Chúng ta là hậu thế vốn chỉ biết đến những người nổi tiếng trong lịch sử thông qua các miêu tả trong sách vở hoặc tranh vẽ. Liệu họ có giống như những lời mô tả không? Đây cũng là thắc mắc của nhiều người. Rất may mắn, hiện nay, công nghệ đã phát triển rất mạnh mẽ. Việc dùng AI để vẽ lại khuôn mặt của Lão Tử, Khổng Tử, Dương Quý Phi hay Võ Tắc Thiên… không còn là chuyện khó.
Mới đây, các chuyên gia Trung Quốc đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng lại dung mạo của những nhân vật nổi tiếng trên. Kết quả mà họ nhận được khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.
1. Phục Hy
Trong văn hóa Trung Hoa, Phục Hy là một hình tượng lớn vì người Trung Quốc cho rằng ông là người sáng lập của văn minh Trung Hoa. Ông được cho là người phát minh ra chữ viết, nghề đánh bắt cá, và bẫy thú. Ông cũng là người nổi tiếng với nhiều bộ sách về dịch lý.
Về hình dạng, ông thường được mô tả là thân rồng đầu người, hoặc thân rắn đầu người, nhân thế được người đời sau xưng là Long tổ. Thế nhưng, AI lại cho rằng, Phục Hy cũng là một con người. Qua nét vẽ của AI, Phục Hy là một ông lão với bộ tóc và bộ râu dài, khuôn mặt nghiêm nghị nhưng đầy thần thái.
2. Lão Tử
Lão Tử (khoảng năm 500 TCN) là một nhà triết học Trung Quốc được ghi nhận là người sáng lập ra hệ thống triết học của Đạo giáo. Có thể nói, ông sánh ngang với Khổng Tử và một số tư tưởng gia khác trong lịch sử triết học cổ đại của Trung Hoa.
Lão Tử được mô tả với những chi tiết như: Sinh ra đã cười; người mẹ mang thai ông 70 năm mới sinh ra ông, vì vậy, mới sinh ra tóc ông đã bạc trắng. Trí tuệ nhân tạo cũng cho rằng, Lão Tử là một ông lão có vẻ ngoài vô cùng thân thiện với nụ cười thường trực trên môi. Ông cũng có một bộ tóc và râu dài màu trắng.
3. Khổng Tử
Ai từng biết đến Nho giáo thì chắc hẳn không quá xa lạ với cái tên Khổng Tử. Khổng Tử là nhà giáo, nhà triết học và nhà lý luận chính trị nổi tiếng nhất Trung Quốc, người có những ý tưởng đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn minh của Trung Quốc và các nước Đông Á khác.
Trang Tử (369 TCN - 286 TCN), triết gia lỗi lạc thời Chiến Quốc, đã mô tả Khổng Tử như sau: "Trên dài mà dưới ngắn, lưng gù tai vểnh sau". Những ghi chép này cho thấy Khổng Tử có cơ thể không cân đối, phần lưng dài hơn chân, lại có dáng đi không thẳng, tai vểnh ra sau. "Sử ký - Khổng Tử thế gia" có chép: "Sinh ra đầu đã vu đỉnh". "Vu đỉnh" ở đây được hiểu là đầu Khổng Tử bị lõm ở giữa và nhô cao ở xung quanh.
Tuân Tử có ghi chép: "Gương mặt Trọng Ni, nhìn như mộng khi". "Mộng khi" là những bức tượng thời xưa dùng để tránh quỷ, trừ tà, có bộ mặt vuông, tóc tai bù xù, vô cùng gớm ghiếc. Thế nhưng, AI lại cho rằng Khổng Tử là một ông lão có vẻ ngoài hiền từ, toát lên đầy vẻ trí tuệ của một triết gia lỗi lạc.
4. Võ Tắc Thiên
Võ Tắc Thiên thường được biết đến với cái tên Võ Mỵ Nương, bà là nữ Hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Quốc. Bức tranh chân dung phổ biến nhất của vị Nữ đế ấy chính là bức họa bà đội mũ phượng. Thế nhưng thực tế tác phẩm nói trên xuất hiện từ năm 1498 dưới thời nhà Minh, do đó đa số các đường nét trên gương mặt Võ Tắc Thiên đều là tưởng tượng.
Theo mô tả trong sử sách, Đường Thái Tông Lý Thế Dân nghe nói Võ thị có tiếng xinh đẹp nên triệu Võ thị vào cung, phong làm Tài nhân. Sau đó, thái tử Lý Trị vì say mê bà mà bất chấp lời can ngăn của quan lại đưa bà lên làm chiêu nghi, một tước vị rất cao trong hàng ngũ cung tần. Đáng tiếc vì sai lầm này của ông, Võ Tắc Thiên sau đó đã chiếm ngôi và lên xưng đế.
Dưới nét vẽ của AI, Võ Tắc Thiên có một khuôn mặt thanh thoát hơn nhiều so với tranh vẽ thời nhà Minh. Bà có một làn da trắng, môi mọng đỏ, ngoại hình xinh đẹp theo đúng tiêu chuẩn của người thời Đường.
5. Dương Quý Phi
Dương Quý phi (719-756) – một phi tần được sủng ái nhất của Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) - là một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại. Dương Quý Phi đẹp đến nỗi mỗi khi ngắm hoa, hoa đều rũ héo vì hổ thẹn (Tu Hoa). Theo sử sách, Dương Quý Phi có vẻ ngoài diễm lệ, đặt trong tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời nhà Đường, Dương Quý Phi chính là mỹ nhân.
Sự sủng ái của vua Đường Huyền Tông dành cho Dương Quý Phi được xem là nhân tố khiến nhà Đường suy vong. Nhà vua vì mải mê tửu sắc, bỏ bê triều chính và chi tiêu quá đà đến nỗi mất cả đất nước vào tay người khác.
Dựa vào một bức tranh của người xưa phác họa chân dung của vị phi tần này kết hợp với các mô tả trong sử sách, trí tuệ nhân tạo (AI) đã dựng nên một Dương Quý Phi với sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Các đường nét trên khuôn mặt của nàng đều nhỏ nhắn, thanh tú. Dương Quý Phi có một làn da trắng hồng, mắt phương mày ngài, mũi cao và đôi môi vô cùng xinh xắn. Với vẻ đẹp như vậy, chẳng trách Đường Huyền Tông đã vì nàng độc sủng tới 11 năm.