Xoay chuyển tình hình Biển Đông - Một góc nhìn mới về tình hình biển đảo

01/12/2023 09:00
Xoay chuyển tình hình Biển Đông - Một góc nhìn mới về tình hình biển đảo

James Borton đã tập hợp những nghiên cứu và trải nghiệm của mình trong cuốn sách “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển này.

Được miêu tả như “Một đốm màu xanh lam nằm giữa các rạn san hô, đảo, bán đảo và núi khu vực Đông Nam Á, ngăn cách Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương” - Biển Đông là một trong những ngư trường giàu có nhất thế giới với diện tích gần 3,6 triệu km2, nó là con đường huyết mạch vận chuyển hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa mỗi năm và cung cấp khoảng 12 % sản lượng đánh bắt cá của cả thế giới. Tuy nhiên, nơi này cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng trong bối cảnh môi trường ngày càng xuống cấp vì biến đổi khí hậu, tình trạng axit hóa đại dương, ô nhiễm nhựa, lấn biển, khai thác quá mức và áp lực dân số từ tất cả các quốc gia bao quanh nó.

Trước tình hình này, James Borton - một nhà báo, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách Đối ngoại của Đại học Johns Hopkins – với hơn hai thập niên kinh nghiệm đưa tin từ nước ngoài đã lăn lộn khắp Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam, tập hợp những nghiên cứu và trải nghiệm của mình trong cuốn sách “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng biển này. Với lối viết logic và những phân tích sâu sắc, cuốn sách gồm 3 phần lần lượt dẫn dắt người đọc đi từ cuộc sống của ngư dân Việt Nam trên ngư trường rộng lớn đến những vấn đề tầm cỡ khu vực và thế giới.

Ghi chép thực địa

Trong phần mở đầu của cuốn sách, tác giả không chỉ đưa ra những quan điểm sâu sắc về cuộc sống của những ngư dân trên Biển Đông mà còn đề cập đến việc bảo tồn và duy trì nguồn cá cũng như cân bằng sinh thái tại khu vực. 

Câu chuyện về những ngư dân Việt Nam ngày ngày bám biển để nuôi sống gia đình, những người “đã đánh bắt trên Biển Đông trước cả khi lịch sử được ghi chép lại” được tái hiện dưới ghi chép của tác giả qua cuộc nói chuyện với nhà văn Lã Thanh Tùng trong một quán bia hơi ở Hà Nội đầy thú vị và cuốn hút tựa hồ như một chuyến phiêu lưu nơi những ngư dân là chiến sĩ và con thuyền đánh cá trở nên một chiến hạm phi thường.

Ai cũng nghĩ rằng khi “50% protein động vật được tiêu thụ ở Đông Nam Á đến từ vùng biển rộng lớn phía đông Việt Nam” thì “Biển đủ rộng để ngư dân kiếm kế sinh nhai” nhưng “những thách thức đối với họ còn nhiều hơn thế” khi một ngày bỗng “một giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đã được hạ đặt tại ngư trường truyền thống của Việt Nam” đánh dấu sự bắt đầu của cơn dông bão.

James Borton dẫn lại những lời tâm sự của một ngư dân Việt Nam trong cuộc đụng độ với tàu Trung Quốc “Người Trung Quốc đang dàn trên Biển Đông những con tàu đánh cá khổng lồ và việc này khiến chúng tôi khó có thể đánh bắt như trước kia”. Tác giả cho rằng, với hàng ngàn tàu đánh cá vỏ thép siêu lớn đang hoạt động ở những khu vực nằm rất xa vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc bị xem là thế lực chính đã thúc đẩy các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. 

Bên cạnh đó, các tập quán đánh bắt quá mức và không bền vững, sự ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, nạn tàn phá san hô và những yếu tố khác đã làm trầm trọng thêm tình trạng suy kiệt nguồn cá. “Trong hơn 40 năm qua, các nguồn tài nguyên thủy sản ở Đông Nam Á được ước tính là đã giảm chỉ còn 25% hoặc ít hơn so với mức trước đây”.

Theo các nhà khoa học, “rạn san hô là các cộng đồng kỳ diệu dưới nước, tràn ngập sự sống và các khả năng”, có tiềm năng to lớn trong phát triển các loại thuốc. Tuy nhiên, “các khảo sát được thực hiện tại bãi đá ngầm và vùng biển thuộc đảo Thị Tứ nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa - gần với cụm Song Tử về phía bắc và đá Xu Bi về phía tây - cho thấy rằng các rạn san hô này đã bị khai thác quá mức”.  Giờ đây, nhiều ngư dân đã hoàn toàn nhận ra những chiếc thuyền lớn hơn và nhanh hơn chỉ đồng nghĩa với việc đánh bắt được ít cá hơn.

