Trong nhịp sống hối hả của thế giới hiện đại, con người mải mê chạy theo những tham vọng sự nghiệp, những hoài bão lớn lao rồi để bản thân bị cuốn theo những guồng quay không thấy điểm dừng. Ở thế giới này người ta hỏi nhau về những con số trên hóa đơn thay vì chú tâm tận hưởng một cơn mưa đầu hạ tươi mát, người ta quan tâm đến những tỉ số phần trăm lên xuống trên sàn chứng khoán thay vì để ý sự chuyển mình nhè nhẹ của đất trời giao mùa. Sự vội vàng là rào cản để chúng ta tận hưởng trọn vẹn cuộc sống tươi đẹp này. Cuốn sách mà chúng tôi sắp giới thiệu sau đây là một cuốn cẩm nang cho những ai đang trên đường tìm kiếm sự bình an giữa thế giới chuyển đổi – một trạm dừng chân cho tâm hồn – “Bí quyết sống tỉnh thức trong 8 ngày” của tác giả Kathirasan K.
Cuốn sách giúp bạn đọc tiếp cận gần gũi nhất với chánh niệm - một thuật ngữ mới mà có lẽ phần ít người có thể hiểu được ý nghĩa. Đó là “nuôi dưỡng sự nhận biết khoảnh khắc hiện tại, sao cho chúng ta có thể đối diện với chính mình và người khác bằng sự tử tế và lòng yêu thương”. Qua đây, Kathirasan sẽ dẫn dắt bạn đọc trong hành trình 8 ngày chuyển hóa bằng chánh niệm và lòng yêu thương với những trải nghiệm mới mẻ thoát khỏi những lối mòn suy tư trong tâm trí.
Theo tác giả, ai trong chúng ta cũng có một chế độ tự động trong bộ não của mình và “Mỗi khi chúng ta làm mọi việc một cách máy móc mà không có ý thức chánh niệm thì chế độ tự động này sẽ được kích hoạt”. Một cách rõ ràng hơn, đó là “bạn có thể vừa đọc báo vừa uống trà nhưng ngay khi vừa uống xong tách trà thì bạn nhận ra rằng mình không thể nhớ được chút nào về hương vị của nó”. Chúng ta chỉ lặp đi lặp lại những hành động như một thói quen và coi nó là nghĩa vụ trong khi tâm trí đang lãng đãng trong mớ suy nghĩ khác. Đương nhiên bạn vẫn không hề chậm trễ tiến độ công việc nhưng một khi chế độ này ở nút ‘ON’, nó trở thành rào cản và cánh cửa mở ra cho bạn tận hưởng trọn vẹn mọi khoảnh khắc hiện ‘OFF’. Việc thường xuyên “mất quyền kiểm soát” từ việc đơn giản đến phức tạp, từ cá nhân đến xã hội khiến chúng ta đánh mất sự chú tâm của mình, đến độ chúng ta chẳng thể nhớ ra hành trình mà mình đang đi, tất cả những gì chúng ta hứng thú chỉ là đích đến mà thôi.
Thông qua những ví dụ đầy tính hiện thực, Kathirasan K như rung một hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta – những con người đang sống quá hối hả, vội vàng. “Mục đích sống nằm ở việc ‘sống’ chứ không phải nằm ở việc ‘tìm kiếm’ một câu trả lời. Khi từ bỏ nỗ lực tìm kiếm đó, bỗng nhiên tôi bắt đầu sống một cuộc sống có mục đích hơn và có ý nghĩa hơn”. Về căn bản, chánh niệm chính là khả năng nhận biết sâu sắc, vẹn toàn những gì mình đang làm, đang thấy, đang chứng kiến như nó đang là. Hãy tập tận hưởng cuộc sống ngay tại đây và ngay bây giờ, khi niềm vui được xây dựng từ những chung dị đời thường, bạn không còn cần những thú vui ở bên ngoài để khỏa lấp cơn trống trải bên trong tâm hồn mình. Do đó, bài thực hành đầu tiên chính là Nhận biết với lòng hiếu kỳ:
