Phần lớn bệnh tật đều xuất phát từ tâm. Khi tâm mãi theo đuổi những việc như tham lam, sân hận, tranh giành, yêu ghét, rồi dẫn đến lo lắng, sợ hãi thì sinh ra tâm bệnh, tâm bệnh sinh ra bệnh tật trên thân xác. Khi tâm yên tĩnh, không vọng động, khi hơi thở đều đặn, sâu lắng sẽ sinh ra một luồng sức mạnh vô hình chạy khắp châu thân điều hòa mọi cơ quan diệt trừ được bệnh tật.
Hầu hết mọi bệnh tật xảy ra đều do con người chứ không phải do ai khác, càng không phải do Thượng đế. Bệnh tật bắt nguồn từ việc con người đi ngược lại với tự nhiên. Hay đa số đều sống bằng cảm xúc, bị các cảm xúc như giận dữ, hận thù, ghen ghét, tham lam, ích kỷ chi phối nên bệnh tật theo đó mà kéo đến.
Vì vậy, theo Thomas nhìn nhận trong các kiếp sống của mình, việc chữa trị bệnh tật cũng phải thông qua việc kiểm soát các cảm xúc này, bắt đầu từ điều chỉnh cách ăn uống, thay đổi cách sống, bớt hận thù, giận dữ, tham lam và ích kỷ, sau đó kết hợp sử dụng các liều thuốc từ các loại thảo mộc, cây cỏ có dược tính để tái tạo sự hài hoà cho cơ thể.
Con người trong thế giới hiện đại ngày càng phải đối diện với nhiều loại bệnh tật, từ thân thể cho đến tâm trí. Thomas nhận thấy rõ ràng rằng các mầm bệnh này đều liên quan đến các cảm xúc từ bên trong chúng ta, chúng nằm sẵn trong con người chỉ chờ cơ hội thuận tiện để phát sinh.
Những người không biết kiểm soát các cảm xúc tiêu cực như lo lắng, giận dữ, hận thù hay tham lam, ích kỷ đều mang sẵn những mầm bệnh. Chúng sẽ không phát sinh ngay khi con người còn khỏe mạnh nhưng sẽ phát sinh khi cơ thể bắt đầu suy yếu và đến khi đó có thể quá muộn. Do đó, muốn chữa bệnh cần phải chú ý đến cả hai yếu tố, sử dụng thuốc men cho điều hòa thân xác nhưng muốn chữa tận gốc thì phải quan tâm đến nguyên nhân bên trong. Nói khác đi, nếu chỉ chữa bệnh về mặt thể chất thì chưa đủ, mà còn phải lo cả phần tinh thần nữa.
Trên hành trình giác ngộ của mình, Thomas còn nhận ra một điều vô cùng quan trọng khác giữa kết nối của bản ngã và chân ngã:
Từ bao lâu nay, con người vẫn tin rằng mình chính là thân xác này. Chúng ta yêu nó, săn sóc nó, xem nó là quan trọng nhất và không muốn bất kỳ điều gì có thể xảy ra làm tổn thương đến nó, và rồi ta để nó chi phối tất cả mọi ý nghĩ, hành động của mình (Bản ngã). Từ sáng đến tối, ta chỉ bận rộn vì thân xác này, mọi việc đều xoay quanh nó. Nó đói, ta phải lo cho nó ăn. Nó muốn ăn ngon, ta phải tìm những sơn hào hải vị đáp ứng nó. Nó không muốn lạnh, ta phải tìm quần áo ấm cho nó. Nó muốn đẹp, ta phải lo điểm trang cho nó. Nó cần gì, ta phải cung phụng cái đó.
Ta nuông chiều nó rồi tạo ra các thói tham lam, ích kỷ, kiêu căng, dối trá, lừa gạt, tranh chấp... Theo thời gian, những thứ này đã bám rễ vào ta, làm thui chột khả năng hiểu biết sâu việt bên trong, khiến ta trở thành nô lệ cho xác thân. Ta chỉ biết những gì nông cạn bên ngoài, mà không biết khám phá những tốt đẹp tiềm ẩn bên trong.
