Những miếng bánh cuốn đầu tiên tôi được nếm hết sức tình cờ - chúng đến từ cửa hàng bánh mì nằm ở Khu 3, thành phố Houston. Tôi làm việc tại một nhà trẻ và hầu hết những gì tôi ăn đều từ quán ăn Việt nhỏ bé này. Quán nằm giữa một xưởng in và nhà chờ xe buýt xập xệ, nhưng hai mẹ con chủ quán luôn đon đả với tôi. Họ quán xuyến mọi việc với một cái bếp, một máy ép cà phê và một lò nướng bánh mì. Trong tuần đầu tiên tôi làm thực khách, họ luôn nói “Thưa ngài” với tôi. Một tháng sau, tôi được gọi một cách thân mật là “Bryan”. Sau đó, họ gọi tôi một cách thân tình: "Này, anh mập".
Một ngày nọ, con trai người chủ quán nói rằng tôi nên thử một món ăn khác. Vài lần sau tôi ghé quán, anh ta lặp lại lời đề nghị. Vài tuần sau đó, anh ta đưa cho tôi hộp bánh cuốn kèm lọ đựng nước chấm và giá riêng cùng lời nhắn: "Đủ ngon rồi đó".
Bánh cuốn là một món ăn có nguồn gốc từ miền Bắc Việt Nam. Nguyên liệu chính là một loại bột gạo được tráng mỏng hấp nhẹ, sau đó dùng thịt lợn xay đã được tẩm gia vị và nấm mộc nhĩ băm nhỏ làm nhân bánh. Như Jerry Mai lưu ý trong cuốn Street Food Vietnam (Thức ăn đường phố Việt Nam), “bánh cuốn theo truyền thống được ăn vào bữa sáng nhưng cũng có thể thưởng thức suốt cả ngày”. Món này được dùng kèm với rau muối (có lẽ là rau sống?), dưa chuột thái lát (thay su hào ngâm dấm?) và giá đỗ. Nếu may mắn, bạn còn có thêm đĩa nước chấm ngâm tỏi ớt. Nhưng từ công thức cơ bản này, bạn có rất nhiều biến thể: làm nhân bằng thịt lợn nướng, tôm khô bằm hay ăn kèm chả giò, hoặc bạn có thể chọn đậu phụ chiên giòn ăn kèm nếu không muốn ăn thịt.
Ăn bánh cuốn ven đường vào buổi sáng trong sự ồn ào của những thực khách khác, ngồi trên ghế đẩu và bàn gấp, về cơ bản là một điều tuyệt vời. Độ dày của miếng bánh cuốn có thể khác nhau tùy theo cách làm của từng quán ăn và cả phần nhân cũng thế, nhưng bạn vẫn bị chinh phục hết lần này đến lần khác. Có lẽ bánh tráng sẽ ngon hơn một chút. Có lẽ thịt lợn đậm đà hơn một chút. Nhưng nhiều năm sau khi quán cũ tôi quen đóng cửa và mẹ con chủ quán chuyển đi (chiều hôm đó tôi đã rơi nước mắt, còn họ bảo tôi đừng buồn), tôi nghĩ sẽ không thử món ăn đó nữa cho đến khi một người bạn đưa tôi đi ăn sáng ở Bellaire nhiều năm sau. Quán mới này nằm ngay cạnh một con đường nhỏ nhưng ngay cả khi khung cảnh đã thay đổi, cảm giác về các hương vị cũng khiến tôi bồi hồi: dễ chịu, đơn thuần, tinh tế và đan xen.
Tôi hỏi anh bạn xem có ai đã từng làm món này ngon hơn chưa. Anh mỉm cười nhã nhặn kể tên vài quán bán bánh cuốn khác và cả mẹ mình nữa.
Đương nhiên, để bù đắp thời gian đã mất, tôi bắt đầu gọi bánh cuốn bất cứ khi nào tôi trông thấy. Việc thử món ăn này từ nhà hàng này sang nhà hàng khác trong suốt nhiều năm đã giúp tôi mở ra cơ hội khám phá những cách lặp lại phức tạp mới. Có giá trị trong sự đơn giản của một vài việc được thực hiện một cách chính xác.
Và hệ sinh thái ẩm thực Việt Nam tại Houston ngày càng phổ biến: Bạn sẽ tìm thấy bánh đa cua, bánh canh cua, bánh xèo, nem nướng cuốn, bún bò Huế và mì Quảng trong cùng tòa nhà liên hợp và hai bên là các ngân hàng, quán cà phê... đã hòa nhập chặt chẽ vào DNA của thành phố. Hiếm khi lái xe quá xa trong vùng mà ta không bắt gặp một quán mì. Có thể hiếm khi tìm thấy một vị trí sang trọng, hào nhoáng mà thực đơn lại vắng bóng món ăn ghi bằng tiếng Việt. Và nền văn hóa này, cùng với ẩm thực, là nền tảng của thành phố. Nếu bạn hỏi mọi người xung quanh về những món ăn Việt ngon nhất ở Houston, rất có thể bạn sẽ được kể về mẹ của ai đó hoặc một người nào đó liên quan có cái tên Việt.
Giống như rất nhiều món ăn Việt Nam, bánh cuốn có nhiều lớp, bắt mắt và nổi bật nhưng cũng khá dễ ăn. Khi bạn chế biến món ăn, bất kể kết quả thế nào, nó vẫn sẽ ngon. Vì vậy, sẽ không sao nếu bạn không thành công trong vài lần đầu thử làm vì bạn sẽ thử lại. Đừng lo lắng nếu bạn vẫn đang loay hoay phân tích hàm lượng các nguyên vật liệu khi chế biến. Bạn càng hình thành công thức của riêng mình thì bạn càng có thể trộn, hấp và cuốn bánh tốt hơn.