1. Bắt đầu bằng việc nhận biết môi trường nơi bạn đang ở
2. Khám phá điều đó bằng óc hiếu kỳ
3. Chuyển sang nhận biết con người, đồ vật hoặc cũng có thể là quan sát lòng bàn tay mình.
4. Hãy quan sát như thể bạn mới nhìn thấy chúng lần đầu tiên.
5. Bắt đầu nhận biết những tiểu tiết mà bạn thường không để tâm.
6. Thực hành bài tập này trong khoảng ba phút.
Bằng thái độ tích cực và lòng kiên nhẫn, bạn nhìn cuộc đời bằng ánh mắt chưa từng, thấu hiểu những điều tưởng như trừu tượng. Việc gì bạn làm cũng có thể vui, sự việc nào xảy ra đến với bạn cũng đều thật đáng quý vì nó đến trong thời điểm đó là tốt nhất đối với bạn, khi bạn tỉnh thức, bạn nhận biết được nó, khi đó bạn biết bạn đã có một bài học đáng quý trong cuộc sống của mình và việc của bạn cần làm là biết ơn số phận, biết ơn những gì mà mình nhận được lúc đó để phát triển được bản thân mình hơn trên con đường phía trước mà bạn phải đi qua.
Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao trẻ con lúc nào cũng vui vẻ hạnh phúc? Bởi qua lăng kính ngây thơ của chúng không có sự phán xét và đánh giá, chúng chỉ cảm nhận đúng những gì mình thấy. Vậy để thành người lớn chúng ta đã phải đánh đổi điều gì? “Bản tính của chúng ta là gán giá trị cho những thứ về bản chất không có giá trị gì. Đây chính xác là lý do tại sao chúng ta cực kỳ kính trọng và nịnh nọt vị CEO của công ty mà không làm điều tương tự với người tạp vụ văn phòng”. Sống tỉnh thức là đưa thái độ và những giá trị tỉnh thức vào trong cuộc sống hằng ngày.
Chúng ta cần cảm nhận về tất cả mọi người luôn tinh khôi và đơn giản là những con người bởi sự khác biệt duy nhất giữa họ chỉ là hoàn cảnh hiện tại mà thôi – một thứ không hề chắc chắn. “Hôm nay một người có thể là một tù nhân, nhưng ngày mai hoặc một ngày nào đó trong tương lai, anh ta có thể là một doanh nhân thành đạt. Con người có thể thay đổi, nhưng thiên tính của họ không thay đổi.”. Tác giả đưa ra một thông điệp ý nghĩa “Cái vai mà tôi đang mang không phải là tôi”. Bạn có thể là giám đốc một công ty, nhưng đồng thời bạn cũng là một người chồng, người cha của gia đình. Mỗi vai trò của chúng ta chỉ có ý nghĩa trong từng hoàn cảnh và giới hạn thời gian nhất định. Điều bạn cần là “nhấc lên” và “đặt xuống” được những cái vai của mình để trở về là con người bạn như vốn dĩ.
Phản chiếu một cách trung thực là cách giảm đáng kể mức độ đau khổ, căng thẳng và trải nghiệm từng khiến ta suy nhược. “Tâm trí của bạn tương tự như một màn hình, hoàn toàn trắng và sẵn sàng nhận bất kỳ trải nghiệm nào về mặt cảm giác. Nó nhận sự phóng chiếu nhưng bản thân nó không bị thay đổi.”. Bởi vậy, thay vì nói “Tôi không khỏe”, bạn hãy nói “Tôi đang đau”. Điều này khiến bạn tách mình ra khỏi nỗi đau về mặt tâm lý trong khi vẫn trải nghiệm nó về mặt vật lý. Bạn xem đây là một trải nghiệm để chứng kiến mà không để chúng xâm nhập vào giây phút hiện tại để rồi làm cho ta bị mắc kẹt vào những cảm xúc và suy nghĩ.
