Hàng ngàn người dốc hết tài sản, huy động người thân và vay mượn ngân hàng để tham gia “góp vốn”. Có người bỏ đến hơn 600 tỉ.
Lợi nhuận quá hấp dẫn. Tài sản ngày càng tăng giá trị, lại có thêm lãi suất cao gấp mấy lần tiền gởi ngân hàng và không sợ tiền mất giá. Thế là người người tự nguyện tham gia, nhà nhà xung phong trở thành nạn nhân. Có người tan cửa nát nhà, mất hết quan hệ họ hàng, bè bạn. Thậm chí tự xóa cả nợ dự án lẫn nợ đời bằng cách tự tử. Ở Việt Nam, các đại gia hầu hết đều phất lên từ bất động sản. Có thể nói đây là con đường làm giàu được nhiều người ưu tiên chọn lựa. Đi khắp các tỉnh, chỗ nào cũng có dự án với những quảng cáo có cánh, mời gọi góp vốn đầu tư.
Cocobay không phải là dự án đầu tiên vỡ trận mà tiếp nối cơn địa chấn Alibaba. Hơn 30 năm qua, hàng ngàn dự án lớn nhỏ tương tự, ở nhiều lĩnh vực; đã làm khốn khổ không biết bao nhiêu người Việt. Bán hàng đa cấp trở thành loại hình kinh doanh béo bở, được tiếp tay bởi hội chứng đám đông và sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước. Cái gì cũng có giá nhưng học phí cho những bài học về làm giàu nhanh và dễ thì quá đắt. Học hoài vẫn quên. Sợi dây kinh nghiệm rút từ người này thì chạy sang người khác. Người Việt vẫn chưa tỉnh ngộ, rất dễ dàng sập bẫy.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Xin đừng đổ tại và bị. Trước khi lên án các chủ đầu tư, những người tham gia cần xem lại mình. Đành rằng là có cam kết nhưng nếu họ lật lọng thì sao. Lấy tiền đâu đền bù? Chưa kể khả năng thua lỗ thật. Nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Làm hiệu quả lại càng khó. Suy cho cùng tất cả bởi chữ tham. Dân kinh doanh thứ thiệt nhìn vào những “cam kết lợi nhuận” của bán hàng – kinh doanh đa cấp và các dự án là tức cười. Còn hơn cả chuyện “những người thích đùa” của Azit Nezin. Lợi nhuận cỡ đó chẳng bao giờ đến người ngoài. Các chủ đầu tư sẽ độc quyền huy động vốn của dòng họ, bạn bè, đồng hương để thành triệu phú. Các địa phương sẽ ôm hết để làm giàu. Các ngân hàng sẽ mua đứt rồi bán lại. Mọi người chẳng cần kinh doanh gì khác cho nhức đầu chóng mặt.
Tham đứng đầu trong tam độc của Phật giáo (Tham - Sân - Si). Từ tham ô, tham nhũng, tham quyền cố vị đến tham ăn, tham uống… thứ nào cũng xấu. Chỉ có tham quan (du lịch), tham khảo, tham công tiếc việc… là tích cực. Trong các loài, con người là động vật khôn ngoan nhất, biết bẫy các loài khác để chiếm đoạt cho mình. Các loài sập bẫy của con người vì đói, vì không biết suy nghĩ. Con người sập bẫy của nhau vì tham. Có lẽ đây là từ nguy hiểm nhất của tiếng Việt. Tham làm mờ lý trí, nhòe đạo đức, suy yếu dần và tê liệt ý thức.
Vì tham mà có khi cha mẹ, vợ chồng, anh em, họ hàng dùng mọi thủ đoạn hãm hại lẫn nhau. Người kinh doanh kiếm lời bằng mọi cách chặt chém, lừa đảo. Người nông dân “gia tăng năng suất” bằng hóa chất, thuốc tăng trọng. Các nhà sản xuất làm hàng giả, hủy hoại môi trường. Các nhà thầu ăn gian chất lượng, bác sĩ lừa dối bệnh nhân. Người có chức quyền thì tham ô, đục khoét, luồn lách, lạm dụng quyền lực… Người Việt ăn cắp từ ý tưởng, tác phẩm cho đến vật tư, nguyên liệu, thành phẩm mà nhiều nhất là ăn cắp thời gian. Vì tham, sẵn sàng đạp lên cả đạo đức lẫn pháp luật, giành phần lợi về mình. Từ chuyện nhỏ là chạy xe trên lề đường, ném đá tùy tiện trên mạng, không chịu xếp hàng... Ai cũng tự tư tự lợi, xã hội xác lập vị thế mạnh vì tiền, vì hư danh và rất nhiều thứ ảo.
Cách đây 111 năm, trong “Việt Nam quốc sử khảo”, Phan Bội Châu đã cảnh báo “Nước mất là do rất nhiều tệ, tội nhiều không kể hết, nhưng trong đó có bốn cái tội lớn. Một là ngoại giao hẹp hòi; hai là nội trị hủ bại; ba là dân trí bế tắc; bốn là vua tôi trên dưới tự tư tự lợi. Vua tôi tự tư tự lợi nên không biết có dân có nước; dân cũng tự tư tự lợi nên cũng không nghĩ gì đến nước đến vua. Ngoại giao, nội trị, dân trí sở dĩ đồi bại như vậy cũng là do trên dưới đều tự tư tự lợi mà ra cả. Cuối cùng nước bị mất vua bị tù, thần dân đều trở nên giống người mất nước đê tiện. Cái nọc độc tự tư tự lợi nguy hại biết là dường nào”.
Xin đừng mãi tự hào về bao chiến thắng oanh liệt chống ngoại xâm, mà lại thua chính cuộc nội chiến gìn giữ nhân cách, gia phong và quốc hồn của người Việt. Cả nhà nước và từng người dân Việt đều phải soi lại mình.
NGUYỄN VĂN MỸ