Ông Lê Hoàng
Một nội dung được nhiều đơn vị làm sách đề cập là vấn đề sách giả hiện đang có dấu hiệu bùng phát mạnh.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho rằng vấn đề sách giả hiện đang rất nghiêm trọng, cần phải gọi đúng tên hành vi làm sách giả là sản xuất hàng giả. Hành vi này bị chế tài bởi Luật hình sự năm 2015, nhưng cho đến nay, các biện pháp đấu tranh bằng pháp lý đối với lĩnh vực sách giả chưa thấy hiệu quả.
Tại các sàn thương mại điện tử có bán sách, sách giả xuất hiện rất nhiều, bày bán công khai như một sự thách thức pháp luật. Các cơ quan chức năng nên vào cuộc để xóa bỏ tình trạng vi phạm này.
Ông Lê Hoàng (phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)
Hiện nhiều sàn thương mại điện tử bán sách giả, sách lậu và người đọc đặt mua sách qua mạng gần như không thể biết được quyển sách mình sẽ được giao là thật hay giả.
Giới làm sách trông cậy Hội Xuất bản có thể tổ chức các chương trình ký kết thỏa ước giao kèo giữa ngành xuất bản và các kênh/sàn thương mại điện tử với cam kết không phát hành sách giả, không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và góp phần làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản vốn dĩ chưa được lớn mạnh của chúng ta.
Vấn đề này vẫn còn đang bỏ ngỏ phía trước, nói như ông Từ Lương, câu hỏi về sách giả là vấn đề nhức nhối đối với cả nước chứ không riêng TP.HCM. Và cùng với sự phát triển của công nghệ hiện nay, việc sản xuất và lưu hành sách giả cho thấy pháp luật đang "chạy theo không kịp".
Tuy nhiên, đại diện Phòng an ninh chính trị nội bộ Công an TP cho rằng nếu kiểm soát nghiêm khâu in, bảo đảm không để sách giả được in ra, thì các kênh phát hành dẫu có muốn "trộn" sách giả vào sách thật để phát hành như vừa phản ảnh vẫn có thể ngăn chặn được.
LAM ĐIỀN