Bạn có biết không bản chất của nỗi đau không nằm ở chính nó, mà nằm ở thái độ của bạn về nó, chuyện gì xảy ra lúc đó ắt là nó phải xảy ra, cuộc sống của chúng ta cũng có lúc vui và cũng có lúc buồn, có lúc rất may mắn và cũng có những khi không được như ý muốn của chúng ta nó lên và xuống như nhịp đập của trái tim, bạn có biết vì sao không? Là vì chúng ta đang sống và mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống cũng là lẽ thường tình. Việc của chúng ta là rút tầm ảnh hưởng của nỗi đau, của vấn đề đó ra khỏi người, vấn đề và những nỗi đau đó sẽ mất đi sức mạnh. Nó sẽ biến mất vào hư không. Nhận biết được sự việc trong trạng thái tỉnh thức sẽ giúp bạn trải nghiệm nỗi đau theo một cách mới mẻ và tích cực hơn.
Tác giả lần lượt giới thiệu những bài thực hành ý nghĩa như Chánh niệm trong hơi thở và Ăn trong chánh niệm. Đặc biệt, ông nêu ý kiến về một hiện tượng phổ biến toàn cầu – đó là Giải độc thiết bị công nghệ. Chúng ta bỏ quên những vô tư trong sáng của đời thường để nhốt mình trong không gian mạng chật hẹp, chạy đua những thành tích ảo vô nghĩa. Những thiết bị này len lỏi vào trong bộ não khiến chúng ta nghiện chúng. Chúng ta chăm chú vào màn hình điện thoại thay vì trò chuyện cùng nhau trong buổi hẹn hò, chúng ta chú tâm việc chỉnh sửa những bức ảnh lung linh thay vì kể cho nhau nghe về ngày hôm nay. Kathirasan K đã gợi ý cách để chúng ta tự “giải độc” mình, thoát khỏi sự nghiện ngập là tránh xa những thiết bị này vào một số thời điểm và tình huống cụ thể như trong khi ăn, khi chuẩn bị đi ngủ, khi đang đi bộ hay khi ở cùng những người thân của mình. Hãy trân quý thời gian thực chúng ta có mặt trên cuộc đời.
Mọi trải nghiệm trên đời đều mới mẻ và đầy ý nghĩa. “Mỗi trải nghiệm là một cảm giác hoặc một ý nghĩ hoặc một cảm xúc đã được diễn dịch thông qua sự đánh giá của chúng ta. Niềm vui và nỗi khổ vốn không tồn tại trong những cảm giác. Niềm vui và nỗi khổ chỉ xuất hiện khi chúng ta chồng lên những cảm giác ấy một lớp phán xét mang tính cá nhân.”. Sống với những nhận biết của chính mình, chúng ta thường quên đi những hạnh phúc nhỏ bé, giản dị trong đời thường. Đối với niềm vui của trẻ con chỉ với một vài hòn bi nhỏ hay một chậu nước đầy là có thể vui đùa chạy nhảy suốt cả ngày với nhau nhưng người lớn lại khác, họ cả thèm chóng chán, lại có thói quen bận rộn nên chẳng thể tập trung vào cái gì đó quá lâu.
Chúng ta thường hay khó chịu khi thời tiết nóng bức, kêu than khi tiết trời lạnh giá. Vậy chúng ta đã bao giờ có những khoảnh khắc cảm nhận được những tia nắng ấm áp chạm vào da thịt mình, có bao giờ chúng ta cảm nhận được mùi hương của cỏ cây khi cơn mưa vừa đi qua, chúng ta có thể cảm nhận được những cơn gió mát lùa vào và nâng niu từng sợi tóc của chính mình, hay đơn giản như chúng ta cảm thấy vui khi được tận hưởng khoảnh khắc mình đi bộ và được sống tận hưởng với mọi thứ mà cuộc sống này đem lại cho chúng ta.“Hãy hình dung sống tỉnh thức tương tự như là một đại dương chấp nhận mọi con sông đổ về mà không hề chối từ dòng chảy nào. Nó cứ bền bỉ mặc cho trăm ngàn con sông không ngừng cuồn cuộn chảy vào lòng nó”.
