>> Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó - Kỳ 1: Tết Ông Tạ thuở ấy
Chợ đâu lò đó. Lò heo trong ngõ Cổng Bom cũng ngưng hoạt động để dắt díu, đùm túm theo nhau ra chợ Phạm Văn Hai. Trước khi về chợ đầu mối của thành phố, chợ Phạm Văn Hai trở thành chợ heo lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Thịt heo từ đây đi nhiều chợ trong thành phố. Tuy nhiên, chợ Phạm Văn Hai không còn lò heo mà chỉ nhận heo giết mổ từ nhiều nơi về phân phối lại.
Từ hai, ba giờ sáng, chợ heo Phạm Văn Hai cách nhà tôi vài chục mét, đối diện rạp hát Đại Lợi (lúc đó vẫn còn) này đã rần rần người mua kẻ bán thịt heo. Từ 23 Tết thì một, hai giờ sáng đã hoạt động. Ngày 28, 29 Tết thì ngay sau 0 giờ đã ồn ào cho tới sáng. Ca sĩ Duy Mạnh có lúc ở chung cư xưa là building Đại Lợi đối diện chợ, than với cô nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà: “Hai, ba giờ sáng đã rần rần, không ngủ được”.
Xe tải chở thịt heo đậu hai bên đường trước chợ cho thợ heo vác heo mảnh từ xe tải xuống; thợ chạy tới chạy lui tấp nập, có khi rất “hỗn”, bất chấp xe cộ qua lại. Có thợ vai vác heo mảnh, tay cầm dao xẻ thịt sắc lẹm nhìn rất sợ. Vừa vác heo họ vừa la hét xe cộ qua lại nhường đường ầm ĩ. Hà rầm chuyện va chạm với người đi đường. Máu me dính đầy quần áo người ta. Có lần gần Tết, từ một vụ va chạm như vậy mà dẫn đến cãi cọ, đánh nhau; một thợ heo đã cầm ngay con dao xả thịt đâm chết một khách đi đường.
Thịt heo từ chợ lên các xe máy, hầu hết không biển số, cũ rích, tơi tả. Có xe để nguyên từng tảng thịt nửa con heo vắt qua yên sau, có xe cẩn thận xả sơ mảnh, bỏ vô hai thùng nhôm hay inox sau xe. Thế là các anh tài rú ga chạy bạt mạng cho kịp buổi chợ sớm của các chợ khác.
Chợ Ông Tạ cũ, thật kỳ lạ, nó vẫn hoạt động, Tết vẫn sôi động. Tất nhiên các mẹ, các chị không thể buôn bán ở khu nhà lồng chợ cũ vì nó đã thành trường tiểu học Phạm Văn Hai. Các cửa hàng dọc đường Thoại Ngọc Hầu cũ lên đến ngã ba Ông Tạ vẫn buôn bán những mặt hàng như ngày nào. Mới đây thôi, trước khi nhà bánh kẹo Tiến Thành bị giải tỏa cho Metro, bà con xung quanh đã thấy mọc lên hai tiệm Tiến Thành mới gần đó; tiệm nào cũng một kiểu bảng hiệu, cũng bánh cốm, trà Bắc, kẹo lạc… như thuở nào.
Một cửa tiệm bán hàng Tết ở Ông Tạ hiện nay. - Ảnh: Trần Việt Đức |
Ngoài những tiểu thương trong nhà chợ Ông Tạ cũ mua, sang sạp buôn bán tiếp tục ở chợ Phạm Văn Hai, không ít bà con, nhất là hàng rong vẫn tiếp tục “bám trụ” cho tới giờ, với hàng trăm sạp hàng, bạt trải ny-lông trong hẻm 264, tức hẻm Gà xưa, chạy dài dài vòng ra hẻm Đông Kinh cũ… Không quy mô bằng, nhưng cũng không thiếu thứ gì…
Kẹo lạc Quế Hương từng khối vuông vức, hũ dưa hành, măng khô, trà Bắc, thuốc lào 888… vẫn thấy bày dọc đường Phạm Văn Hai, từ ngã ba Ông Tạ xuống ngõ Cổng Bom xưa, trên đường Lưu Nhân Chú, Nghĩa Phát và khu Lộc Hưng, Chí Hòa… Dù nhiều người Ông Tạ “muôn năm cũ” đã đi đâu về đâu, hay không còn trên cõi thế gian này, nhưng tất cả đã chọn nơi này định hình cho mình một quê hương…
Tôi nhớ hồi nhỏ và cả lúc lớn lên, không chỉ tôi, nhiều người Ông Tạ cũng có phần tủi thân không có quê để về dịp Tết. Thế hệ F0, ông bà cha mẹ đến đây khi tuổi 20, 30, 40… cũng có người về thăm quê sau năm 1975, giờ nhiều người đã về với Trời, với Đất. Con cháu F1, F2, F3… đa số chỉ nghe quê Bắc xưa qua lời kể, “phai nhạt mấy màu”. Nên dù đi đâu,
kể cả ra nước ngoài, quê hương cụ thể của họ hôm nay vẫn là Ông Tạ, “là con diều biếc / tuổi thơ con thả trên đồng” rau muống An Lạc. Một vùng đất mới nay đã thành cũ – để nhớ để thương… Ngay California (Mỹ) cũng có tiệm Bánh cuốn Ông Tạ, giò chả Ông Tạ…
Theo Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó – Tập 2