Có thể nói Xạ điêu tam bộ khúc là bộ ba tiểu thuyết kiếm hiệp được Kim Dung sáng tác có nhiều chi tiết nói về quá trình trưởng thành của Quách Tĩnh. Mặc dù Quách Tĩnh không xuất hiện ở Ỷ Thiên Đồ Long ký nhưng những câu chuyện về võ công của ông vẫn còn được lưu truyền qua lời kể của các nhân vật khác. Vậy trong tác phẩm này, thực lực của Quách Tĩnh mạnh đến mức nào?
Quách Tĩnh là con của dũng sĩ chống Kim Quách Khiếu Thiên và Lý Bình. Như vậy Quách Tĩnh gọi Quách Thịnh (nhân vật trong truyện Thủy Hử, một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc) là cụ tổ. Cái tên Quách Tĩnh là do đạo sĩ phái Toàn Chân, Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ đặt cho với ý nghĩa mong chàng và người anh em kết nghĩa Dương Khang không quên báo thù mối nhục Tĩnh Khang của Đại Tống ngày trước.
Trong tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu, Quách Tĩnh được miêu tả có tính cách tốt bụng, lương thiện nhưng ngốc nghếch, không có tâm cơ, tư chất võ thuật lại kém cỏi. Tuy nhiên, Quách Tĩnh lại rất chăm chỉ, cần cù, không bỏ cuộc dù bị khinh thường. Quách Tĩnh bị sư phụ Hồng Thất Công gọi với biệt danh "Con trâu nước" bởi tướng người phục phịch, da ngăm đen, chậm hiểu. Tuy nhiên, chính những nét tính cách này đã giúp Quách Tĩnh nhận được sự yêu quý của rất nhiều cao thủ võ lâm. Từ đó, Quách Tĩnh học được võ công của Giang nam thất quái, nội lực của Toàn chân giáo, Hàng long thập bát chưởng của Hồng Thất Công dạy.
Sau này Quách Tĩnh cũng không màng nguy hiểm, hút sạch máu độc trên người Chu Bá Thông, vì thế đã kết nghĩa huynh đệ được với Chu Bá Thông, học được Song thủ hổ bác và 72 Lộ không minh quyền do Chu Bá Thông dạy. Ngoài ra chàng còn được Chu Bá Thông truyền cho cả quyển thượng và hạ của Cửu âm chân kinh. Kể từ đó, Quách Tĩnh trở thành một trong những người giỏi nhất đương thời, được người đời gọi là Bắc Hiệp. Cũng do lớn lên ở Mông Cổ nên Quách Tĩnh đã trở thành một cung thủ siêu phàm và được ví với danh xưng là "Anh hùng xạ điêu".
Quách Tĩnh vào thời điểm Hoa Sơn Luận Kiếm lần 2 có thể đánh bại Âu Dương Phong. Cần biết, Âu Dương Phong đã luyện Cửu Âm Chân Kinh giả, nhưng biến sai thành đúng, tuy trở nên điên loạn nhưng được công nhận là thiên hạ vô địch thời điểm đó. Trong lần Hoa Sơn luận kiếm thứ hai, Hoàng Dược Sư và Hồng Thất Công đều thầm khen ngợi dù cho tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có thể tiếp hơn trăm chiêu với hai người. Khi đến tuổi trung niên thì có thể nói võ công của Quách Tĩnh đã đạt tới mức cao thủ hạng nhất. Trong thiên hạ khi đó, số người có thể đấu ngang ngửa hoặc mạnh hơn ông có lẽ không quá 5 người.
Một mình Quách Tĩnh vừa chống chọi rất nhiều binh sĩ Mông Cổ vừa đánh trả Kim Luân Pháp Vương và nhiều lần một mình đấu trăm người để bảo vệ thành Tương Dương.
Kể từ khi sinh ra vào năm 1205 cho đến khi cùng thê tử của mình là Hoàng Dung tự vẫn sau khi thành Tương Dương thất thủ vào năm 1273, Quách Tĩnh đã 68 tuổi. Thời điểm Quách Tĩnh chết là trước khi diễn ra bối cảnh của Ỷ Thiên Đồ Long ký. Tuy nhiên, Kim Dung đã dựa vào lời nói của Trương Tam Phong để xác nhận thực lực của Quách Tĩnh.
"Trong một sát na, Trương Tam Phong thấy một luồng lực đạo vô cùng mạnh mẽ theo lòng bàn tay đi vào mình, tuy còn kém xa nội lực của ông về mặt tinh thuần chuyên nhất, nhưng hàng hàng lớp lớp, liên miên bất tuyệt dường như không bao giờ dứt, không bao giờ cùng. Ông kinh hoảng, định thần nhìn kỹ mặt Trương Vô Kỵ, thấy mắt chàng không lộ quang hoa, chỉ ẩn dấu một nét trong sáng, ôn hòa, hiển nhiên đã đạt tới cảnh giới tuyệt đỉnh, bình sinh ông gặp chỉ có vài người như Giác Viễn đại sư, đại hiệp Quách Tĩnh, thần điêu đại hiệp Dương Quá là đạt đến cảnh giới này thôi. Còn đương thời, ngoại trừ chính ông ra, không tìm ra một người thứ hai có mức độ tương đương...". Theo đó, Trương Tam Phong hồi tưởng lại trong trận Hoa Sơn luận kiếm lần thứ 3 cảm thấy nội lực của Quách Tĩnh, Dương Quá và sư phụ Giác Viễn là mạnh nhất.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.