Thiên hạ viết về quê hương đã nhiều, quá nhiều. Nếu chỉ cân số chữ chắc sơ sơ cũng phải nặng bằng núi Trà làng mình.
Hồi học văn học Trung Quốc, mình rất thích bài Trường Can hành của Thôi Hiệu mà thầy Lê Đức Niệm giảng, rằng “Gia lâm Cửu Giang thủy/Lai khứ Cửu Giang trắc/Đồng thị Trường Can nhân/Sinh tiểu bất tương thức” (Nhà anh ở bến Cửu Giang/Bên con sông ấy anh thường lại qua/Trường Can cùng quán đôi ta/Xa nhau từ nhỏ hóa ra lạ lùng - Ngô Tất Tố dịch). Chả là hôm mình về quê, lên chợ ông Ỷ mua mớ rau, mình chào cô bạn cũ nay cũng ngoài 60, “nó” sững sờ mãi mới nhận ra, nói nhỏ như gió thoảng “anh đã về”. Trả tiền mua rau, nhất định không lấy, sau còn cho thằng con đem biếu bác ký khoai tây ăn để nhớ hương vị quê nhà.
Trường Can ấy chính là làng Trà (tức thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), cố hương thân yêu của mình. Ai đó hát rằng “thiếu quê hương ta về đâu”, mình thì chả thiếu, chỉ hơi bị ít về thôi. Làm lụng cả đời, giờ lo mỗi chuyến đi về thăm quê sao vẫn thật khó khăn.
Về lần này, đủ mọi dự định. Nào việc họ, cúng tổ, khánh thành nhà thờ họ. Suốt 42 năm qua, mới lại cùng họ mạc cúng tổ. Vắng thưa thế là quá lâu rồi. Bề trên đã đi gần hết, chỉ còn lại mấy bà chị đều trên dưới 80, mái tóc như sương. Gặp nhau vui vẻ, mừng tủi, ấm áp. Sống giữa tình quê thật mặn nồng, tâm hồn nhẹ nhõm.
Chỉ buồn một nỗi, chị ruột-chị cả bị bệnh nặng, em về thăm chị, chị em chỉ nhìn nhau, chả nói được gì. Hơn chục ngày nương quê, quanh quẩn bên chị, chả nỡ đi đâu. Bao nhiêu sắp xếp, dự định trong đầu đều phải “cơ cấu” lại. Định lên Hà Nội đàn đúm với bạn bè cũng phải gác lại cho những lần sau. May mà các bạn trên ấy yêu thương mình, thông cảm, chẳng trách móc gì. Cái Thúy xẩm còn cười bảo, đến chúng tôi dân bản xứ ở ngay đây mà nó còn đếch thèm bảo, thèm nhắn một tiếng, các bà xa xôi đã là cái đinh gì. Mình thẹn thùng trước tình yêu thương của các bạn.
Mình không chịu đi thì các bạn về. Sáng hôm ấy, cứ đi ra đi vào ngóng ngóng, ra ngóng vào trông. Chạy tới nhà thờ họ được một lúc, lại vội về xem “chúng nó” đã đến chưa. Đun phích nước sôi, pha sẵn ấm chè để bạn về uống cho ấm bụng. Đang chờ tiếng chuông điện thoại reo thì nghe tiếng huynh trưởng Vũ Lệnh Năng (thăng Xuân Ba gọi đùa là Bi Năng Tắc bởi bà xã anh ấy tên Bi) réo ngoài cổng, Thông ơi, sao còn ở nhà, chưa chịu đi. Hóa ra “chúng nó” đi lạc đường, cu Dũng lái xe cũng mệt phờ với đường sá xứ Phòng, nên muộn, cuối cùng tấp ngay vào quán Ánh Tuyết ven sông Đa Độ, Thúy và Cúc đã đặt sẵn bữa ở đó, măm xong mới về làng Trà. Mình phóng xe theo bác cả Năng, vèo phát đã tới nơi. Yêu các bạn vô cùng. Mình định ôm từng đứa để cảm ơn nhưng cuối cùng lại chả ôm đứa nào, chỉ ôm… bác Năng.
