Chúng ta đều đã quen thuộc với năm giác quan cơ bản – thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác – mà thông qua chúng ta có được những trải nghiệm về thế giới. “Nội cảm thụ” có phần hơi khác: dù ít được biết đến, nó là giác quan giúp mỗi cá nhân cảm nhận và thấu hiểu những gì đang diễn ra trong cơ thể mình. Nó giúp chúng ta “giải mã” cơ thể của chính mình và xử lý các tín hiệu của nó, từ cơn đói, khát, nhiệt độ cơ thể cho đến nhịp tim hay tình trạng tiêu hóa.
Những đứa trẻ có vấn đề về nội cảm thụ dễ gặp trở ngại trong việc phát hiện khi nào mình cảm thấy đói, nóng lạnh hay khát. Bây giờ hãy dành chút thời gian để ngẫm xem làm sao để biết trong bữa ăn lúc nào thì bạn cảm thấy no, hay khi nào bạn thấy cần đi vệ sinh. Hầu hết mọi người sẽ “giải mã” chính xác những tín hiệu này, nhưng có nhiều ví dụ tinh tế hơn của những cảm giác này không ngừng xuất hiện tại nơi làm việc mà lại thường bị bỏ qua. Hai ví dụ thường thấy nhất trong đời sống chính là nhận ra thời điểm bạn cần tạm xa công việc để nghỉ ngơi sau khi cảm thấy năng lượng bắt đầu suy kiệt, hay thời điểm bạn cần rời khỏi phòng giữa cuộc tranh cãi để tránh to tiếng hay lỡ lời với bạn đời của mình.
Kinh nghiệm sống ảnh hưởng đến năng lực nội cảm thụ nói chung. Khả năng giải mã chuẩn xác những dấu hiệu thể chất, ví dụ như việc mất sức sống hay khẩu vị, bị ảnh hưởng bởi cách chúng ta chọn để ý hoặc phớt lờ những cảm giác khác nhau của chính mình. Quan điểm của gia đình bạn về sức khỏe, cảm xúc và hạnh phúc cũng sẽ tác động đến khả năng này.
Tôi để ý thấy những người cha mẹ có cách nuôi dạy con “cứng rắn” hay bảo con phải “Chịu khó thích nghi đi”, xem nhẹ nỗi lo của con cái bằng những lời như “Con có bị làm sao đâu”, hoặc nói “Đừng có ngốc nghếch như thế” mỗi khi con có một phản ứng xúc động, họ dễ gặp trở ngại trong việc giải mã dấu hiệu cơ thể hoặc bất cứ dấu chỉ nào của sự tổn thương – cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Việc khai mở mối liên kết giữa cơ thể và tâm trí có thể là một thử thách nếu bạn từng dạy bản thân cách gạt bỏ các tín hiệu của cơ thể để ưu tiên những thứ khác.
Không có khả năng nhận diện và phản hồi trước những dấu hiệu bên trong mà cơ thể muốn truyền đạt với chúng ta là một ví dụ cho thấy ta đang phớt lờ trạng thái nội thân của cơ thể mình. Não bộ tham gia vào một tiến trình liên tục nhằm tích hợp các tín hiệu được chuyển tiếp từ cơ thể đến từng bộ phận thần kinh riêng biệt – ví dụ như thân não, vùng đồi thị, thùy đảo (insula), vỏ não cảm giác thân thể (somatosensory) và vùng vỏ não đại trước (anterior cingulate cortex) – tiếp nhận phản hồi về trạng thái sinh lý của cơ thể, từ những cảm giác đơn giản như “Mình nóng quá” cho đến cảm giác chung chung và phức tạp hơn như “Mình cảm thấy khỏe” hay “Mình thấy căng thẳng quá”.
Tiến trình này rất quan trọng trong việc duy trì tình trạng ổn định của cơ thể như nhiệt độ hay huyết áp, hơn nữa còn giúp tăng khả năng tự nhận thức của chúng ta, bởi vì ta càng hiểu rõ những dấu hiệu này bao nhiêu thì mối liên kết cơ thể - não bộ càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu.
Các tín hiệu nội cảm thụ được gửi đến não bộ thông qua hàng loạt đường dẫn thần kinh có liên quan đến tim, máu phổi và da (ngoài ra còn có các hệ thống sinh lý khác như hệ tiêu hóa, cơ quan sinh dục niệu, hệ nội tiết và hệ miễn dịch). Nếu bạn có độ nhạy cao, khả năng nội cảm thụ miễn dịch có thể báo động thời điểm bạn sắp nhiễm một cơn cảm cúm, có khi là từ nhiều ngày trước khi bạn thấy được triệu chứng rõ ràng. Trong khoảng vài ngày trước khi bị bệnh, bạn đã bao giờ cảm nhận được điềm báo mơ hồ rằng mình biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra dù cho chưa hề có triệu chứng rõ ràng nào hay chưa?
Nếu như ngày xưa ta cho rằng dự báo đó đơn thuần đến từ trực giác, thì giờ đây ta đã hiểu được rằng đó là nhờ sự hoạt động của năng lực nội cảm thụ. Cơ thể mỗi người phát ra một loạt các tín hiệu vi mô để mách bảo rằng hệ thống miễn dịch đang gặp trục trặc, có thể là nhịp tim tăng nhẹ, cảm giác đầu óc mơ màng hay rát cổ họng. Não bộ của chúng ta ghi nhận tất cả những điều này và cảnh báo cho ta biết có gì đó không ổn, nếu ta đủ tinh ý để nhận ra. Rồi sau đó, việc quyết định uống thêm vài viên thực phẩm chức năng, bổ sung nước và đi ngủ sớm hay phớt lờ cơ thể và gắng sức làm việc tiếp là lựa chọn của chính ta.
