu sáng… để chuẩn bị cho buổi chụp phóng sự cưới vào ngày hôm sau.
Hơn 10 năm làm thợ chụp ảnh phóng sự cưới, Hoài Thiên chia sẻ thời gian làm việc của anh thường không ổn định. Vì đám cưới bắt đầu từ rạng sáng nên anh phải dậy rất sớm để kịp có mặt tại buổi lễ. Sau khi chụp xong, anh còn phải về nhà để hoàn thành công tác hậu kỳ.
"Khách hàng thường háo hức muốn xem ảnh càng sớm càng tốt nên tôi phải làm mọi thứ thật nhanh để đáp ứng mong muốn của họ", anh Thiên nói.
Theo nam thợ ảnh, chụp phóng sự cưới thì mỗi tấm hình là một câu chuyện, khác với chụp ảnh cưới thông thường.
Vì thế, để làm được nghề này, họ phải có tư duy kể chuyện thật tốt. Mỗi bức ảnh phải được tính toán rất kỹ lưỡng, thể hiện người thợ biết cách tận dụng và phối hợp cùng lúc cảnh vật, con người, bố cục, ánh sáng, góc máy… để "vẽ" một câu chuyện có thật. Câu chuyện này sẽ mang ý nghĩa đặc biệt đối với những nhân vật trong lễ cưới.
"Thợ còn phải học cách đoán trước được sự việc sắp xảy ra, vì khoảnh khắc quan trọng đôi khi chỉ diễn ra đúng một lần. Ví dụ như khi cô dâu hoặc chú rể, ba mẹ hai bên bật khóc, nếu bỏ lỡ cảnh đó, tôi không thể yêu cầu họ khóc lại một lần nữa.
Đơn thuần chỉ là một ánh mắt, nụ cười, cái nắm tay, cảnh tất bật chuẩn bị cho lễ cưới, người thợ cũng phải tập trung cao độ để ghi lại một cách kịp thời mà không làm mất đi sự tự nhiên", anh Thiên chia sẻ.
Chàng trai ví nghề này là "làm dâu trăm họ", bởi anh phải làm hài lòng tất cả những nhân vật có mặt trong bức ảnh của mình. Đôi khi không phải chủ nhà có ý kiến, mà những vị khách, họ hàng, hàng xóm đến dự cưới lên tiếng chỉ trích.
"Một số người không hiểu tính chất công việc cũng như ý nghĩa của bộ ảnh nên buông lời "thằng chụp hình này biết gì mà làm". Nghe câu đó, tôi thấy chạnh lòng lắm. Tuy nhiên, những lúc ấy, thợ chụp ảnh không thể phản kháng mà chỉ có thể chịu đựng và mỉm cười, để không làm hỏng ngày vui của khách, đồng thời bảo vệ bản thân", anh Thiên bộc bạch.
Nam thợ anh chia sẻ, nỗi sợ lớn nhất của người trong nghề chính là thiết bị gặp trục trặc.
"Tôi từng gặp sự cố hư cùng lúc 2 ổ cứng, mất tất cả dữ liệu chụp cho khách. Hậu quả là cả mùa Tết không còn tâm trạng nào vui chơi, loay hoay tìm đủ cách để khôi phục dữ liệu. Đó là cơn ác mộng lớn nhất của người thợ ảnh", Thiên nói.
Không những vậy, vì tính chất công việc, không ít lần chàng trai phải đến nhà khách vào đêm muộn hoặc khi trời tờ mờ sáng.
"Nếu nhà khách ở những khu vực heo hút, vắng người, cảm giác đi một mình vào ban đêm lại càng đáng sợ hơn. Lúc ấy, bản thân rất sợ trộm, cướp nhưng không thể nào quay đầu mà phải tiếp tục đến điểm hẹn", Thiên chia sẻ.
Thu nhập mơ ước
Trước khi theo nghề, Thiên từng là một chàng trai chuyên đi chụp ảnh dạo cho bạn bè, người quen ở địa phương. Lâu dần, thấy nghề này "ăn nên làm ra", anh mới theo đuổi một cách nghiêm túc.
Đến nay, chàng trai đã đầu tư hơn nửa tỷ đồng cho thiết bị máy móc, tham gia không ít khóa bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng chụp ảnh. Anh cho hay người làm nghề này phải liên tục trau dồi, cập nhật xu hướng để nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Thu nhập của thợ chụp phóng sự ảnh có thể dao động từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào thời điểm và kinh nghiệm của từng người.
Ngoài thu nhập, điều khiến tôi yêu thích công việc này là cơ hội được gặp nhiều người, đi nhiều nơi. Xúc động nhất là được chứng kiến những giọt nước mắt hạnh phúc, lắng nghe câu chuyện về những người là ba mẹ sẵn sàng dùng hết tài sản làm quà cưới cho con, dù hoàn cảnh không mấy khá giả", anh Thiên kể.
Có 3 năm kinh nghiệm trong nghề chụp ảnh phóng sự cưới, Hoàng Long (27 tuổi, ngụ tại TPHCM) chia sẻ công việc của anh thiên về cảm xúc. Vì thế, người thợ phải làm bằng cái tâm thì mới mong mang lại sản phẩm chất lượng cao cho khách hàng.
"Chúng tôi phải trở thành một phần của lễ cưới, hòa vào không khí chung và thấu hiểu cảm xúc của những nhân vật mình chụp. Niềm vui sướng nhất của người thợ là chụp được khoảnh khắc quý giá, khiến khách hàng hạnh phúc, xúc động mỗi khi xem lại", Long trải lòng.
Chàng trai cho biết thời gian bận rộn nhất của thợ ảnh thường rơi vào các tháng đầu và cuối năm. Lắm lúc, anh bận đến mức chỉ ngủ được vài tiếng mỗi ngày, phải từ chối một số khách hàng vì không đủ nhân lực. Tuy nhiên, đối với tháng kiêng kỵ như tháng 7 Âm lịch, họ dường như không nhận được "đơn" nào.
Theo khảo sát của Your Perfect Wedding Photographer năm 2019, với sự tham gia của 300 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tại Anh, những người thợ chuyên chụp ảnh cưới không chỉ đơn thuần lo "bấm máy" là xong.
Sau các lễ cưới, những người thợ phải dành trung bình 14 giờ để chỉnh sửa sản phẩm. Ngoài ra, họ còn phải điều hành công việc kinh doanh và trao đổi công việc với khách hàng.
Khảo sát 100 thợ chụp ảnh cưới ở Mỹ, Wedissimo cho hay một người thợ chụp ảnh cưới có thể kiếm 1.965 euro (tương đương với hơn 52 triệu đồng) cho một "đám cưới yêu cầu chụp cả ngày". Tuy nhiên, họ cũng chi không ít tiền cho việc quảng bá thương hiệu, đầu tư vào thiết bị, hậu kỳ…