Trong cuốn sách “Biến tiềm năng thành tài năng”, Giáo sư Adam Grant đã phân tích ba nguyên nhân khiến nhiều người dù rất nỗ lực, vẫn không đạt được tiến bộ như mong đợi. Đồng thời, ông cũng chỉ dẫn chúng ta cách vượt qua sự cầu toàn, khắc phục trạng thái trì trệ và học hỏi hiệu quả từ những người xung quanh.
1. Người không hoàn hảo mới là người tạo ra nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ nhất
Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế cho thấy những người không theo đuổi sự hoàn hảo thường đạt được nhiều thành tựu ấn tượng hơn. Đây không phải là nhận định chủ quan mà đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu và phân tích. Trong một nghiên cứu về các nhà điêu khắc đẳng cấp thế giới, người ta phát hiện ra hầu hết họ đều là sinh viên trung bình. Hai phần ba trong số họ tốt nghiệp trung học với bảng điểm loại B và C.
Một khuôn mẫu tương tự xuất hiện khi so sánh các kiến trúc sư có ảnh hưởng nhất nước Mỹ với các kiến trúc sư đồng trang lứa không mấy thành công trong quá trình phát triển ở lĩnh vực này. Các kiến trúc sư vĩ đại hiếm khi là sinh viên giỏi: họ thường tốt nghiệp đại học với điểm trung bình là B. Những đồng nghiệp cầu toàn của họ có thứ hạng sáng chói khi còn là sinh viên nhưng lại xây dựng nên những tòa nhà kém lấp lánh hơn nhiều.
Sự thật là, chủ nghĩa cầu toàn gây ra tình trạng chậm phát triển. Trong “Biến tiềm năng thành tài năng”, Adam Grant đã chỉ ra ba sai lầm của người cầu toàn khiến họ khó thành công: Bị ám ảnh bởi những chi tiết không quan trọng; Tránh né việc mắc lỗi, từ đó ngăn cản phát triển kỹ năng mới; và cuối cùng là Trách móc bản thân hay mắc sai lầm thay vì học hỏi từ chúng.
Theo tác giả, liều thuốc để chữa trị chủ nghĩa cầu toàn là nỗ lực hết sức mình. Để phát triển, bạn phải không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng và chấp nhận những thiếu sót của mình. Suy cho cùng, chúng ta trưởng thành bằng cách học hỏi từ những sai lầm và thiếu sót chứ không phải trừng phạt chúng.
Trong cuốn sách của mình, Tiến sĩ Grant nhắc đến Benny Lewis, một tác giả và blogger người Ireland tự nhận mình là "hacker ngôn ngữ công nghệ". Anh được biết đến với trang web "Thông thạo mọi ngôn ngữ trong 3 tháng", nơi anh ghi lại hành trình học ngôn ngữ trong thời gian ngắn. Benny đã chứng minh khả năng thông thạo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức... bằng cách chấp nhận cảm giác khó chịu và theo đuổi phương pháp không hoàn hảo.
Khi chuẩn bị học một ngôn ngữ mới, Benny đặt mục tiêu mắc ít nhất 200 lỗi mỗi ngày. Anh đo lường sự tiến bộ bằng số lỗi mắc phải và chia sẻ: “Càng mắc nhiều lỗi, bạn càng tiến bộ nhanh hơn và ít cảm thấy phiền muộn vì mắc lỗi hơn. Cách chữa trị tốt nhất cho cảm giác khó chịu khi mắc sai lầm là mắc nhiều sai lầm hơn”.
2. Lùi lại không phải là dấu hiệu của "hết thời"
Nhiều người tin rằng sự chững lại là dấu hiệu cho thấy họ đã "hết thời". Các bác sĩ phẫu thuật lo sợ thị lực và phản xạ suy giảm. Các nhà khoa học lo lắng về việc các tế bào thần kinh dần chết đi. Vận động viên sợ sức mạnh và tốc độ suy giảm. Tuy nhiên, Giáo sư Adam Grant chỉ ra rằng sự tiến bộ của con người không dễ dàng mất đi như vậy. "Hết thời" là một khái niệm mơ hồ khiến con người dễ dàng thỏa hiệp khi từng ở đỉnh cao sự nghiệp và giờ bị tụt dốc. Ông phân tích những trường hợp vượt qua cái gọi là "hết thời" để một lần nữa chạm đến vinh quang, như câu chuyện của R.A. Dickey, tay ném bóng knuckleball huyền thoại.
