Trong suốt những năm tháng khó khăn của thời kỳ khủng hoảng kinh tế, ở bang Idaho bé nhỏ nằm phía Đông Nam nước Mỹ này, tôi vẫn thường đến cửa hàng nhỏ của ông Miler để mua rau quả tươi. Thời đó, thực phẩm và tiền bạc đều khan hiếm, nên đôi khi chúng tôi phải trao đổi hàng hóa với nhau để có được thứ mình cần.
Một hôm, khi ông Miler đang bỏ một ít nấm vào túi cho tôi, tôi trông thấy một cậu bé gầy gò, ăn mặc rách rưới nhưng khá sạch sẽ, cứ đứng nhìn giỏ đựng khoai tây trên quầy của ông. Vừa thấy cậu bé, ông Miler đã hồ hởi: “Chào Barry, cháu khỏe không?”
“Chào ông, cháu khỏe ạ! Những củ khoai tây này trông tươi thật đó ông!”, cậu bé kia nhận xét như một bà nội trợ chuyên nghiệp.
“Ông mới thu hoạch từ vườn đấy! Thế mẹ cháu đã đỡ bệnh chưa?”
“Cháu cảm ơn ông! Mẹ cháu đang khỏe dần lên rồi ạ.”
“Vậy thì tốt quá! Hôm nay cháu muốn mua gì nào?”, ông mỉm cười nhìn cậu bé.
“Không gì cả, thưa ông. Cháu chỉ nhìn một chút thôi!”
“Cháu có muốn lấy một ít khoai tây không?”
“Dạ không đâu. Cháu không có tiền trả ông ạ”, cậu bé nói nhỏ, cúi đầu tránh ánh mắt của ông Miler.
“Vậy cháu có gì để đổi cho ta không nào?”
“Cháu...”, cậu bé ngập ngừng. “Cháu chỉ có một viên bi trong túi thôi!”
“Thế à? Cho ta xem nào!”
“Đây thưa ông, đây là viên đẹp nhất đấy ạ!”
“Một viên bi màu xanh à? Nhưng ta đang cần viên màu đỏ. Cháu có viên bi đỏ nào không?”
“Cháu không có, ông ạ.”
“Như thế cũng không sao. Giờ cháu cứ mang một ít khoai tây này về nhà đi, khi nào tìm được một viên bi đỏ thì nhớ mang ra cho ta là được!”
“Cháu hứa với ông ạ, cảm ơn ông!”
Tôi còn biết là có hai cậu bé như thế nữa ở làng này. Cũng như Barry, chúng đều rất nghèo. Thỉnh thoảng khi thấy bọn chúng đang chơi đùa ở đâu đó là ông lại gọi chúng vào. Ông đưa cho chúng khi thì nấm, khi thì gạo, khi thì táo, cà chua... để đổi lấy mấy viên bi đỏ chưa bao giờ tồn tại. Bạn biết đấy, vào thời đó không có một viên bi đỏ nào được sản xuất cả. Ông làm thế vừa là để bọn trẻ chịu mang rau quả về nhà ngay, vừa giúp chúng cảm thấy mình mới thực hiện một cuộc trao đổi sòng phẳng chứ không phải được cho không.
Không lâu sau đó tôi chuyển nhà đến nơi khác, nhưng câu chuyện về ông Miler – bác nông dân nhân hậu ở Idaho – vẫn in sâu trong tâm trí tôi.
Nhiều năm sau, tôi có dịp quay về vùng Idaho. Lúc đi ngang qua tiệm thực phẩm ngày xưa của ông Miler, tôi chợt thấy nhói lòng khi nhận ra có một lá cờ báo tang treo trước cửa. Ông Miler chỉ vừa mới qua đời. Khi cùng vài người bạn cũ đến nhà viếng ông, tôi nhìn thấy ở đó có ba chàng trai trẻ đang xốc vác, đảm đương mọi chuyện ở tang lễ. Trông họ đều có vẻ rất thành đạt, và khuôn mặt mỗi người đều hằn sâu nỗi buồn đau tê tái.
Khi tôi đến bên quan tài ông, bà Miler bước lại đặt tay lên vai tôi – cô bé hàng xóm rất thân thiết với ông bà ngày xưa. Bà âu yếm nhìn bức hình với khuôn mặt hiền từ, nhân hậu của ông, rồi thì thầm nói với tôi:
“Cháu còn nhớ ba cậu trai ấy chứ? Chúng chính là mấy đứa trẻ ngày xưa vẫn thường được ông nhà bà cho thực phẩm để đổi lấy mấy viên bi đỏ đấy! Vào những năm tháng khó khăn đó, những điều ông ấy làm thật sự rất có ý nghĩa với gia đình họ. Giờ thì đứa nào cũng đã thành tài và quay về với ông ấy trong giờ phút ly biệt này. Cháu biết không, ông ấy luôn nghĩ mình là người giàu có nhất ở bang Idaho này nhờ mấy viên bi đỏ mà ông ấy đổi được với bọn nhóc đấy.”
Rất nhẹ nhàng, bà Miler nhấc bàn tay của ông lên. Được đặt gọn dưới đó là ba viên bi đỏ, trong veo, óng ánh.