Tháng 7.2023 được ghi nhận là tháng nóng nhất trong lịch sử loài người và gióng hồi chuông cảnh báo nhân loại về hậu quả khủng khiếp của thói quen dùng nhiên liệu hóa thạch.
Khi chúng ta chuẩn bị sống trong một thế giới "nóng bỏng" với các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan thì có lẽ đã đến lúc phải xem xét các biện pháp thích nghi như sống dưới lòng đất.
Được bao quanh bởi khối lượng lớn đá và đất hấp thụ nhiệt nên nhiệt độ dưới lòng đất có thể duy trì ổn định hơn nhiều so với trên bề mặt mà không cần phụ thuộc vào điều hòa không khí hoặc sưởi ấm tiêu tốn nhiều năng lượng.
Sống dưới đất cũng ổn
Không chỉ có thể sống ở dưới lòng đất, con người (và động vật) còn từng sống thoải mái dưới lòng đất trong suốt lịch sử trước đây. Nhưng liệu đó có phải là giải pháp khả thi để đối phó với khủng hoảng khí hậu đang ngày càng trầm trọng?
Tại thị trấn mỏ Coober Pedy ở Nam Úc, 60% dân số tận dụng hiệu ứng “mát âm” này bằng cách sống dưới lòng đất. Cái tên Coober Pedy xuất phát từ một cụm từ thổ dân, "kupa piti" có nghĩa là "người da trắng ở trong hố".
Mùa hè tại đây nóng đến 52°C còn mùa đông lạnh giá 2°C trên mặt đất nhưng nhiệt độ bên dưới lại luôn duy trì ổn định ở mức 23°C. Nếu không có nơi trú ẩn bằng đá tự nhiên này, họ phải dùng điều hòa không khí vào mùa hè vốn rất tốn kém.
Trên mặt đất, cái nóng mùa hè có thể khiến chim cũng không thể bay và đồ điện tử chập mạch. Tuy nhiên, dưới mặt đất, nhiều người dân Coober Pedy vẫn tận hưởng cuộc sống sang chảnh với các phòng khách ấm cúng, hồ bơi và nhiều không gian thoải mái.
Nhà phải cách mặt đất ít nhất 2,5m để tránh bị sập mái. Bất chấp quy định này, tình trạng sập hang đôi khi vẫn xảy ra. Vào những năm 1960 và 70, người dân địa phương đã khoét lỗ trên mặt đất bằng cuốc và chất nổ. Ngày nay, họ sử dụng các công cụ đào múc cơ khí, mặc dù công việc đôi khi vẫn được thực hiện bằng tay. Việc cắt xẻ những khối đá lớn không mất nhiều thời gian vì đá sa thạch ở đây khá mềm.
Đôi khi việc đào đất làm nhà còn thu được món hời; điển hình là vụ một người đàn ông đã tìm thấy một viên đá opal trị giá 1 triệu USD khi làm nhà tắm dưới đất. Thỉnh thoảng, người ta sẽ vô tình đào vào hang nhà hàng xóm. Nhưng nói chung, sống ngầm dưới đất tối đa hóa sự riêng tư.
Năm 1963, một người đàn ông ở Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) đã dùng búa tạ đập vào bức tường tầng hầm vì nghi ngờ đàn gà bị lạc trong đó. Nhờ đó, ông đã phát hiện ra một mê cung rộng lớn gồm nhiều đường hầm dưới lòng đất. Thành phố Derinkuyu đã được khai quật.
Được xây dựng vào đầu năm 2000 trước Công nguyên, mạng lưới đường hầm 18 tầng của Derinkuyu đạt độ sâu 76 mét dưới bề mặt, với 15.000 ống thông dẫn ánh sáng và gió vào mê cung. Derinkuyu còn có cả nhà thờ, chuồng ngựa, nhà kho và nhà ở đủ phục vụ 20.000 người .
Người ta cho rằng Derinkuyu đã được sử dụng gần như liên tục trong hàng ngàn năm làm nơi trú ẩn trong thời chiến. Nhưng vào những năm 1920, Derinkuyu đã bị bỏ hoang sau nạn diệt chủng.
Trong khi nhiệt độ ngoài trời của Cappadocia dao động trong khoảng 0°C vào mùa đông và 30°C vào mùa hè thì nhiệt độ dưới thành phố ngầm vẫn ở mức mát mẻ 13°C. Ngay ở thời chưa có điện, Derinkuyu là nơi hoàn hảo để bảo quản trái cây và rau quả. Ngày nay, một số đường hầm được sử dụng để lưu trữ lê, khoai tây, chanh, cam, táo, bắp cải và súp lơ.
Giống như Coober Pedy, đá ở đây mềm và đất tơi nên việc xây dựng đường hầm trở nên dễ dàng.
Những trở ngại khi sống dưới lòng đất
Trong khi hầu hết mọi người sẵn sàng đi xuống lòng đất trong khoảng thời gian ngắn, thì ý tưởng sống dưới lòng đất vĩnh viễn lại khiến mọi người khó chấp nhận hơn nhiều.
Thế giới ngầm đồng nghĩa với "âm phủ" trong nhiều nền văn hóa. Ở dưới lòng đất trong những không gian hạn chế có thể gây ra chứng sợ bị giam cầm và lo sợ về hệ thống thông gió kém.
Về mặt sinh học, sinh lý, cơ thể chúng ta không được thiết kế cho cuộc sống dưới lòng đất. Con người sống dưới lòng đất quá lâu mà không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có thể ngủ tới 30 giờ mỗi lần. Sự gián đoạn nhịp sinh học có thể gây ra một loạt vấn đề sức khỏe.
Một nguy cơ khác đối với cuộc sống dưới lòng đất là lũ quét, mối lo ngại đặc biệt vì biến đổi khí hậu dễ gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn như bão lũ, sạt lở.
Việc xây dựng dưới lòng đất thường đòi hỏi những vật liệu chắc chắn, đắt tiền hơn để có thể chịu được áp lực dưới lòng đất. Để tính toán các lực này, cần phải tiến hành khảo sát địa chất cặn kẽ trước khi động thổ.
Nhiệt độ dưới lòng đất cũng bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra trên mặt đất. Một nghiên cứu của khu thương mại Chicago Loop cho thấy nhiệt độ đã tăng đáng kể từ những năm 1950 khi nhiều cơ sở hạ tầng sinh nhiệt được xây dựng trong cùng khu vực, chẳng hạn như trạm đỗ xe, xe lửa….
Sự gia tăng nhiệt độ có thể gây ra hư hỏng cấu trúc ngầm. Để môi trường dưới lòng đất thân thiện với con người, chúng phải an toàn và đảm bảo có ánh sáng tự nhiên, thông gió tốt cũng như mang lại cảm giác kết nối với thế giới bên trên.
Thành phố ngầm dài 20 dặm của Montreal có tên RÉSO là hiện thực hóa của cuộc sống lý tưởng này. Khu phức hợp kết nối các tòa nhà để mọi người có thể tránh được nhiệt độ dưới 0 độ bên ngoài. Không gian này có sự kết hợp giữa văn phòng, cửa hàng bán lẻ, khách sạn và trường học, hòa quyện hoàn hảo với môi trường trên mặt đất.
Biến đổi khí hậu đã khiến một số vùng của Iran, Pakistan và Ấn Độ nóng đến mức nguy hiểm. Nếu hành tinh tiếp tục bị nung nóng, có lẽ chúng ta sẽ xem xét việc xây dựng các tòa nhà... chọc đất thay vì các tòa nhà chọc trời?