Chính trị sinh thái

Phần tiếp theo của cuốn sách cung cấp những câu chuyện liên quan đến vấn đề môi trường trong cách hành xử thô bạo của Bắc Kinh ở sân chơi mà họ gọi là Nam Hải. Một lần nữa James Borton nhắc lại hình ảnh tàu cá Việt Nam ra khơi như những chiến thuyền khi ngư dân Trung Quốc đánh bắt triệt để thủy hải sản từ Biển Đông, đưa lên những chiếc tàu vỏ thép khổng lồ của họ, phá hủy các rạn san hô và đâm vào tàu cá của các quốc gia tranh chấp, hành động tấn công của họ gây ra những tác động cả tức thời lẫn lâu dài. Các vụ đụng độ ở ngư trường và các hành động khiêu khích do Trung Quốc cầm đầu hiện nay đã phủ bóng đen lên Biển Đông và gây thiệt hại kinh tế cho nhiều ngư dân. 

Mặc dù công ước UNCLOS 1982 được phổ biến rộng rãi như là “hiến pháp dành cho các vùng biển” đã lập ra quy tắc cho mọi khía cạnh: giao thông hàng hải, đánh cá, khai thác dầu khí, khai thác đáy biển, bảo tồn biển và nghiên cứu khoa học biển nhưng Trung Quốc vẫn thể hiện rõ sự phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague. “Với những hành động như vậy, ván bài cuối cùng của Bắc Kinh có thể dẫn đến một mối đe dọa an ninh toàn cầu”. 

Giống như một vòng lặp không có điểm dừng, sự suy giảm nguồn cá ở Biển Đông gây áp lực lên dòng lưu thông về an ninh lương thực, đồng thời chính sự mất cân bằng ấy lại làm gia tăng mâu thuẫn chính trị sinh thái giữa các nước khu vực. Đồng thời, “cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang lan rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thúc đẩy những thay đổi trên biển trong cuộc “chiến tranh cá”. 

Có thể thấy, bức tranh nghề cá ngày càng nghiêm trọng hơn ở Biển Đông dù trước đây đã có một số nỗ lực nhằm thiết lập các cơ chế hợp tác để giải quyết vấn đề đánh bắt nhưng hầu hết đều được thiết kế để bảo vệ đa dạng sinh học biển chứ không phải ngư dân. Đó là “Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam, dự án Biển Đông của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Quỹ môi trường toàn cầu, Hội đồng Quản lý Biển, hệ sinh thái biển Sulu - Sulawesi, và các chương trình nhà nước - thị trường - tổ chức phi chính phủ”.

Với kinh nghiệm và vốn kiến thức tích lũy nhiều năm ở Việt Nam, tác giả nhấn mạnh sự phụ thuộc lẫn nhau giữa đại dương và vùng đất ven biển, giữa sự sống và nước, giữa sự tuần hoàn của khí quyển và đại dương. Hơn ai hết, ông hiểu rằng “Đối với người Việt Nam, bản sắc của họ gắn chặt vào mối quan hệ với Biển Đông và đặc biệt là với các ngư dân. Điều đó giữ họ trong một mạng lưới cộng đồng, văn hóa và di sản”.  

Hợp tác và ngoại giao khoa học

Hệ sinh thái phức tạp và gắn liền với nhau của Biển Đông cần sự hoạch định chính sách hợp sức cùng các nhà khoa học biển để họ có thể thiết lập hợp tác tại khu vực và chăm lo cho đại dương và bảo tồn nó trước khi quá muộn. Chúng ta thường nghe về ngoại giao chủ yếu là câu chuyện về đối thoại và đàm phán, ngoại giao khoa học đã nổi lên như một công cụ để xây dựng “sức mạnh mềm”. Dù khái niệm này vẫn còn mới mẻ, nhưng nhiều chuyên gia chính sách đã công nhận rằng nó giúp ích cho việc xây dựng liên minh và đưa ra giải pháp cần thiết cho những mâu thuẫn ở Biển Đông đầy sóng gió. 

Tác giả cho rằng “Khoa học biển đã bước vào thời đại kỹ thuật số. Việc mở rộng phạm vi và quy mô của quan trắc đại dương và cảm biến thông minh giờ đây tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ và được cập nhật liên tục. Đây là cơ sở hạ tầng cho các trạm quan trắc dưới biển trên phạm vi toàn cầu, khu vực và ven bờ, nằm trong kế hoạch được thiết lập để hỗ trợ các cảm biến riêng lẻ và cảm biến trong mạng lưới”. Điều này tạo cơ hội để chúng ta thay đổi cách nghiên cứu và thấu hiểu đại dương thông qua các phân tích liên ngành phức tạp hơn, cũng như nhờ sự tham gia của cộng đồng ven biển vào việc quản lý và giám sát tài nguyên biển.