Khi bạn trân trọng những giá trị của cuộc sống, bạn sẽ dần có được lòng biết ơn. “Tôi biết ơn mặt trời đã cung cấp cho chúng ta ánh sáng và hơi ấm; biết ơn không khí mà tôi hít thở; biết ơn hệ thống giao thông công cộng tôi sử dụng hằng ngày.”. Lòng biết ơn là một viên thuốc thần kỳ giúp lắng dịu sự xáo trộn tinh thần của chúng ta ngay tức thì. “Lòng biết ơn không chỉ là nói lời cảm ơn và tỏ ra cảm kích, mà đó là một cách nhìn thế giới thông qua lăng kính của tâm mình.”. Lòng biết ơn là chìa khóa để ta thêm yêu mình, yêu đời, thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
“Nếu bạn đã tìm thấy được ý nghĩa của đời mình, bạn sẽ không muốn quay trở lại. Bạn chỉ muốn tiến tới. Bạn muốn nhìn thấy nhiều hơn, làm nhiều hơn. Bạn không thể chờ cho tới khi bạn 65 tuổi.”. Theo tác giả, ý nghĩa cuộc đời có thể được định nghĩa đơn giản là tìm thấy “chân ngã”, tức cái tôi đích thực của chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa trong việc nuôi nấng con cái, chăm sóc gia đình, thành công trong công việc hoặc trong đời sống tinh thần. Mỗi chúng ta có con đường riêng của mình và không thể có chuyện bạn hạnh phúc vì thấy được ý nghĩa cuộc đời của người khác. Chúng ta đặt thành công trong sự nghiệp, ổn định về tài chính, có một người để yêu thương rồi sinh con là chuẩn mực của xã hội. Chúng ta ra bên ngoài tìm kiếm thứ gọi là tình yêu bản thân và tư duy tích cực nhưng chúng ta không biết rằng bên trong chúng ta có sẵn tất cả mọi thứ, có điều chúng ta có muốn phát triển cái mầm cây nhỏ đó hay không. Nhờ khả năng nhận biết và trưởng thành về mặt tư duy, ý chí và cảm xúc, bạn sẽ cảm thấy ngày càng sáng tỏ về mình.
“Có thể liên tưởng với cảnh tượng khi bạn đang ở trong một đường hầm dài thăm thẳm và chợt thấy một chấm sáng nhỏ ở cuối đường hầm. Khi bạn bước chậm rãi về hướng đó, chấm sáng nhỏ sẽ dần lớn hơn và lớn hơn, cuối cùng bạn ra khỏi đường hầm, tắm mình trong ánh sáng mặt trời.”.
Cuốn sách giống như cơn mưa rào mùa hạ tưới mát những tâm hồn khô héo trong làn khói bụi xô bồ nơi thành thị, xoa dịu trái tim con người bằng thanh âm dịu êm. Chúng ta hiểu rằng hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đang đi, là những giây phút hiện tại mà cuộc sống đã đem đến, chỉ cần ta chậm lại quan sát và hít thở, ta sẽ thấy rằng mọi thứ vẫn còn nguyên vẹn, ở ngay bên cạnh, rằng cuộc đời vẫn luôn ôm ta bằng một vòng tay êm ái và dịu dàng đến thế.
Cùng cuốn cẩm nang bổ ích này, chỉ vài phút thực hành sống tỉnh thức mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và lo âu, tăng hiệu quả và sức sáng tạo, ứng phó với chứng đau mãn tính và cải thiện các mối quan hệ cá nhân. Hãy đưa chánh niệm vào đời sống của bạn. Hãy bắt đầu hành trình tỉnh thức của bạn từ đây, bạn nhé.