1. Một ngày cuối tháng 12, tôi đặt chuyến xe ôm công nghệ đi từ Phú Nhuận ra Thanh Đa. Cậu tài xế nói giọng rặt miền Tây chạy khá rón rén, cứ hỏi thăm đường suốt. Tôi ngạc nhiên hỏi trong app chỉ đường của em sẵn có rồi, khu này cũng có gì phức tạp đâu mà không biết. Cậu tài xế phân trần “dạ tại em ở nơi khác, tận Bình Chánh chở khách chạy qua đây. Vừa trả khách xong thì nhận được cuộc của anh. Lần đầu tiên em qua khu này. Em tranh thủ nhận cuốc của anh xong rồi chạy về lại Bình Chánh đi mần tiếp“.
Cậu kể mình tên Tài, dân An Giang, nay 25 tuổi, mới lên Sài Gòn lập nghiệp hơn nửa năm nay, đang trọ ở gần chợ đầu mối Bình Điền cho tiện đi làm. Tối tới khuya thì đi làm khuân vác cho chợ Bình Điền. Xong về nhà ngủ. Ban ngày, từ trưa đến chiều tối Tài tranh thủ chạy xe ôm công nghệ để kiếm thêm. Mỗi tối tiền khuân vác cũng được tầm trên dưới 200.000 ngàn đồng.
Mùa này gần Tết, Tài nói chợ nhiều việc nên mệt hơn nhưng tiền cũng sẽ nhiều hơn chút đỉnh. Cộng với việc chạy xe ôm công nghệ, Tài cho biết mùa này mình kiếm cũng được tầm 12, 13 triệu/ tháng. Tài nói em sức trẻ, dân quen lao động nên khuân vác nặng cũng nhanh, giải phóng hàng nhanh nên chủ hàng hay gọi. Mỏi vai gáy, ê ẩm hơn chút nhưng Tết này chắc cũng dư chút đỉnh về thăm nhà.
Một cửu vạn đang khuân hàng từ trên lầu xuống đất cho chủ hàng ở chợ Bình Tây, Sài Gòn
2. Sài Gòn tháng 12 ban đêm trời se se lạnh. Chú Tư chạy xích lô ở chợ Nguyễn Văn Trỗi, Phú Nhuận hay ngủ đêm trên chiếc xe dựng góc vỉa hè gần chợ, dạo này thỉnh thoảng lại giật mình thức dậy vì có người kêu. Không phải người ta kêu dậy đi chở khách, mà để tặng quà. Khi thì ổ bánh mì, bánh bao, lúc thì hộp cơm chay, có hộp sữa, nước suối hay có lúc có chút tiền lì xì nữa. Mùa này có khá nhiều những chiếc xe máy cứ rảo quanh, chạy thật chậm qua những tuyến đường trung tâm đến các quận vùng ven. Cứ tầm 9 – 11h tối hoặc có khi khuya hơn, có nhiều tốp bạn trẻ bịch to bịch nhỏ, túi ngắn túi dài đựng rất nhiều quà.
Những phần quà được gói sẵn có thức ăn, thức uống, khăn, áo… chất trên xe trông không khác gì những tiệm tạp hóa di động, chốc chốc lại dừng trước những người vô gia cư đang mưu sinh hay tạm nghỉ trước các mái hiên, lan can cầu… để tặng quà. Và có khi, có cả hoa để tặng cho những người lao công, công nhân vệ sinh đang làm đêm. Những con đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ, Trần Hưng Đạo, cầu Kênh Tẻ, cầu ông Lãnh, cầu Bông, cầu Kiệu… là những nơi tập trung khá nhiều người vô gia cư, lao động nghèo, cũng là những nơi được các nhóm từ thiện tìm đến.
Như đã thành thông lệ, nhiều năm gần đây, không ít người đã chọn cách làm từ thiện như thế này khi không có điều kiện để đi xa, nhất là với các nhóm bạn bè là sinh viên hay dân văn phòng.
Những chuyến xe như thế này không được khuyến khích khi tham gia giao thông, nhưng rất hay gặp trong mùa cuối năm. Cũng vì mưu sinh…
3. Cuối năm, nhóm Kết nối yêu thương lại tất bật đi quyên góp, vận động từng cây bút, chiếc nón, chiếc túi, cuốn tập, dép,… làm quà Tết sắp tới cho các em học sinh nghèo người dân tộc thiểu số ở huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk. Những kế hoạch làm việc cuối năm, những chuyến xe ra đường lại nặng, cồng kềnh hơn vì những vật dụng quyên góp được chuẩn bị cho chuyến đi từ thiện. Những chuyến xe máy sau giờ làm việc lại đèo thêm cái này, chở thêm cái kia từ cửa hàng, siêu thị hay từ chỗ của mạnh thường quân về điểm tập kết để chuẩn bị.
Các cô gái của nhóm Kết nối yêu thương đang tập kết hàng hóa – quà tặng trong chuyến đi thiện nguyện Đắk Lắk
Kết nối yêu thương chỉ là một trong hàng ngàn nhóm từ thiện lớn nhỏ ở Sài Gòn và khắp nơi đang tất bật “vào mùa”. Mùa của những lời chia sẻ, kêu gọi, vận động trên các mạng xã hội để chia sẻ một cái Tết cho những số phận nghèo kém may mắn lại mỗi lúc một nhiều, sự yêu thương lan tỏa cũng từ đó mà nhiều hơn. Ai đó đã gọi mùa này là mùa từ thiện.
Người Sài Gòn hào phóng làm từ thiện quanh năm, nhưng có lẽ cuối năm là dịp mà người ta tập trung làm việc thiện nguyện nhiều nhất. Tùy tính chất, sở trường và ý nguyện mà mỗi nhóm, quỹ từ thiện lại có những đối tượng khác nhau để làm từ thiện. Nhưng cũng cùng chung là tình nguyện nghiêng vai gánh vác chút lòng của nhiều người để đến với nhiều người. Những chuyến đi sẽ cồng kềnh, nặng kín hàng hóa để những chuyến về được nhẹ tênh. Như một cái lệ đẹp cho mùa Tết đến.
Mùa Sài Gòn chở nặng trên vai…
Lê Minh Hà/Sống Xanh 24