Vượt bẫy cảm xúc - Yêu thương bản thân không phải là tự lừa dối

Quin13/06/2023 08:00
Vượt bẫy cảm xúc - Yêu thương bản thân không phải là tự lừa dối

Yêu thương bản thân nghĩa là nhìn nhận bản thân dưới lăng kính khách quan, tức là một cái nhìn bao quát, toàn diện và không phủ nhận thực tế, mà thay vào đó là thừa nhận những thử thách và thất bại của mình như một phần của quá trình làm người.

Trong một nghiên cứu, người tham gia đến dự một buổi tuyển dụng giả và được yêu cầu mô tả điểm yếu lớn nhất của mình. Kết quả cho thấy những người yêu thương bản thân hơn không hề “nói giảm nói tránh” về điểm yếu của mình nhiều hơn những người khác. Tuy nhiên, họ ít lo lắng và ít tỏ ra sợ sệt hơn hẳn những người khác khi phải thừa nhận những điểm yếu của mình.

Thật ra, yêu thương bản thân khác với tự lừa dối. Chúng ta không thể thật sự thương yêu bản thân nếu không đối mặt với sự thật về việc mình là ai và đang cảm thấy như thế nào. Chính khi thiếu tình yêu bản thân, chúng ta mới dễ có khuynh hướng giả vờ dũng cảm và tỏ ra tự tin thái quá nhằm phủ nhận khả năng mình có thể thất bại. Khi thiếu bao dung với bản thân, chúng ta thấy thế giới này cũng kém rộng lượng hệt như mình nên sẽ rất kinh khủng nếu chúng ta phạm sai lầm.

Hãy tưởng tượng câu chuyện về một nữ sinh cực kỳ sáng dạ và chăm chỉ đã tốt nghiệp trung học với thành tích đáng nể và được nhận vào một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới mà ai cũng muốn được theo học. Cô nhập học và nhận ra các sinh viên xung quanh đều thông minh và chăm chỉ như mình. Thật ra, một số bạn học mới của cô còn xuất sắc hơn cô - họ xuất thân từ những gia đình danh tiếng, được xã hội trọng vọng, và từng học ở các ngôi trường có chất lượng hàng đầu.

Nếu chỉ đóng khung bản thân trong một hình mẫu hạn hẹp như “đứa trẻ có bộ não thiên tài” hay “học sinh thông minh nhất lớp” như từ trước đến nay, cô sinh viên của chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào về bản thân mình lúc này? Khi loay hoay cố gắng bắt kịp tất cả các sinh viên ưu tú xung quanh, cô ấy sẽ cần có sự linh hoạt cảm xúc đủ để định vị lại bản thân theo cách mới, rộng mở hơn và linh hoạt hơn. Để làm được điều đó, cô cần tự cảm thông với bản thân khi phải vất vả như một chú cá nhỏ bỗng nhận ra mình vừa bơi ra biển lớn.

Lòng cảm thông mang lại cho chúng ta sự tự do để nhìn nhận lại bản thân và quan trọng hơn cả là tự do để vấp ngã, trong đó bao gồm tự do đón nhận rủi ro mà nhờ đó ta mới thật sự phát huy được khả năng sáng tạo của mình.

Đó là điều mà tác giả Susan David đã chia sẻ trong cuốn sách Vượt bẫy cảm xúc của mình. Trong cuốn sách này, tác giả sẽ giúp ta nhận ra lợi ích của những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bất an, xấu hổ, hoài nghi… trong cuộc sống. Từ đó vững vàng đón nhận thử thách cũng như nắm bắt các cơ hội phát triển trong suốt hành trình cuộc đời mình.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 2, 22/04/2024