Thay vì quá tập trung vào vẻ bề ngoài, vào thân xác này, nếu “muốn trở về với con người thật (chân ngã) thì phải biết buông bỏ những giá trị phù phiếm, danh vọng hão huyền để phát triển khả năng hiểu biết thâm sâu.
Tình thương cũng là một định luật của vũ trụ. Đáng tiếc, không mấy ai hiểu được điều này. Đa số đều hiểu lầm về tình thương, vì họ đã để cho lòng ích kỷ hay bản ngã lèo lái mình. Ngày nay, người ta hiểu về tình thương một cách giới hạn như một sự trao đổi, có cho đi thì phải có nhận lại, và đôi khi, nếu không được đáp ứng, tình thương có thể chuyển biến thành ghen ghét, giận dữ hay hận thù. Đó là thứ tình thương có điều kiện.
Bất cứ việc gì có ích lợi cho mọi người đều là việc lành. Ta giúp người vì lòng thương yêu chứ không phải để được nổi tiếng, được báo đáp thì đó là việc lành. Khi làm việc một cách thành tâm, không ích kỷ, không tư lợi, không nghĩ đến mình mà chỉ lo cho người khác, thì đó là việc lành. Trái lại, nếu ta làm bất cứ việc gì có tính hại người, lợi mình thì đều là việc ác. Tiêu chuẩn để phân biệt lành, dữ là tự quan sát xem hành động đó có lợi cho ai? Nếu làm vì người thì đó là việc lành, nếu làm lợi cho mình mà hại người khác, thì đó là việc không lành.
Giáo sư John Vu cùng “Muôn kiếp nhân sinh 3” giúp chúng ta hiểu rằng tình thương hay lòng tốt nên xuất phát từ trái tim, nên là cho đi mà không mong cầu được hồi đáp. Đó mới là tình yêu thương thật sự. Khi trao lòng tốt đến ai đó, đừng kỳ vọng quá nhiều rằng người ta sẽ đối tốt lại với mình gấp nhiều lần bởi đó là sự lựa chọn của họ. Mình tốt với họ, để lòng mình không thẹn, để tâm mình nhẹ nhàng chứ không phải để được đáp ơn. Hãy luôn yêu thương mọi người như yêu thương chính bản thân mình vậy.
Tình thương giống như nguồn nước, tuôn chảy khắp nơi. Tình thương của Thượng đế giống như biển cả mênh mông vô tận trong khi tình thương của con người thì như dòng suối nhỏ len lỏi qua mặt đất mà thôi. Khi con người biết thương yêu là khi họ quay về với Thượng đế và khi họ thương yêu chân thành, không đòi hỏi là khi dòng suối bắt đầu hòa nhập vào biển cả.
Bản ngã của chúng ta coi mình là quan trọng, khiến cho con người chỉ biết so sánh hơn kém rồi phê bình, phán xét, chỉ trích người khác chứ không hề biết nhìn lại lầm lỗi của bản thân. Rất ít người tự thấy sai lầm của mình vì bản ngã đã làm cho họ mù quáng không nhìn xa được. Bản ngã tạo ra sự tranh giành hơn kém và sẵn sàng chống lại những kẻ dám đụng chạm đến lợi ích của họ. Sự sai lầm, cố chấp của bản ngã đã đóng chặt cánh cửa tâm linh có thể giúp con người đạt được tự do tuyệt đối, khiến lòng người luôn dậy sóng không một phút tĩnh lặng.
Qua những kiếp sống tại tiền kiếp, Thomas đã nhận ra bản ngã là nguyên nhân của mọi đau khổ, của hầu hết các vấn đề khó khăn của con người.
Muốn tìm kiếm sự bình an để vượt qua những vấn đề khó khăn, để hướng tới con người thật sâu bên trong của chính mình, con người đang ngày càng tìm kiếm nhiều những phương pháp chữa lành, một trong số những phương pháp hiệu quả nhất được nhắc đến trong “Muôn kiếp nhân sinh 3” chính là thiền định.
