Nếu nhìn nhận một cách kỹ càng, bạn sẽ phát hiện rằng chúng ta đang sống trong chủ nghĩa tiêu dùng. Các bài quảng cáo, các phương tiện truyền thông và đặc biệt là sự góp mặt của các nền tảng mạng xã hội đang ngày ngày thúc đẩy ham muốn chi tiêu của chúng ta. Hậu quả là, rất nhiều người trong chúng ta luôn vung tay quá trán cho những món đồ không cần thiết và rơi vào tình trạng "rỗng túi" trước khi nhận được thu nhập cho tháng tới, thậm chí một số người còn phải vay nợ để chi tiêu, từ đó làm trầm trọng thêm nỗi lo lắng về tiền bạc.
Vì vậy, trước khi tìm ra số tiền cần để chi tiêu, bạn cần phải nhìn vào số tiền mình đã chi tiêu. Khi hiểu được mình đã tiêu bao nhiêu tiền, bạn sẽ dễ xác định được mình cần bao nhiêu tiền để chi tiêu cho cuộc sống. Tự hỏi bản thân cần bao nhiêu tiền là một lối tư duy phong phú và có thể mở rộng về chi tiêu.
Trong cuốn sách “Tài chính cho mọi người”, tác giả Paco de Leon cho rằng việc suy nghĩ về những gì bạn cần có thể mở ra một cuộc đối thoại sâu sắc hơn với bản thân về việc bạn đang chi tiêu như thế nào. Cô viết: “Khi nghĩ về những gì mình cần, bạn đang dành thời gian để tự hỏi khoản phí đó có liên quan thế nào đến cuộc sống của bạn. Bạn suy ngẫm về những gì bạn coi trọng và xác định xem điều đó có được phản ánh trong cách tiêu tiền của bạn hay không, từ đó tìm cách thay đổi cho phù hợp”.
Bây giờ, khi nghĩ đến chi tiêu, có phải bạn lại có xu hướng lập ngân sách không? Lập ngân sách là cách bạn xem xét số tiền đã kiếm được và dựa vào đó để phân chia hợp lý cho các khoản chi với những câu hỏi như: “Mình có thể mua được những gì?”, “Mình nên tiêu cho cái gì?”... Mặc dù đây là cách thông dụng nhất nhưng cách tiếp cận này vô hình trung gợi lên sự khan hiếm. Theo Paco, việc lập ngân sách bắt nguồn từ sự thiếu hụt tiền bạc.
Trái lại, kế hoạch chi tiêu được xây dựng trên một quan điểm rất khác. Để lập được kế hoạch chi tiêu, bạn phải xem xét hoạt động chi tiêu của mình bằng cách phân loại các khoản chi tiêu thành ba nhóm lớn: nhóm Hóa đơn & Cuộc sống cho những thứ thiết yếu, nhóm Giải trí & Hưởng thụ cho những thứ không thiết yếu, và cuối cùng là nhóm Tương lai & Mục tiêu cho tất cả các khoản bạn tiết kiệm để thực hiện những việc khác nhau – kể cả tiết kiệm để đầu tư.
Việc phân loại chi tiêu thành ba nhóm chính sẽ giúp bạn dễ biết được bạn cần bao nhiêu tiền cho những thứ thiết yếu (hóa đơn và cuộc sống), những thứ không thiết yếu nhưng có tác dụng tạo niềm vui cuộc sống (giải trí và hưởng thụ) và những thứ bạn sẽ cần trong tương lai (tương lai và mục tiêu). Việc phân loại này cũng giúp bạn tạo một quy trình có thể lặp đi lặp lại để đảm bảo rằng các chi phí thiết yếu đã được tính đến, bạn đang tiết kiệm một phần trong số tiền bạn kiếm được và bạn có một số tiền để chi tiêu thoải mái.
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng thay vì để thu nhập quyết định số tiền bạn có thể chi tiêu, bạn hãy xác định xem đâu là mức thu nhập bạn cần đạt được để phù hợp với những gì bạn cần và muốn chi tiêu. Bạn có thể tính toán ra con số bạn cần và suy ngược lại để tìm cách kiếm được con số đó. Nếu bạn mới gia nhập lực lượng lao động, kế hoạch chi tiêu có thể giúp bạn xác định mức lương khởi điểm phù hợp.
Tựu trung lại, cũng giống như việc nhìn lại các trải nghiệm đã hình thành con người bạn, việc nhìn lại cách bạn tiêu tiền có thể định hình hành vi của bạn trong tương lai.