Từ tối 15.12.1995 Việt Nam đạt Huy chương bạc SEA Games tại Chiang Mai, Thái Lan đến nay đã tròn 24 năm. Việt Nam đã giành Huy chương vàng môn bóng đá sau 60 năm. Lúc đó tôi rất say mê môn bóng đá, từ thời sinh viên, và thường ít khi bỏ dịp nào nếu có cơ hội trực tiếp đi cùng đội tuyển Việt Nam thi đấu. Buổi tối đó chia vui cùng Huỳnh Đức và HLV Karl Weigang đến khuya, dù đứng nhì SEA Games nhưng thực sự không hiểu sao, cảm xúc khát vọng mừng vui nuối tiếc đêm đó rất khác so với tối nay 10.12.2019, dù Việt Nam đạt Huy chương vàng. Tối nay cùng xem với anh em bạn bè thấy Việt Nam giành vô địch 3-0 thuyết phục, rất mừng vui, nhưng hai niềm vui ấy rất khác nhau. Có lẽ hồi đó chưa hiểu biết hết nhiều điều ý nghĩa. và sự thật đau lòng lẽ ra cần quan tâm hơn hay cũng có thể lúc đó ít cảm nhận nhiều nỗi lo như bây giờ.
Cũng có lẽ, từ lâu đã ngộ ra bóng đá chỉ là trò chơi đá bóng trên sân, cần thể lực, kỹ thuật, chiến thuật, ý chí, và có cả may rủi (trong hàng trăm môn thể thao) và niềm vui bóng đá đem lại chỉ kéo dài hơn chốc lát, dù khẳng định được vị thế môn thể thao này trong khu vực là cần thiết.
Cuộc sống xung quanh ta còn biết bao con người chính trực gian truân đang chịu bất công, rất ít người quan tâm ủng hộ lên tiếng. Bao vấn đề cấp thiết, quan trọng hơn rất nhiều - ảnh hưởng đến cuộc sống hàng chục triệu người dân - rất cần người dân và giới trẻ thức tỉnh đồng lòng góp tiếng nói để chỉnh sửa, để lãnh đạo chuyển mình hành động, để đất nước thay đổi phát triển. Đó mới là vị thế thật sự rất cần của Việt Nam. Không thể lấy bóng đá để khỏa lấp, che khuất mọi thứ khác được. Uy tín, vị thế Việt Nam đối với hơn 97 triệu dân Việt và tầm thế giới quốc tế không chỉ là bóng đá.
Có người sẽ nói: Kệ người ta chứ, tôi thích bóng đá Việt Nam thắng thì tôi cứ vui đã, vui được ngày nào hay ngày nấy. Còn những việc khác ư, chuyện ai người nấy lo, trời kêu ai nấy dạ, thời gian đâu mà quan tâm...
Hãy cảm nhận niềm vui thực sự từ môn thể thao này, đúng vị trí của nó. Và nếu có thể, mang tinh thần tự hào dân tộc vào những mặt khác của cuộc sống. Nên ngó nghiêng xung quanh một chút, không phải cho người khác mà cho chính mình, để biết những gì nên giới hạn và những gì chật chội quá lâu cần rộng mở trái tim, tầm nhìn... Người xưa có câu: "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu. Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (Lo trước cái lo của mọi người. Vui sau cái vui của mọi người).
Nguyễn Văn Phước