Nhiều người bị lâm vào tình trạng “đổ bệnh trong dịp nghỉ lễ": mới ngày đầu tiên của kỳ nghỉ phép mà đã bị cảm liệt giường hoặc buồn nôn, đau bụng. Đây là một dấu hiệu báo động đỏ, cho thấy rằng ta đang phớt lờ hoặc không giải mã được những thông điệp từ cơ thể gửi đến não bộ, và hệ miễn dịch bị ta kìm hãm đang “trả đũa” vào thời điểm hàng phòng thủ của chúng ta được hạ xuống.
Tình huống này có thể diễn ra theo chiều ngược lại, khi mà căng thẳng và lo âu gây ra các triệu chứng đau do căng thẳng thần kinh mặc dù về cơ bản người bệnh không hề mắc một chứng bệnh thể lý nào. Để nhận ra tình trạng đó, thỉnh thoảng tôi thấy việc tự trò chuyện với bản thân rất hữu ích, chẳng hạn tôi sẽ tự nhủ: “Mình có đang không được khỏe hay bị đau vì lý do nào cụ thể không, hay chỉ là do căng thẳng?”.
Nội cảm thụ sử dụng các đường dẫn thần kinh trong não bộ và cơ thể rất giống với cách năm giác quan của chúng ta sở hữu những tế bào thần kinh kết nối từ mắt, tai, lưỡi, v.v. đến các vùng não có chức năng xử lý thị lực, thính lực và vị giác. Mặc dù nội cảm thụ có phần phức tạp, bí ẩn và hứa hẹn sẽ được khám phá qua nhiều nghiên cứu thí nghiệm trong tương lai, nhưng nó cũng là giác quan mà ta nên bắt đầu khám phá để cải thiện mối liên kết não bộ - cơ thể, củng cố mức độ hạnh phúc và tiềm năng Nội lực của chính mình. Đây cũng là lý do tại sao bài tập Kiểm tra cơ thể vừa rồi là rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân.
Học cách “đọc vị” cơ thể của bạn
Vậy làm cách nào để cải thiện khả năng nội cảm thụ? Khả năng này có được nhờ bẩm sinh hay hoàn toàn có thể được củng cố? Nội cảm thụ là một khái niệm khó nắm bắt nếu bạn chưa từng tập yoga hay chơi các môn thể thao yêu cầu sự phản hồi sinh học từ cơ thể. Bạn càng nhạy cảm và chú tâm vào cơ thể thì khả năng nội cảm thụ của bạn càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, giác quan này chắc chắn có khả năng được cải thiện.
Khi đi lại trên đường, ta rất dễ bỏ qua nhiều chi tiết. Nếu không tập trung chú ý, ngay cả những nơi ta thường dạo bước suốt nhiều năm cũng khó mà được tái hiện trong đầu. Khả năng nội cảm thụ cũng vậy. Thay vì phớt lờ cơn co giật ở mí mắt, đôi chân bồn chồn hay cảm giác chộn rộn trong lòng hãy bắt đầu tò mò hơn về ý nghĩa đằng sau chúng. Một vài dấu chỉ có thể được giải thích bằng khoa học, ví dụ như chứng co thắt cơ hay đau nửa đầu thường liên quan đến nồng độ magie thấp, nhưng một số khác sẽ mang ý nghĩa riêng đối với ta và chỉ ta mới giải mã thành công.
Một người bạn của tôi hay bảo: “Mỗi khi bị nhiệt miệng là tôi biết ngay mình đã ép buộc bản thân quá đáng và cơ thể đang thiếu dưỡng chất để hoạt động bình thường”. Tôi cũng đã lưu ý điều này ở bản thân. Một người họ hàng của tôi kể rằng đối với cậu ấy căng thẳng được bộc lộ qua những nút thắt cơ (muscle knot) tích tụ độc tố trên hai vai. Tôi nhận ra mình cũng từng có cảm giác như vậy!
Học cách giải mã cơ thể là điều mà chính tôi cũng đang chủ động luyện tập và cải thiện. Giờ thì tôi có thể lý giải nhuần nhuyễn các dấu hiệu ngầm của cơ thể và phát hiện được mình bị bệnh trước khi phát bệnh vài ngày – tôi nhận biết chính xác chỗ nào trong cơ thể mình đang gặp trục trặc. Chỉ cần cảm thấy ran rát cổ họng hay ù tai, tôi sẽ uống nhiều nước ấm với mật ong từ hoa manuka', chanh và gừng, đi ngủ sớm hoặc tập vài động tác yoga phục hồi để cân bằng hệ thần kinh nội tiết, đồng thời giúp phục hồi tuyến thượng thận – bộ phận có thể bị suy yếu khi đối mặt với tình trạng kiệt sức, dẫn đến suy giảm khả năng miễn dịch. Do đó, tôi thường xuyên ngăn chặn được những sự việc đáng lẽ không tránh khỏi.
Tôi tin rằng mỗi người chúng ta bẩm sinh đã có khả năng lắng nghe cơ thể và trao đổi thông tin đó với não bộ để đưa ra lựa chọn tốt hơn. Lấy ví dụ, nếu môi của bạn sưng, ngứa khi ăn hải sản hay bụng dễ bị đầy hơi sau khi ăn pizza, có lẽ bạn bị dị ứng với các loài giáp xác hoặc không dung nạp được lúa mì và gluten. Đối với bạn, những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang bị căng thẳng, khó chịu hay bất ổn? Khi đã được trang bị kiến thức về cơ thể mình, bạn có thể chăm sóc bản thân nhanh và hiệu quả hơn, và khi cơ thể báo động bạn phải dừng lại, bạn sẽ ít có xu hướng phớt lờ nó hơn.