Ngày nay chúng ta đều sống trong một thế giới náo động, vội vàng bởi những hoạt động máy móc và công nghệ. Nó lôi cuốn chúng ta như một trận cuồng phong dữ dội, kéo tất cả mọi sự vào vòng kiểm soát của nó. Do đó hầu hết mọi người đều khao khát tìm kiếm một sự bình an nào đó để có đủ nghị lực đương đầu với những khó khăn này. Tuy nhiên, trong cuồng phong bão tố, dù mặt biển có thể rung động nhưng đáy biển vẫn luôn yên tĩnh. Tâm hồn chúng ta cũng thế, sâu bên trong nó hoàn toàn an tĩnh và đây chính là trung tâm của con người, vì bản chất của nó là bình an, sáng suốt. Một trong những cách đưa chúng ta trở về với cái tự tánh thanh tịnh này là tham thiền.
Tầm quan trọng của thiền đã được làm rõ trong Muôn kiếp nhân sinh 3, cùng với đó còn là một vấn đề cấp thiết khác. Đó là hiện nay, thiền đã được phổ biến sâu rộng khắp nơi nhưng tiếc là nó đã bị thương mại hóa, bị biến chất và trở thành một phong trào hơn là một phương pháp tu tập. Nhiều người chỉ tò mò, hiếu kỳ, chỉ muốn thử cho biết chứ không hề hiểu gì về mục đích thật sự của thiền. Ngoài ra, một số người đã dạy thiền một cách sai lạc, thêm thắt một chút tư thế yoga, một chút khí công, một chút động tác thái cực quyền, rồi đặt cho nó những cái tên rất kêu như “thiền để thành công, thiền để tìm tình yêu, thiền để chữa bệnh” nhằm lôi kéo quần chúng.
Theo Thomas, thiền tập là một hành trình đòi hỏi sự tĩnh tâm và kiên trì. Điều quan trọng khi tập thiền là không bao giờ bỏ cuộc vì chán nản. Khi thấy việc tu tập dường như không hiệu lực, không tiến triển, nhiều người than rằng nó quá khó và có ý định bỏ cuộc.
Thật ra thiền định là hành động tự nhiên của bản tính ai cũng có thể đạt đến trạng thái định (samadhi). Vấn đề là khi ai đó thiếu kiên nhẫn, luôn mong ước đạt được điều gì đó một cách nhanh chóng thì họ sẽ đánh mất đi sự an tĩnh cần thiết.
Ăn uống cũng là một yếu tố quan trọng trong việc thiền định. Hãy cẩn thận trong lúc ăn vì sử dụng thực phẩm là để nuôi dưỡng thân thể chứ đừng quan tâm và chú trọng đến ngon hay không. Ăn ngon sẽ dẫn đến thèm ăn rồi sinh tham muốn. Nghỉ ngơi cũng thế, cần ngủ cho đủ chứ không nên ngủ quá nhiều hay quá ít. Ngủ nhiều sẽ làm cho tâm trí mê muội, ngủ ít sẽ làm trí nhớ suy giảm, dễ quên, sinh biến chứng thần kinh.
Hãy tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Đến lúc ngủ thì hãy gác mọi chuyện lại vào giường ngủ ngay. Khi thức dậy cũng như thế, đừng hấp tấp theo dõi tin tức hay mở Facebook, Instagram, Twitter, đừng để ý vào những tin nhắn, những lời khen chê, bình luận vô ý thức của những người vô trách nhiệm, bởi bạn có thể bị ảnh hưởng và đánh mất chính mình.
Đừng nói gì nhiều về những vấn đề tâm linh hoặc về việc tu tập của mình trong những thời điểm không phù hợp. Tốt nhất là giữ việc thực hành càng riêng tư càng tốt để tránh những câu hỏi tò mò hay phê bình vô ích.
Nếu tham thiền đều đặn, bạn sẽ thấy rằng ngay cả trong những công việc bận rộn nhất hay những xung đột căng thẳng nhất, ta vẫn có thể tìm được sự bình an cho mình. Thiền là một trong những món quà quý báu nhất hiện nay dành cho những người quá bận rộn. Nhờ tu tập mà ta có thể hồi phục tinh thần của mình với một nguồn năng lực bình an diệu kỳ ngay giữa lúc căng thẳng nhất.