Nhà hàng nổi trên sông, sóng cữ đông chí se lạnh dập dình, đồ ăn ngon, bạn tốt bụng, chuyện như pháo rang. Mình đang đau răng mà cũng không cầm lòng được trước thực đơn của Thúy - Cúc. Nhất là món cá mòi kho nhừ huyện Kiến Thụy, mình và cu Dũng tài xế vét sành sành sanh không để sót tí bẫn kho nào. Ối giời, sao mà ngon quá thể. Mình xa Trường Can - Kiến Thụy quá lâu rồi, nay mới được thưởng thức thứ hương quê này, chứ ngày xưa đâu có. Thúy bảo, mày khen cũng đúng thôi, tao năm nào đến tết cũng đặt mươi nồi cá để biếu chỗ thân quen, thay cho cành đào, bánh trái, còn quý hơn cả đào cả rượu.
Ăn xong lên ngựa về làng Trà. Chả còn lúa xuân hai bên đường, chỉ nhà cửa san sát. Cảnh mới, đẹp thì có đẹp nhưng vẫn thấy bâng khuâng, như thiếu khuyết một cái gì. Về tới nhà thấy mất biệt hai bác Năng Bi. Rõ ràng bác chạy xe trước mình, tay lái lụa, đường quê quen thuộc, lạc chi mà lạc. Thị Tõn cười bảo, hay hai ông bà tranh thủ đi hâm nóng tình yêu, chứ xuống nhà mày lúc nào chả được. Nếu thế thì còn gì bằng. Một lúc thì hai chim câu về, khệ nệ túi to đầy hộp nước mía đặc sản xã Đại Hà. Mía ngọt lừ, uống tới đâu biết tới đó. Mấy đứa kia vừa ăn xong còn để đó chưa uống, mình lén chơi luôn 2 ly, bụng óc a óc ách, chỉ sợ cái Cúc cái Thúy nhìn thấy bảo thằng này có chửa. Hương nước mía thoảng thoảng khắp nhà, ngòn ngọt, dìu dịu, dễ chịu vô cùng.
Các bạn cùng trò chuyện đầm ấm trong chiều đông nắng vàng thôn dã. Tíu tít chụp ảnh, bác Năng luôn là idol, nhân vật trung tâm. Mình thầm nghĩ, sau này mình tầm tuổi đại ca, chắc chỉ nằm một chỗ, chứ dễ gì vây giữa tình yêu thế này. Lại thoáng bâng khuâng nhớ tới những người bạn yêu quý của mình bận bịu không thể về chơi, dù chỉ bên nhau mấy tiếng đồng hồ. Dung cận và Huệ thủ thỉ, chúng tao về thắp hương cho thày bu mày, chơi với mày, bởi biết mày “hoàn cảnh”. Giờ chúng tao lại tếch, mày cho chúng tao gửi lời chúc chị mày chóng khỏe, và chuyển cái này hộ chúng tao nhé.
Anh chị Năng và các bạn lên đường, để lại trong lòng mình khoảng trống khôn tả. Thì ra có lúc ở giữa quê hương vẫn thấy lòng trống vắng, cô đơn. Về rồi, không thiếu quê hương, nhưng thiếu bạn bè.
Hồi mình còn nhỏ, đi chăn trâu hoặc gánh lúa, thường lê la các bờ ruộng, bãi cỏ, nhặt từng túm cỏ mật. Sao vùng quê ngày xưa lại có thứ cỏ thanh tao, thơm ngọt đến vậy. Cỏ mật đem phơi khô, bỏ vào hòm quần áo, vào cặp sách, hoặc đút túi quần, cứ thơm thoang thoảng ngây ngất. Giá như đồng làng còn thứ thảo thơm ấy, mình sẽ nhặt về phơi khô làm quà cho các bạn. Nhưng giờ chỉ thể ao ước thế thôi.
Nguyễn Thông