Mê mẩn món bánh Nerikiri từ thuở bé, cách đây một năm, chị Thùy Dương (33 tuổi, TP Đà Nẵng) tự mày mò học cách tạo hình cho dòng bánh Nerikiri, loại bánh được mệnh danh là đỉnh cao ẩm thực Nhật Bản.
Vốn là huấn luyện viên dạy múa, chị Dương chưa từng nghĩ bản thân có thể chinh phục được bộ môn làm bánh nghệ thuật này. Bởi loại bánh Nerikiri rất khó để thực hiện. Bởi bánh có độ ẩm trên 30%. Thời gian để tạo hình một chiếc bánh mất khoảng 10 - 15 phút, cần thao tác nhanh tay vì để lâu bánh tiếp xúc không khí sẽ bị khô.
Thế nhưng bằng chính lòng quyết tâm kiên trì học hỏi, chị Dương đã cho "ra lò" nhiều mẻ bánh thơm ngon khiến bạn bè, người thân thích thú. Những chiếc bánh của chị không chỉ tạo hình hoa văn bắt mắt mà còn là một tác phẩm nghệ thuật bởi sự trang trí cầu kỳ, độc đáo hiếm người thực hiện.
Theo chị Dương, để thực hiện được món bánh tinh tế của đất nước mặt trời mọc, chị phải đọc sách ẩm thực và lên mạng tham khảo các video hướng dẫn rồi bắt tay vào làm. Thời gian đầu chưa quen tay, chị phải làm đi làm lại nhiều lần. Dần dần, chị đã thuần thục và làm được những mẻ bánh hấp dẫn, có tạo hình sinh động.
Chị Dương chia sẻ, bánh Nerikiri có lớp vỏ làm từ bột nếp, trộn với các loại đậu (đậu trắng và đậu đỏ) xay nhuyễn. Quá trình thực hiện, công đoạn sên nhân đậu đòi hỏi tốn nhiều thời gian và công sức nhất.
Sau khi làm nhân sẽ trộn đậu trắng đã sên với một lượng nhỏ bột nếp để tạo sự kết dính, dẻo, mềm cho phần vỏ bánh. Từng chi tiết, đường nét đều được chị thực hiện khéo léo trên mặt bánh. Để món ăn chân thực, sinh động hơn, chị còn phối màu cho bánh theo tỷ lệ cân đối.
Chị Dương cho hay, đây là loại bánh khá mới lạ ở Việt Nam, nên ở mỗi công đoạn đều có cái khó riêng, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và không được nóng vội. Chị Dương thường làm từng bước một, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến khâu chọn lựa hình dáng cho kiểu bánh.
Thông thường chị sử dụng khuôn gỗ để tạo hình cho từng chiếc bánh như: thanh tam giác chia cánh, cây đẩy cánh hoa cúc, đũa nhọn, đũa kim, kéo bấm… khuôn cắt bằng kim loại.
"Việc tạo hình bánh phụ thuộc vào sở thích của mỗi người, mình thường lấy ý tưởng theo mùa hoặc từ thiên nhiên cho những chiếc bánh của mình", chị Dương nói.
Mỗi khi hoàn thiện, chị Dương thường chia sẻ hình ảnh những chiếc bánh nhỏ xinh của xứ hoa anh đào lên mạng xã hội và nhận về hàng nghìn lượt yêu thích, lời khen cho mẹ đảm.
"Mình không ngờ món bánh ẩm lại được mọi người mê mẫn và thích thú đến vậy. Nhận được sự động viên, khích lệ từ mọi người mình rất vui. Đây có lẽ là động lực để mình tiếp tục theo đuổi đam mê "thổi hồn" cho bột gạo", chị Dương bày tỏ.
Theo chị Dương, để tạo hình một chiếc bánh chuẩn vị của người Nhật cần phải trải qua 3 bước. Trước tiên là công đoạn sơ chế đậu, làm sạch, nấu và xay nhuyễn để lắng đọng ra tinh bột đậu. Yêu cầu của tinh bột đậu là vỏ bánh phải trắng và mịn để màu bánh khi ra lò sẽ tươi sáng. Đối với phần nhân đậu đỏ cũng thực hiện tương tự sẽ cho ra lượng tinh bột tùy theo số lượng chuẩn bị từ trước đấy.
"Sở dĩ cả hai nguyên liệu đều là dạng tinh vì khi làm ra thành phẩm, miếng bánh cho vào miệng sẽ mềm mịn, khi ăn sẽ có cảm giác bánh tan dần trong miệng. Nên món bánh được thưởng thức lạnh, sử dụng trong ngày hoặc trữ cấp đông khoảng 1-2 tuần để ngon hơn. Tuyệt đối không cất bánh vào tủ lạnh vì bánh sẽ bị khô", chị Dương giải thích.
Dù chỉ mới học làm bánh nhưng chị Dương chỉ mất khoảng một giờ đồng hồ để cho ra đời những chiếc bánh chuẩn vị của người Nhật. Hiện tại, chị đã thực hiện khoảng 200 chiếc bánh với nhiều mẫu mã khác nhau, đa phần là bánh ngọt.
Từ một huấn luyện viên dạy múa, chị Dương tìm đến bánh Nerikiri như một người bạn. Chị cho rằng, những chiếc bánh tuy nhỏ nhưng chứa đựng cả tâm huyết của người làm trong đó. Hơn nữa, qua những buổi "thôi hồn" vào bánh chị đã học được rất nhiều kỹ năng mềm có ích cho bản thân.
Dự định trong tương lai, chị mong muốn sẽ phát triển bộ môn nghệ thuật này thông qua mô hình trà - bánh.
Hoài Trang