Dickey bắt đầu lại sự nghiệp đỉnh cao ở tuổi 35, trong khi những cầu thủ ném bóng thường đạt đỉnh cao ở tuổi đôi mươi và giải nghệ ở độ tuổi ba mươi. Anh đã đối mặt với 14 năm ở các giải bóng nhỏ, xuất phát điểm là một người khiếm khuyết, thiếu một dây chằng ở khuỷu tay phải – mô mềm quan trọng quyết định tốc độ ném bóng. Điều này đặt ra giới hạn rõ ràng lên tiềm năng của anh. Trong suốt giai đoạn đó, Dickey bị gán mác bởi những từ ngữ tiêu cực từ các bình luận viên: tầm thường, thiếu nổi bật, đã hết thời, sẽ chẳng đi đến đâu…
Vậy Dickey đã làm gì ở tuổi 35? Anh nhận ra tiềm năng còn ẩn giấu của mình và không ngừng phát triển nó. Năm đó, anh trở thành một trong 10 vận động viên ném bóng chày giỏi nhất thế giới và ký hợp đồng triệu đô với đội New York Mets trong nhiều năm. Bất ngờ hơn, 8/10 người giỏi nhất thế giới về bộ môn bóng chày khi đó đã giải nghệ, người thứ 9 không bao giờ có thể quay trở lại các giải đấu lớn, chỉ có mình Dickey vẫn duy trì phong độ.
Theo Grant, có hai khoảnh khắc giúp chúng ta vượt qua trì trệ để phát triển: Lùi lại để tiến về phía trước: Chấp nhận bắt đầu lại, học hỏi kỹ năng mới, thay đổi phương pháp tiếp cận. Và thứ hai là Không có bản đồ hoàn hảo cho tương lai, chỉ có một chiếc la bàn đúng hướng: Tập trung vào định hướng thay vì cố tìm kiếm lộ trình chi tiết hoàn hảo.
“Sự sa lầy không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã thất bại. Sự ổn định cũng không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã đạt đến đỉnh cao. Đó là những tín hiệu cho thấy đã đến lúc bạn phải quay lại và tìm một lộ trình mới. Khi bạn bị mắc kẹt, nguyên nhân thường là do bạn đi sai hướng, sai đường hoặc hết năng lượng. Để lấy đà, việc cần làm thường là lùi lại và điều chỉnh hướng đi về phía con đường khác – ngay cả khi đó không phải là con đường ban đầu bạn dự định đi. Nó có thể xa lạ, quanh co và gập ghềnh. Sự tiến bộ hiếm khi diễn ra theo một đường thẳng mà thường theo đường vòng” – Adam Grant nhìn nhận.
3. Để đạt kết quả, không nên bắt đầu học cùng chuyên gia
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng để nhanh chóng đạt được kết quả, việc bắt đầu học cùng chuyên gia không phải là lựa chọn tốt nhất. Thiên tài vật lý Albert Einstein, người tốt nghiệp tiến sĩ năm 27 tuổi và đạt giải Nobel Vật lý với những đóng góp thay đổi nền văn minh nhân loại, lại là người hướng dẫn tệ nhất. Ông suýt không thể nhận vị trí giảng viên vì hiệu trưởng trường đại học không hài lòng với kỹ năng giảng dạy của ông. Tài liệu của ông thường khiến sinh viên choáng ngợp, khó có thể sắp xếp bài giảng một cách hệ thống. Cuối cùng, khóa học về nhiệt động lực học của ông chỉ có ba sinh viên theo học và phải hủy lớp tiếp theo.
Hóa ra, khi đi trên con đường mới, những chuyên gia giỏi nhất thường là những người hướng dẫn tồi tệ nhất. Giáo sư Adam Grant lý giải rằng có hai nguyên nhân: Khoảng cách quá xa với người mới bắt đầu: Họ đã đi quá xa để có thể nhớ được cảm giác của người mới học. Và Kiến thức mang tính ngầm ẩn: Kiến thức của chuyên gia không hiển hiện rõ ràng, khó truyền đạt cho người mới.
Lời khuyên được đưa ra là khi muốn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, việc tìm kiếm hướng dẫn từ các chuyên gia danh tiếng có thể không hiệu quả. Việc phụ thuộc vào một người dẫn đường duy nhất cũng là sai lầm. Thử thách ở đây là kết hợp các lời khuyên khác nhau thành một lộ trình phù hợp với bạn.
Những phân tích của Giáo sư Adam Grant mang đến góc nhìn mới về cách chúng ta đối mặt với sự cầu toàn, sự trì trệ và việc học hỏi. Bằng cách chấp nhận không hoàn hảo, vượt qua cảm giác "hết thời" và lựa chọn phương pháp học phù hợp, chúng ta có thể tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ngưỡng mộ. Suy cho cùng, bên trong mỗi người đều ẩn chứa những tiềm năng lớn, chỉ là bạn chưa biết cách khai thác mỏ vàng của chính mình mà thôi.