Một số giải pháp hữu hiệu đã được đưa vào thử nghiệm. “Đã có một tổ chức quốc tế tiên phong là Mạng lưới Hành động vì Rạn san hô Quốc tế (ICRAN) được thành lập vào năm 2000 và được tạo thành từ nhiều tổ chức bảo tồn san hô hàng đầu. ICRAN kết hợp chuyên môn về kỹ thuật và khoa học trong giám sát và quản lý rạn san hô để đưa ra các phương án hành động liên kết có tính chiến lược ở cấp địa phương” hay “ Các khu bảo tồn biển được bảo vệ là công cụ mới để quản lý và bảo vệ biển. Mục đích của những khu bảo tồn biển này - đôi khi được gọi là “khu bảo tồn sinh thái” hoặc “khu vực cấm đánh bắt” - là tăng cường bảo tồn các tài nguyên biển” là những bước đầu tiên để thiết lập mạng lưới hợp tác trong khu vực và quản lý đại dương nhằm mang lại lợi ích cho tất cả.

Giới chuyên môn khẳng định điều chúng ta cần là các giải pháp xây dựng lòng tin để góp phần giúp cân bằng vấn đề suy thoái môi trường và xây dựng một ngư trường hòa bình. “Chỉ cần còn cá ở vùng biển tranh chấp, một thỏa thuận sinh thái ASEAN có thể hướng các nước khác đoàn kết thực hiện kế hoạch xây dựng một công viên hòa bình quốc tế, hoặc ít nhất là một khu bảo tồn biển mang tính hợp tác ở quần đảo Trường Sa”. Như vậy, có thể thấy ngoại giao khoa học không phải là một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với quan hệ liên quốc gia, đặc biệt là trong quản lý tranh chấp Biển Đông. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ta có thể đánh giá phương án này không chỉ giúp thúc đẩy việc xây dựng lòng tin giữa các bên trực tiếp và gián tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông mà còn tạo ra một khoảng dừng chiến lược rất cần thiết cho căng thẳng ngày càng gia tăng ở khu vực, thậm chí có thể vượt ra ngoài giới hạn này hướng đến giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường thế giới. 

Khép lại “những trang tài liệu sống động”, James Borton muốn “mời bạn đọc bước lên một chiếc tàu đánh cá truyền thống được làm bằng gỗ và sơn màu sặc sỡ của Việt Nam. Ở đó, các thuyền viên làm việc đến mệt lả - nhiều người đã già như con tàu hà bám đầy và bị vô nước của họ - thường là những người đầu tiên bị thương hoặc không may mắn mất mạng, đồng thời cũng là những người nắm giữ sự thật ở Biển Đông” và giữ vững niềm tin rằng “vẫn chưa quá muộn để tạo ra một sự thay đổi chính sách có thể được định hướng vì tương lai bền vững và hòa bình”

Có thể nói, “Xoay chuyển tình hình Biển Đông” là một cuốn sách kích thích tư duy với lượng lớn tài liệu và số liệu nghiên cứu từ các nhà khoa học nhằm truyền tải cho người đọc về bức tranh đầy phức tạp ở Biển Đông. Nó không chỉ là quyển sách cất lên tiếng nói của người dân địa phương mà còn là tiếng nói chung của khoa học và quốc tế, từ đó bổ sung một góc nhìn mới cho cuộc thảo luận còn chưa có hồi kết này.

Việc đưa vào sách những cuộc trò chuyện thẳng thắn với ngư dân và các nhà khoa học khiến vấn đề trở nên cá nhân và hấp dẫn hơn. Ngoài ra, những trình bày của James về các vấn đề phức tạp dưới góc nhìn bao quát cũng khiến tác phẩm dễ tiếp cận hơn với nhiều độc giả. Nói như Larry Berman - Giáo sư danh dự, Đại học California, Thành phố Davis rằng “Đây là quyển sách về hy vọng và tương lai của đa dạng sinh học biển cũng như sự bền vững ở Biển Đông. Đây là một đóng góp lớn cho một lĩnh vực chưa được nghiên cứu đúng mức”

“Xoay chuyển tình hình Biển Đông” không phải là một câu chuyện chiến tranh khác từ Đông Nam Á như vô vàn những trang sử thi khác mà là một hồi chuông cảnh báo từ mẹ thiên nhiên - từ cái nôi nuôi nấng bao thế hệ trước những tác động tàn khốc do con người gây ra đang quay trở lại thành cơn dông bão nhấn chìm giấc mơ của ngư dân. Chúng ta cần cấp thiết nhận ra rằng “Chỉ sau khi cái cây cuối cùng bị đốn xuống, chỉ sau khi dòng sông cuối cùng bị nhiễm độc, chỉ sau khi con cá cuối cùng bị đánh bắt thì chúng ta mới biết được rằng chúng ta không thể ăn được tiền” ( Trích “Bức thư của Người Thủ lĩnh Da đỏ gửi Tổng thống Mỹ). 

Thật là một trải nghiệm đau lòng khi phải chứng kiến sự sống, vẻ đẹp và đa dạng sinh học dần bị hủy hoại ở Biển Đông. Tất cả chúng ta cùng ở trong đó và vùng biển nhắc nhở chúng ta rằng mọi thứ trong cuộc sống này đều kết nối với nhau. Cùng nhau, chúng ta có thể làm thay đổi cục diện. Cùng nhau, chúng ta có thể làm điều gì đó từ hôm nay. 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 27/04/2024