Thiền chính là trở về tìm lại cái trí tuệ sáng suốt hằng có, và trí tuệ ấy ở bên trong ta chứ không phải ở chỗ nào khác. Tâm thức tựa như một hồ nước. Mọi lo lắng, suy nghĩ được ví như những luồng gió thổi vào mặt hồ tạo nên những cơn sóng, và hồ nước bị xáo trộn. Khi tâm thức được tập trung, thì cũng như mặt hồ không có gió nên hoàn toàn tĩnh lặng, mọi thứ đều lắng xuống, bề mặt của hồ yên tĩnh và mọi thứ đều được phản chiếu trong đó một cách hoàn hảo, từ những vì sao, đến mặt trời và mặt trăng đều chiếu rõ. Khi các vọng tưởng đều ngưng thì ta đã có định và từ đó sẽ phát triển được khả năng có thể nhìn Mọi sự thật rõ, thật sâu, thật dễ dàng.
Thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay là một môi trường mà trong đó tất cả mọi cá nhân, xã hội, quốc gia đều liên quan với nhau trong một mạng lưới vô hình. Do đó hạnh phúc hay khổ đau của một người, một quốc gia không thể tách rời ra khỏi hạnh phúc hay khổ đau của toàn thể nhân loại.
Chúng ta sinh ra với mục đích cụ thể chứ chẳng phải ngẫu nhiên. Mỗi việc chúng ta làm đều có tác động rất lớn đến không chỉ chính chúng ta mà còn tới toàn nhân loại. Hiểu được như vậy, mỗi người sẽ nghiêm túc với suy nghĩ và hành động của mình, tránh hành xử tùy tiện, chiều chuộng bản năng, họ cũng sẽ biết cảnh giác với lòng tham và mầm mống bạo lực của mình.
Tất cả mọi sự xảy ra đều là những bài học về nhân quả mà trong đó có hai yếu tố quan trọng. Yếu tố đau khổ thúc giục ta phải học và yếu tố yêu thương giúp ta giải quyết bài học kia. Nếu chúng ta có thể hiểu rõ về tình thương và lòng tốt thì gần như việc gì cũng có thể giải quyết được.
“Muôn kiếp nhân sinh 3” ra đời cũng chính là để củng cố những bài học ấy. Cuốn sách cũng khép lại hành trình trăn trở qua nhiều kiếp sống của Thomas. Và cũng từ những trăn trở ấy chúng ta rút ra được nhiều những chiêm nghiệm sâu sắc về con người và vũ trụ, về nhân quả và luân hồi.
Cuốn sách vẫn giữ vững được những giá trị mà giáo sư John Vũ muốn truyền tải ngay từ khi bắt tay vào viết cuốn Muôn kiếp nhân sinh đầu tiên, đó là hướng con người về nẻo thiện, tránh xa những tạp âm, những tham lam, ích kỷ của thế giới bên ngoài. Giúp mỗi cá nhân nhận ra tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của mình lên cộng đồng và mong sao toàn thể nhân loại có thể sống trong hòa bình, bác ái, vị tha, bất kể màu da, quốc tịch và tôn giáo.
Muôn kiếp nhân sinh đã, đang và sẽ tiếp tục hành trình thực hiện sứ mệnh hướng thiện của nó, trở thành cầu nối quan trọng kết nối con người với những giá trị to lớn của nhân loại.
Thiên tai, bệnh dịch, xung đột đang có nguy cơ diễn ra ngày càng nhiều, đây cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh để mỗi cá nhân trở nên sống có trách nhiệm, vị tha và biết quan tâm đến những gì đang diễn ra xung quanh mình hơn. Và nếu trên hành trình tỉnh thức của mình, bạn cần một người đồng hành thông thái, một người với những kiến thức và hiểu biết sâu rộng cũng như có sự quan tâm sâu sắc với thế giới mà chúng ta đang sống thì giáo sự John vũ cùng Muôn kiếp nhân sinh 3 chính là người đồng hành sáng suốt mà bạn đang tìm kiếm.